(HNM) - Diễn biến thời tiết ngày càng khó lường là hậu quả của biến đổi khí hậu đang tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Để thích ứng với biến đổi khí hậu, ngành Nông nghiệp đang quyết liệt hành động, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng phù hợp.
Không thể thờ ơ
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Tuy nhiên, năng lực thích ứng, đối phó với biến đổi khí hậu của ngành Nông nghiệp còn nhiều hạn chế, trong khi các hiện tượng cực đoan của thời tiết ngày càng phức tạp, bất thường. Chẳng hạn năm 2017, mưa bão xảy ra liên tiếp đã gây thiệt hại nặng nề, ước tính khoảng 60.000 tỷ đồng. Tại Hà Nội, mưa lũ đã làm diện tích thủy sản bị ngập, thiệt hại hơn 9.700ha, gây ảnh hưởng lớn đến sản lượng thu hoạch. Còn tại các tỉnh miền Trung, trung bình mỗi năm có 120.000ha lúa bị ngập úng, trong đó có hơn 36.000ha bị mất trắng, hơn 62.000ha hoa màu bị ngập...
Mô hình sản xuất rau hữu cơ VinEco tại Vĩnh Phúc. |
Dự báo, với kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đến năm 2100, Việt Nam đứng trước nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng, bởi sẽ giảm khoảng 21,39% sản lượng lúa. Nhiều loại cây trồng như ngô, đậu tương và một số cây công nghiệp như cà phê, tiêu... sẽ bị ảnh hưởng lớn đến năng suất. Nguy cơ xói lở, ảnh hưởng đến sự an toàn đê điều, hồ, đập cũng được cảnh báo ở mức nguy hiểm. Thực tế, bờ biển nước ta đang bị xói lở với cường độ từ vài mét tới hàng chục mét mỗi năm và có xu hướng gia tăng mạnh trong một thập niên gần đây.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT), cả nước hiện có 58% số dân sinh sống ở ven biển chủ yếu dựa vào nông nghiệp và đánh bắt thủy sản, khoảng 480.000 người trực tiếp làm nghề đánh bắt hải sản, 10.000 người chế biến thủy sản và hơn 2,1 triệu người cung cấp các dịch vụ liên quan đến nghề cá. Biến đổi khí hậu sẽ là mối đe dọa lớn đối với nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và sinh kế của người dân. "Bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào về sinh cảnh sẽ ảnh hưởng đến năng suất và sự an toàn nuôi trồng thủy sản. Tiếc rằng, nhiều người vẫn nghĩ biến đổi khí hậu chỉ là nước biển dâng, thậm chí còn tỏ ra chủ quan, thờ ơ khi cho rằng mỗi năm nước dâng lên 1cm thì còn lâu mới ảnh hưởng đến mình" - ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nhìn nhận.
Xây dựng mô hình sản xuất thân thiện môi trường
Hiện nông nghiệp là ngành phát thải khí nhà kính lớn thứ 2 sau ngành Năng lượng, chiếm 38,9% tổng lượng khí nhà kính, góp phần gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu. Để cải thiện vấn đề này, ngành Nông nghiệp đang tập trung phát triển, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch thân thiện với môi trường, đồng thời tập trung cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với sinh thái, thổ nhưỡng từng vùng. Theo đó, những vùng khô hạn, thiếu nước ngọt, sẽ đưa vào gieo trồng giống cây trồng có khả năng chịu hạn tốt như tỏi, nho, thanh long… và các vật nuôi như cừu, dê… Tại những khu vực bị xâm nhập mặn, áp dụng giải pháp trồng rừng đước kết hợp nuôi tôm sinh thái, giúp tăng thu nhập ổn định, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, giảm khí thải nhà kính.
Trong xu thế biến đổi khí hậu như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, cần tập trung đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong chọn tạo và nhân giống cây trồng. Ví như, TP Hà Nội và Hải Phòng, một số khu nông nghiệp đã nhập khẩu trọn gói công nghệ của Israel, từ nhà màng, thiết bị bên trong đến giống, kỹ thuật canh tác để sản xuất rau và hoa. Nhiều địa phương đã nghiên cứu, phát triển công nghệ mới trong nông nghiệp, chú trọng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Đơn cử như TP Hồ Chí Minh đã có dự án đầu tư xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao đa chức năng với quy mô gần 90ha để nghiên cứu, trình diễn và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thú y và thủy sản.
Ngoài ra, nhiều địa phương đã tập trung khôi phục hệ thống rừng ven biển, quản lý chặt chẽ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn; kiểm soát chặt chẽ chuyển mục đích sử dụng rừng. Phát triển mạnh dịch vụ môi trường rừng, nhất là dịch vụ du lịch sinh thái bền vững, hấp thụ carbon… để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để thích ứng với biến đổi khí hậu, những năm gần đây, TP Hà Nội đã tập trung phát triển nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch bảo vệ môi trường. Trong đó, ưu tiên xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng và nhân rộng mô hình "nông nghiệp sinh thái", "nông nghiệp đô thị"... Đồng thời thành phố áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong canh tác, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản như sử dụng nhà lưới, ni lông che phủ trong trồng trọt, công nghệ sản xuất cá giống trong nuôi trồng thủy sản.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, cùng những giải pháp cụ thể trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp thì việc liên kết các bộ, ngành, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những giải pháp tích cực. Từ đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học trong dự báo để làm cơ sở cho việc hoạch định quy hoạch, chiến lược, chính sách cho sự phát triển nông nghiệp bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.