Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường viễn thông di động: Vẫn là câu chuyện 3G

Việt Nga| 05/06/2015 06:04

(HNM) - Trả lời báo chí, lãnh đạo 3 nhà mạng lớn cho biết họ sẵn sàng với việc triển khai dịch vụ 4G, song thực tế có phải như vậy?…

Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo "Tương lai về băng rộng" mới được tổ chức tại Hà Nội về kế hoạch cung cấp dịch vụ 4G tại Việt Nam, đại diện Viettel cho biết sẽ bám sát theo lộ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) và quyết định cấp phát tần số 4G của Chính phủ. Nhà mạng này đang thử nghiệm 4G, dự kiến ra mắt dịch vụ 4G LTE vào cuối năm 2015. Viettel cũng đã trình Bộ TT-TT xem xét quy hoạch tần số 700 MHz-vốn là dải băng tần dôi dư sau khi thực hiện số hóa truyền hình và được đánh giá giúp giảm chi phí đầu tư mạng lưới, lại có vùng phủ tốt cho 4G. Đại diện MobiFone cho biết, nhà mạng này cũng chuẩn bị sẵn sàng cho 4G. Nhà mạng này hiện có khoảng 5 triệu khách hàng thuê bao 3G và nhóm khách hàng này sẽ dễ dàng chấp nhận sử dụng dịch vụ 4G với mức chi phí hợp lý. Đại diện Vinaphone thì cho biết với lợi thế về hạ tầng mạng lưới của VNPT rộng khắp cả nước, nên Vinaphone đã sẵn sàng cho việc triển khai 4G… Tuy nhiên, đại diện các nhà mạng cho biết, nếu triển khai thì trước mắt cũng chỉ tại các thành phố lớn.

Khách hàng đăng ký dịch vụ tại điểm giao dịch của Viettel. Ảnh: Thanh Hải


Tuy nhiên, tại một số cuộc hội thảo trước đó, chính các nhà mạng đã thừa nhận một số trở ngại trong việc cung cấp dịch vụ 4G, trước hết là về tài chính. Trong một số hội thảo, các tập đoàn toàn cầu khẳng định giá thiết bị mạng lưới đã giảm nhiều do sự cạnh tranh khốc liệt của các nhà cung cấp. Song, có một thực tế là từ khi triển khai dịch vụ 3G đến nay các nhà mạng trong nước đã chi 2,5-3 tỷ USD phát triển hạ tầng. Vậy, khi cung cấp 4G, kinh phí đầu tư hạ tầng sẽ là bao nhiêu? Hơn nữa, đây lại là giai đoạn kinh tế trong nước và thế giới vẫn trong giai đoạn khó khăn, nên có thể hiểu rằng, các nhà mạng trong nước sẽ gặp khó khăn nhất định về vốn để đầu tư cho 4G. Mặt khác, một yếu tố cần thiết cho 4G là thiết bị đầu cuối, ước tính khi đến tay người tiêu dùng hiện khoảng 120-150 USD, trong khi giá thiết bị smartphone cho 3G đang ở mức dưới mức 100 USD. Điều đó cho thấy không chỉ nhà mạng mà nhiều khách hàng sẽ không đủ khả năng hoặc không muốn chịu chi phí cao khi mua thiết bị đầu cuối.

Một điều không thể không nhắc đến đó là thuê bao 3G trong nước được đánh giá có tốc độ tăng trưởng nhanh (hơn 20 triệu thuê bao) nhưng vẫn chưa tương xứng so với chi phí các DN đã đầu tư. Nói một cách khác, dịch vụ 3G vẫn còn là "mảnh đất" màu mỡ cho các nhà khai thác phát triển thuê bao. Do vậy, cũng dễ hiểu khi cả 3 nhà mạng lớn Viettel, MobiFone, Vinaphone vẫn tiếp tục đầu tư mạnh cho mạng lưới 3G. Sau khi đề xuất Bộ TT-TT cho phép thử nghiệm dịch vụ 3G ở băng tần 900MHz - vốn chỉ dành cho 2G, Tập đoàn VNPT đã nâng cấp đầu tư mạnh cho mạng lưới 3G trong cả nước, đặc biệt là ở Hà Nội.

Được biết, từ năm 2014 VNPT đã thử nghiệm 3G ở băng tần 900MHz tại 3 thành phố: Hà Nội, Thái Nguyên và Đà Nẵng. Sau khi được Bộ TT-TT công nhận và cho triển khai, bên cạnh việc tận dụng các thiết bị cũ ở băng tần 2100 MHz (vốn dành cho cung cấp 3G), VNPT cũng thực hiện tối ưu hóa thiết bị để bảo đảm chất lượng dịch vụ cung cấp 3G. Hiện, số lượng trạm BTS 3G băng tần 900MHz của Vinaphone đã được tăng đáng kể với 5.000 trạm BTS 3G ở băng tần 900 MHz, dự kiến đạt 7.500 trạm trên toàn quốc trong năm 2015.

Riêng tại Hà Nội, Vinaphone có khoảng 730 trạm BTS 3G 900 MHz (tính đến hết tháng 4-2015). VNPT cũng đặt mục tiêu là chỗ nào có trạm 2G thì chỗ đó dùng 3G 900 MHz để tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Được biết, Viettel cũng đã đầu tư nâng cấp dung lượng mạng 3G từ đầu năm 2015. Riêng MobiFone hiện chưa có thông tin gì về việc nhà mạng này đầu tư cho mạng lưới 3G. Các chuyên gia, nhà quản lý cũng khẳng định, các nhà mạng trong nước vẫn tiếp tục đầu tư cho mạng lưới 3G, dù thời điểm triển khai 4G đang đến dần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường viễn thông di động: Vẫn là câu chuyện 3G

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.