(HNM) - Kỳ thi tuyển sinh (TS) vào lớp 10 THPT, năm học 2015-2016 của Hà Nội sẽ diễn ra ngày 11-6 với gần 80 nghìn thí sinh dự thi. Đây là kỳ thi có quy mô lớn đầu tiên trong năm tại Hà Nội, cũng là kỳ thi có nhiều điểm mới.
Bởi vậy, dù là công việc thường niên, phương thức TS không thay đổi, song với tính cạnh tranh khá gay gắt, lại là năm đầu tiên áp dụng quy chế mới, việc tổ chức thi ở mọi khâu đòi hỏi ý thức và trách nhiệm cao hơn - Đây là điều được Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ quán triệt tới 160 trưởng điểm thi tại hội nghị hướng dẫn coi thi vào lớp 10 diễn ra ngày 8-6.
Không "thuộc bài", không được làm nhiệm vụ
Coi thi là khâu luôn được đánh giá quan trọng, phản ánh chất lượng của bất cứ kỳ thi nào. Với kỳ thi có tính cạnh tranh như với kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT, công tác chuẩn bị, hướng dẫn cho các thành viên đảm nhận nhiệm vụ được đặc biệt coi trọng. Để bảo đảm tính nghiêm túc, khách quan trong khâu này, đội ngũ cán bộ coi thi (CBCT) được đổi chéo giữa các quận, huyện, thị xã nhằm tránh tình trạng giáo viên đi coi thi HS của đơn vị mình. CBCT được điều động theo tỷ lệ 50% là giáo viên THCS, số còn lại là giáo viên THPT và đều không dạy ngữ văn và toán - hai môn thi của kỳ thi.
Để phòng ngừa trường hợp đột xuất, số lượng CBCT của các đơn vị đều được huy động dôi hơn so với thực tế để kịp thời bổ sung. Yêu cầu về CBCT được ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT Hà Nội) nhấn mạnh: Trong trường hợp CBCT có lý do đột xuất vắng không làm nhiệm vụ được, trưởng điểm thi có quyền gọi điện trực tiếp cho hiệu trưởng hoặc trưởng phòng GD-ĐT yêu cầu cử người thay thế, chỉ trong trường hợp đặc biệt mới báo cáo Sở GD-ĐT. Yêu cầu này được lãnh đạo ngành lưu ý, tránh trường hợp như các năm trước việc gì cũng gọi báo cáo sở, mà thời điểm này rất nhiều việc. Thủ trưởng các đơn vị này có trách nhiệm thực hiện sự điều động của các trưởng điểm thi với tinh thần nghiêm túc và kịp thời nhất.
Năm đầu tiên áp dụng quy chế thi mới, việc tổ chức học tập quy chế thi cho đội ngũ CBCT là quy định bắt buộc đối với toàn bộ 160 trưởng điểm thi. Để bảo đảm chắc chắn rằng, các nội dung của quy chế có được lĩnh hội nghiêm túc, đầy đủ hay không, khâu "hậu kiểm" của việc tổ chức học tập quy chế thi được đặc biệt coi trọng. Theo yêu cầu của Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, sau khi tổ chức học tập quy chế, trưởng điểm thi phải trực tiếp kiểm tra xem các thành viên của đơn vị đã "thuộc bài" hay chưa. Trong trường hợp phải điều động CBCT thay thế, trưởng điểm thi có trách nhiệm tổ chức cho những người này học tập quy chế đầy đủ, tuyệt đối không để bất kỳ một cán bộ, giáo viên, nhân viên nào tham gia làm thi mà không được học quy chế hoặc không "thuộc bài".
Trưởng điểm thi: Chủ động kiểm soát tình hình
Sở GD-ĐT Hà Nội đã huy động hơn 10 nghìn người làm nhiệm vụ tổ chức thi. Báo cáo của 15 đoàn thanh tra khẳng định, khâu chuẩn bị cơ sở vật chất tại 160 điểm thi trên địa bàn thành phố đã cơ bản hoàn tất, hạn cuối phải khắc phục một số hạng mục cần sửa chữa, bổ sung là cuối ngày 8-6. Trưởng điểm thi có quyền từ chối nếu phát hiện thấy cơ sở vật chất của điểm thi không đủ điều kiện cần thiết để tổ chức kỳ thi theo yêu cầu. Việc trao quyền chủ động cho trưởng các điểm thi nhằm tăng cường trách nhiệm cá nhân của người được giao nhiệm vụ, đồng thời phát huy ý thức tự giác và tính tự chủ của người thực thi.
Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ nhận định: Mặc dù đây là kỳ thi địa phương, song là kỳ thi có quy mô lớn, nhiều điểm mới nên sẽ nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Với mục tiêu tổ chức thi nghiêm túc để nâng cao chất lượng "đầu vào" ở các trường THPT công lập, cũng là để đánh giá kết quả dạy - học ở các trường THCS, các trưởng điểm thi phải quán triệt tới từng thành viên về trách nhiệm cá nhân khi làm nhiệm vụ, góp phần tạo nên chất lượng giáo dục của toàn ngành. Tổ chức thi là việc thường niên, song với quy chế mới, Giám đốc Sở GD-ĐT yêu cầu các thành viên phải tăng cường ý thức tự giác, có tinh thần trách nhiệm cao khi làm nhiệm vụ, cả những người mới tham gia làm thi và những người đã làm thi nhiều năm đều phải tránh tâm lý chủ quan. Thậm chí, những người tham gia làm thi nhiều năm càng phải thận trọng, bởi dù công việc không thay đổi, song quy trình thực thi và các yêu cầu nhiệm vụ tại kỳ thi này có nhiều điểm khác biệt.
Yêu cầu này xuất phát từ quy định của quy chế thi mới, đơn cử như việc nhận nhiệm vụ của CBCT. Thay vì chỉ có một người lên phòng thi như trước đây, quy chế mới quy định khi có hiệu lệnh, cả hai CBCT phải cùng lên phòng thi, CBCT thứ hai kiểm tra phòng thi, ghi số báo danh; CBCT thứ nhất gọi tên TS, kiểm tra phiếu báo thi, hướng dẫn TS ngồi đúng vị trí… sau đó CBCT thứ nhất mới đi nhận đề thi. Sự thay đổi trong quy trình nhận nhiệm vụ này đòi hỏi trưởng điểm thi phải xây dựng kế hoạch rõ ràng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng vị trí, tránh tình trạng chồng chéo khi làm nhiệm vụ hoặc người được giao nhiệm vụ không nắm rõ phần việc được phân công. Cách thức này sẽ giúp trưởng điểm thi chủ động, kiểm soát được tình hình của đơn vị, trong trường hợp có sự cố hoặc sai phạm cũng sẽ xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận để có phương án giải quyết kịp thời hoặc đề xuất hình thức xử lý nghiêm khắc, đúng quy định.
Một số điều thí sinh cần nhớ: - Lịch thi: Ngày 11-6: Sáng thi ngữ văn, chiều thi toán (thời gian làm bài: 120 phút/môn). - Thí sinh đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi. - Khi nhận đề thi phải kiểm soát kỹ số trang và chất lượng các trang in. Nếu phát hiện thấy đề thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhòe, mờ phải báo cáo ngay. - Bài thi chỉ được viết bằng một loại mực (không dùng mực đỏ), phần viết hỏng phải dùng thước gạch chéo, không được tẩy, xóa. - Có thể được ra khỏi phòng thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài, trước khi ra khỏi phòng thi phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp. Không làm được bài cũng phải nộp giấy thi. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.