(HNM) - Bên cạnh kết quả kinh doanh đều đạt và vượt chỉ tiêu thì kết thúc năm 2011 lĩnh vực viễn thông di động cũng có nhiều sự kiện đáng nhớ. Tuy nhiên, trong năm nay ngành này sẽ phát triển theo hướng nào là câu hỏi sớm có lời giải đáp…
Trung tâm chăm sóc khách hàng của Viettel sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của khách hàng sử dụng dịch vụ. Ảnh: Internet |
Sự kiện Chính phủ ra quyết định sáp nhập EVN Telecom vào Viettel tuy diễn ra vào cuối năm 2011 đã làm tốn không ít giấy mực của giới truyền thông và cũng được dự báo là khởi đầu cho xu hướng sáp nhập của các DN ngành viễn thông. Với việc sáp nhập này, Viettel sẽ trở thành nhà mạng có thị phần lớn nhất với gần 37% thị phần, có thêm đầu số 096 được đánh giá là khá đẹp và được ưu đãi hơn về giá trong vấn đề thuê cột của ngành điện… Tuy nhiên, đồng nghĩa với những thuận lợi này, Viettel cũng phải gánh một khoản nợ không nhỏ do trước đó EVN Telecom kinh doanh thua lỗ. Trở thành nhà mạng giữ thị phần khống chế cũng đồng nghĩa với việc mọi động thái kinh doanh, chẳng hạn như các chương trình khuyến mãi của Viettel sẽ có tác động lớn không chỉ với khách hàng mà còn gây ảnh hưởng không nhỏ cho các đối thủ còn lại… Song, đó là câu chuyện của quản lý nhà nước chuyên ngành. Nhưng, rõ ràng việc sáp nhập này cũng thể hiện sự kỳ vọng của Chính phủ trong việc tin cậy về cách quản lý, kinh doanh hiệu quả của Viettel trong hơn 10 năm gia nhập thị trường viễn thông. Song, vẫn phải chờ xem, Viettel sẽ mạnh hơn như thế nào sau khi tiếp nhận mạng EVN Telecom.
Từ hết tháng 6-2011, các nhà cung cấp dịch vụ chính thức phát đi thông điệp dừng khuyến mãi 100% giá trị thẻ nạp. Thay vào đó, nhà mạng chỉ khuyến mãi định kỳ 2 lần/tháng 50% giá trị thẻ nạp cho khách hàng. Với cơ quan quản lý nhà nước và với chính các DN này thì đó là tín hiệu vui, vì nhà mạng đã biết tuân thủ quy định của Nhà nước, dù rằng thực tế lý do mà nhà mạng dừng khuyến mãi "khủng" này cũng vì thị trường viễn thông đã bão hòa, nếu cứ chạy đua khuyến mãi thì chính mình cũng "chết"… Nhưng với khách hàng, đằng sau sự dừng khuyến mãi "mua 1 tặng 1" có phần đột ngột này là nỗi buồn tiếc nuối vì từ nay không được hưởng khuyến mãi lớn, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn, nhiều mặt hàng tăng giá liên tục. Người tiêu dùng giờ chỉ còn biết an ủi, được tặng 50% giá trị thẻ nạp vẫn còn tốt và hy vọng biết đâu vào một ngày đẹp trời, các nhà mạng lại tặng 100% giá trị để tri ân khách hàng!
Đầu năm 2011, một sự kiện đã thu hút sự quan tâm của dư luận là thông tin hai mạng nhỏ S-Fone và Beeline được tăng thêm vốn hoạt động. Trong đó, S-Fone được một DN mà có ông chủ là một trong những người giàu thuộc top đầu trên sàn chứng khoán Việt Nam mua cổ phần và trực tiếp tham gia ban điều hành… Chỉ chừng đó thông tin cũng đủ để dư luận kỳ vọng, S-Fone vốn gặp khó về vốn sau khi đối tác Hàn Quốc rút vốn, đang phải hoạt động cầm chừng và nếu có thêm vốn họ sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động. Nhưng, tất cả thông tin le lói liên quan đến S-Fone dường như cũng chỉ dừng lại ở đó. Chỉ biết rằng, sau thương vụ Công ty CP Bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT) bán lại cổ phần
S-Fone, nửa năm nay, giới truyền thông không nhận được thông tin gì thêm phát ra từ S-Fone. Với mạng Beeline, sau khi thay thế người đứng đầu kèm thông tin đối tác liên doanh sẽ rót thêm 500 triệu USD, việc kinh doanh của nhà mạng này đã sôi động hẳn, đánh dấu bằng sự kiện được coi là ầm ĩ khi họ đưa ra gói cước "Tỷ phú". Tuy nhiên, sau một thời gian ra đời, cơ quan quản lý chuyên ngành đã yêu cầu chấm dứt cung cấp vì có dấu hiệu phá giá thị trường. Ngay sau đó, Beeline đưa tiếp ra gói "Tỷ phú 2" với những quy định ràng buộc hơn… Được biết, cho dù gặp cạnh tranh từ các gói cước nội mạng ra cùng thời điểm của 3 đại gia Viettel, Mobifone, Vinaphone, nhưng Beeline đang làm đơn xin Bộ Thông tin và Truyền thông cấp thêm số của đầu 099 vì khách hàng đăng ký "Tỷ phú 2" nhiều dẫn đến cháy số. Nếu quả như vậy, thì cũng mừng cho Beeline, họ đã đạt được thành công bước đầu, nhưng cũng phải lưu ý rằng, họ còn quá nhỏ về thị phần nên để chống đỡ được với các đại gia, chỉ còn cách đưa ra sự khác biệt…và để "đua" được phải có nhiều vốn…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.