(HNM) - Ngày 22-6, gần 84.000 học sinh (HS) các trường THCS trên địa bàn TP Hà Nội đã tham dự kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học 2010-2011 với hai môn thi ngữ văn và toán. Toàn bộ 169 hội đồng coi thi của Hà Nội đã không để xảy ra vi phạm đặc biệt nào của cả giám thị (GT) và thí sinh (TS); công tác tổ chức bảo đảm nền nếp, trật tự. Đề thi năm nay được đánh giá không quá khó, có tính phân hóa cao.
* 807 thí sinh vắng mặt
* Hôm nay, 7.000 lượt thí sinh dự thi vào các lớp chuyên
(HNM) - Ngày 22-6, gần 84.000 học sinh (HS) các trường THCS trên địa bàn TP Hà Nội đã tham dự kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học 2010-2011 với hai môn thi ngữ văn và toán. Toàn bộ 169 hội đồng coi thi của Hà Nội đã không để xảy ra vi phạm đặc biệt nào của cả giám thị (GT) và thí sinh (TS); công tác tổ chức bảo đảm nền nếp, trật tự. Đề thi năm nay được đánh giá không quá khó, có tính phân hóa cao.
Các thí sinh làm bài thi môn toán tại Hội đồng thi Trường THPT Việt - Đức. Ảnh: Viết Thành |
Chặt chẽ để có kết quả thực chất
"Chuẩn bị kỹ càng, thái độ nghiêm túc, phối hợp chặt chẽ, kết quả thực chất" là phương châm được Hà Nội duy trì nhiều năm qua trong việc tổ chức các kỳ thi quan trọng. Cũng bởi thế, dù là năm thứ hai tổ chức kỳ thi với quy mô lớn gấp 2 lần so với trước khi mở rộng địa giới, song Hà Nội vẫn không ngừng cải tiến trong các khâu từ sao in, vận chuyển đề, bài thi đến coi thi, bảo vệ kỷ cương trường thi… nhằm hạn chế tối đa các biểu hiện tiêu cực. Điều ấy càng được đặc biệt chú ý ở kỳ thi vào lớp 10 THPT - một kỳ thi có tính cạnh tranh khá lớn khi số lượng HS được tuyển vào lớp 10 THPT công lập năm học tới chỉ chiếm khoảng 2/3 tổng số TS dự thi, tức là hơn 58.000 HS.
Do địa bàn rộng, năm nay Hà Nội tiếp tục triển khai phương án bàn giao đề thi trước một ngày nhằm bảo đảm an toàn. Đề thi được giao tới từng Hội đồng coi thi (HĐCT) với sự giám sát kỹ càng, nghiêm túc, chặt chẽ của lực lượng an ninh. Với yêu cầu nghiêm ngặt về quy trình, thời gian, lại có nhiều HĐCT ở khá xa trung tâm, địa bàn phức tạp, song việc giao - nhận đề tới 169 HĐCT vẫn diễn ra nhanh gọn, đầy đủ và tuyệt đối bảo mật.
Tinh thần nghiêm túc, chặt chẽ còn thể hiện ở việc tăng cường giám sát tại các HĐCT với sự tham gia của gần 500 thanh tra; ở việc đổi chéo GT coi thi giữa các địa bàn với nguyên tắc điều động là 50% (trong tổng số gần 9.000 GT) là giáo viên THCS, số còn lại là giáo viên THPT - những người không dạy hai môn ngữ văn và toán.
Nền nếp, tính kỷ luật cao
Đúng 7h, lễ khai mạc kỳ thi diễn ra cùng lúc tại các HĐCT. Cơn mưa kéo dài từ đêm hôm trước tới sáng ngày thi không gây ảnh hưởng tới việc đi lại của TS và người nhà, mà khiến thời tiết dễ chịu hơn. Là kỳ thi có tính chất cạnh tranh, vì vậy, thái độ căng thẳng, lo lắng của người nhà, TS là điều dễ hiểu, song có thể thấy, tại hầu hết các HĐCT không có cảnh phụ huynh tụ tập, gây lộn xộn bên ngoài khu vực thi. Trước giờ vào thi, cặp sách, tư trang của mọi TS đều được để lại trên chiếc bàn kê tại hành lang mỗi phòng thi. Quy định ấy - dù nhỏ, song rõ ràng đã khiến cho việc tổ chức kỳ thi bảo đảm nền nếp, trật tự, tạo được sự tin tưởng nhiều hơn.
Niềm vui của các thí sinh sau khi hoàn thành tốt bài thi. Ảnh: Nhật Nam |
Việc giữ nghiêm kỷ luật trường thi, tạo sự công bằng, khách quan cho mọi TS dự thi được lãnh đạo Sở GD-ĐT đặt lên hàng đầu. Vì thế, khâu tổ chức học quy chế thi cho cán bộ, giáo viên, nhân viên được các quận, huyện, thị xã và từng HĐCT tổ chức chu đáo. Hầu hết các chủ tịch HĐCT đều có chung nhận định: Kỳ thi này có vai trò quan trọng trong việc quyết định chất lượng "đầu vào" của các trường THPT. Mỗi thành viên đều ý thức rõ rằng thái độ nghiêm túc của mình khi thực thi nhiệm vụ sẽ không chỉ góp phần vào sự thành công của kỳ thi, mà còn là tiền đề để các trường nâng cao chất lượng.
Với TS, bên cạnh việc phổ biến kỹ những quy định nghiêm ngặt của quy chế thi, các HĐCT đều kiên trì với yêu cầu "ba không" trong khâu coi thi khiến TS không muốn, không dám và cũng không thể vi phạm quy chế thi. Cũng bởi thế, trong suốt hai buổi thi, toàn TP không có trường hợp nào bị đình chỉ do vi phạm quy chế.
Theo thống kê sơ bộ của Sở GD-ĐT vào cuối ngày 22-6, toàn TP có 807 TS vắng mặt. Báo cáo từ các HĐCT cho biết, đề thi được phát đủ tới từng TS, chưa phát hiện sai sót, nhầm lẫn nào. Đề thi hai môn ngữ văn và toán được đánh giá là không quá khó, có câu hỏi mang tính phân hóa để phân loại năng lực, trình độ HS và nằm trong chương trình THCS.
Ngày 23 và 24-6, gần 7.000 lượt TS dự thi vào các lớp chuyên của 4 trường: chuyên Hà Nội - Amsterdam, chuyên Nguyễn Huệ, Chu Văn An và Sơn Tây làm bài thi môn ngoại ngữ và các môn chuyên. Điểm xét tuyển của các TS sẽ được công bố tại trường THPT có nguyện vọng 1 và các trường THPT có lớp chuyên vào ngày 10-7-2010.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.