(HNM) - Đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, cấp sở, cấp phòng là một trong các nhiệm vụ trọng tâm đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức. Hiện một số bộ, tỉnh, thành phố đã chủ động thực hiện phương thức bổ nhiệm lãnh đạo cấp vụ, cấp sở thông qua thi tuyển.
Việc tổ chức thi tuyển chức danh Trưởng ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Di sản thiên nhiên thế giới này. Ảnh: Lê Tuấn |
Một trong những địa phương tiên phong trong việc tổ chức thi tuyển lãnh đạo cấp sở là tỉnh Quảng Ninh. Ngay từ đầu năm 2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã tổ chức thi tuyển 2 chức danh Trưởng ban Quản lý Vịnh Hạ Long và Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông. Kỳ thi tuyển có 11 thí sinh tham gia. Cảm nhận của các thí sinh về kỳ thi này đều cho rằng bảo đảm các yếu tố khách quan, công bằng, minh bạch. Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng quy chế chính thức về bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo thông qua thi tuyển và thực hiện 4 đợt thi tuyển chức danh lãnh đạo đối với 8 sở, ngành của tỉnh, gồm phó giám đốc các sở: Thông tin và Truyền thông, Nội vụ, Ngoại vụ, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trưởng ban Quản lý Vịnh Hạ Long. Tiếp đó, một số địa phương như Hải Phòng, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Quảng Nam… cũng đã triển khai tổ chức thi tuyển lãnh đạo.
Trong quý I-2014, Bộ Giao thông vận tải cũng sẽ tổ chức thi tuyển lãnh đạo Tổng cục Đường bộ. Theo đề án được phê duyệt, người dự thi phải trải qua 2 nội dung là thi viết và bảo vệ chương trình hành động. Trong 240 phút tại phòng thi, người dự thi phải viết chương trình hành động phát triển trong 10 năm theo hình thức tự luận. Người dự thi lần lượt bảo vệ chương trình hành động của mình theo hình thức thuyết trình và trả lời câu hỏi của ban giám khảo. Hiện Bộ Tư pháp cũng triển khai đề án thi tuyển cạnh tranh 3 vị trí gồm một vị trí cấp vụ trưởng, một vị trí cấp vụ phó và một lãnh đạo cấp phòng. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tư pháp) Phan Thị Hồng Hà, đối tượng thi tuyển không bó hẹp trong nguồn cán bộ quy hoạch mà mở rộng cả người ngoài diện quy hoạch ở trong ngành và ngoài ngành; người lao động ở các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, tổ chức chính trị - xã hội, bộ phận pháp chế của các bộ, ngành khác. Điều kiện dự tuyển cũng rất mở, nếu ai chưa có trình độ về lý luận hay quản lý nhà nước thì sẽ cho nợ, nếu trúng tuyển sẽ hoàn thiện những tiêu chuẩn đó. Điều này nhằm mở rộng đối tượng tham gia để thu hút người có năng lực vào các vị trí trên.
TP Hồ Chí Minh cũng vừa ban hành đề án "Tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương" trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, người dự tuyển tham gia thi viết về các nội dung liên quan đến công việc đăng ký dự tuyển, thi thuyết trình chương trình hành động và giải đáp các câu hỏi của hội đồng tuyển chọn; đồng thời phải đưa ra một số tình huống cụ thể cùng cách giải quyết tình huống đó với cương vị là cấp trưởng, cấp phó. Trong kế hoạch cải cách hành chính của TP Hà Nội năm 2013 đã có nội dung xây dựng đề án thí điểm thi tuyển một số chức danh lãnh đạo ở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc thành phố. Đến nay đề án đang trong quá trình hoàn thiện, dự kiến trong năm 2014 sẽ triển khai thí điểm ở một số đơn vị sự nghiệp và một số trường.
Việc các bộ, địa phương mạnh dạn chủ động thí điểm thi tuyển lãnh đạo đã mang lại kết quả tích cực, bước đầu nâng cao chất lượng cán bộ lãnh đạo, đồng thời cho thấy quyết tâm xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả. Tuy nhiên, do các đơn vị tự triển khai nên cách làm còn khác nhau, thiếu sự thống nhất. Đáng chú ý, hầu hết các địa phương đều gặp vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan, điều kiện bổ nhiệm cán bộ. Đối với việc thi tuyển cán bộ lãnh đạo cấp phòng, theo khảo sát của Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ), trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều hạn chế, nội dung thi và các bước thi tuyển thường trùng lặp với thi tuyển chuyên viên cao cấp.
Theo Quyết định số 1557/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức", đến năm 2015 sẽ thực hiện thí điểm việc tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ và tương đương trở xuống. Vì vậy, việc chủ động triển khai ở các bộ, địa phương cần được Bộ Nội vụ theo sát, đánh giá, tháo gỡ vướng mắc kịp thời. Bởi đó chính là những yếu tố quan trọng để Bộ sớm hoàn thiện đề án thí điểm đổi mới nội dung tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, cấp sở, cấp phòng theo nguyên tắc thực tài, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, cũng như điều chỉnh các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm, bổ nhiệm lại lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng ở trung ương và cấp phòng, cấp sở ở địa phương cho phù hợp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.