(HNM) - Từ cuối năm 2018, 2/3 nhà mạng lớn tuyên bố thực hiện chuyển đổi số, từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ số. Đây là bước đi phù hợp với xu thế phát triển mới của công nghệ, đặc biệt khi Chính phủ đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Do vậy, năm 2020 là thời điểm để các nhà mạng đẩy mạnh cung cấp dịch vụ số bên cạnh phát triển thuê bao di động.
Tăng trưởng dịch vụ cao
Năm 2019 là năm đầu tiên Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) thực hiện mạnh mẽ mục tiêu chuyển từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ số. Trong đó, VNPT đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam vào năm 2025 và trung tâm giao dịch số của khu vực năm 2035. Kết quả, mảng dịch vụ số của VNPT liên tục duy trì và có tốc độ tăng trưởng cao đạt 35-40%/năm.
Với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), 2019 là năm đầu tiên Viettel thực hiện chiến lược “Kiến tạo xã hội số” với 3 ngành công nghiệp công nghệ cao là điện tử viễn thông, công nghiệp quốc phòng, an ninh mạng và kết quả Viettel đã hoàn thành 100% kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Đánh giá về thị trường viễn thông năm 2019, ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng Cục Viễn thông (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, trong cơ cấu doanh thu dịch vụ di động của các nhà mạng, doanh thu từ các dịch vụ truyền thống (thoại, tin nhắn) vẫn chiếm chủ yếu tới 76,6% tổng doanh thu. Doanh thu từ data (dữ liệu) chỉ đạt 23,4% trong cơ cấu tổng doanh thu của nhà mạng - đây cũng là mức các nhà mạng Việt Nam đạt thấp hơn so với trung bình thế giới (hơn 43%). Điều này cho thấy, tuy nhà mạng đạt tăng trưởng cao về doanh thu từ dịch vụ số, song giá trị tuyệt đối của nhóm dịch vụ này vẫn còn thấp.
Theo ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT, các dịch vụ viễn thông truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng cơ cấu doanh thu nhà mạng, song với sự phát triển của công nghệ, mỗi năm các dịch vụ này giảm 10-15%. Trong khi đó, các dịch vụ số mới được nhà mạng triển khai, nên doanh thu vẫn chưa lớn.
Cùng quan điểm, ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cũng cho biết, tăng trưởng từ data (dữ liệu) nhanh, nhưng cũng chỉ giúp nhà mạng cân bằng được mức suy giảm từ dịch vụ truyền thống chứ chưa thể tạo ra sự tăng trưởng đột phá. Với nhà mạng, viễn thông vẫn là nguồn thu chủ yếu, nhưng tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận từ viễn thông liên tục giảm nên nhà mạng phải thay đổi trở thành nhà cung cấp hạ tầng và dịch vụ số.
Đưa ứng dụng công nghệ đến với khách hàng
Trong thời gian qua, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh hướng tới chính phủ số, kinh tế số. Cùng với đó là cung cấp các dịch vụ công, tiện ích ở từng lĩnh vực: Dịch vụ hành chính công, y tế, giáo dục, giao thông, bảo hiểm xã hội... cho người dân, doanh nghiệp. Quá trình này cũng diễn ra mạnh mẽ ở khối các doanh nghiệp để có sản phẩm phù hợp với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Do vậy đây là cơ hội mở ra thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ triển khai, cạnh tranh cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, do mới triển khai trong giai đoạn đầu, nên phần lớn việc cung cấp dịch vụ số cho các cơ quan nhà nước ở giai đoạn miễn phí là chính.
Theo ông Phạm Đức Long, Tổng Giám đốc VNPT, trong năm 2019, VNPT đã triển khai một loạt sản phẩm có dấu ấn rõ nét cho khối khách hàng Chính phủ và các cơ quan nhà nước như: Xây dựng thành công trục liên thông văn bản quốc gia, cổng dịch vụ công quốc gia và các giải pháp, sản phẩm cho ngành Giáo dục, y tế...
"Chúng tôi tự hào là nhà cung cấp dịch vụ đồng hành và góp phần cùng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ tiện ích cho người dân, doanh nghiệp nhiều hơn" - Tổng Giám đốc VNPT Phạm Đức Long nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, năm 2020 và các năm tiếp theo, VNPT tiếp tục cung cấp giải pháp dịch vụ công nghệ thông tin - viễn thông, cung cấp các dịch vụ dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật, thành phố thông minh. Trong đó, VNPT chú trọng các giải pháp thông minh phục vụ trong lĩnh vực giáo dục, y tế, nông nghiệp để giải quyết các bài toán khó phục vụ người dân.
Viettel đã triển khai nhiều dự án lớn về chính phủ điện tử, đô thị thông minh và các dự án hiện đại hóa ngành Y tế, Giáo dục, Giao thông. Đặc biệt, ở mảng thanh toán số, Viettel từng bước hoàn thiện hệ sinh thái Viettelpay, dòng tiền phát sinh trung bình hằng tháng đạt 50.000 tỷ đồng, với 40 triệu lượt giao dịch.
Về mục tiêu năm 2020, ông Lê Đăng Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel cho biết, sẽ hoàn thành chiến lược chuyển đổi số với các mục tiêu cụ thể, như đưa thiết bị hạ tầng mạng viễn thông 5G tự nghiên cứu, sản xuất trên mạng lưới tại Việt Nam không chỉ giúp tự chủ thiết bị bảo đảm an toàn, an ninh mạng, mà còn giúp giảm chi phí đầu tư. Viettel cũng sẵn sàng về hạ tầng để triển khai dịch vụ Mobile Money (tiền điện tử trên di động) phục vụ hàng chục triệu thuê bao, đặc biệt là người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa - những nơi dịch vụ ngân hàng chưa thể tiếp cận...
Còn Tổng công ty Viễn thông MobiFone cũng sẽ đẩy mạnh cung cấp dịch vụ số cho khách hàng là các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dùng.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Hoàng Minh Cường cho biết, Cục Viễn thông đã, đang phối hợp tích cực với các nhà mạng chuẩn bị triển khai các dịch vụ mới, như thí điểm triển khai dịch vụ Mobile Money, nhằm tạo không gian cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.