(HNM) - Tình trạng công nhân “nhảy việc” vẫn là
Doanh nghiệp cần lao động
Lo xa trước tình trạng lao động "nhảy việc", trước khi nghỉ Tết, hàng loạt doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đã treo băng rôn thông báo tuyển lao động. Ngày 6-2, đi dọc theo các Khu chế xuất Linh Trung; Khu công nghiệp (KCN) Tân Tạo, Lê Minh Xuân, Tân Bình… ở đâu cũng thấy treo băng rôn tuyển lao động. Công ty TNHH Dệt may Phương Đông (quận Gò Vấp) rao tuyển 200 công nhân với mức lương thử việc 2,4 triệu đồng/tháng và tăng lên 3,8-5,5 triệu đồng khi ký hợp đồng chính thức. Bên cạnh đó, công nhân còn được lương làm thêm giờ, thâm niên, chuyên cần, trách nhiệm, vượt định mức, trợ cấp ốm đau… Tương tự, tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), băng rôn tuyển dụng lao động cũng được treo chi chít trước cổng chính với hàng loạt doanh nghiệp như Sweneo, Gadys, Pungkook rao tuyển gấp lao động với mức thu nhập từ 3,2 đến 5,8 triệu đồng/tháng và nhiều đãi ngộ khác.
Xí nghiệp May An Nhơn (Gò Vấp) đăng thông báo tuyển lao động. |
Có thể nói, so với thời điểm của một vài tháng trước Tết nhu cầu tuyển dụng đã tăng lên một cách rõ rệt. Thậm chí, một số doanh nghiệp do quá "khát" lao động nên đưa ra điều kiện tuyển dụng rất thoáng, chỉ cần đủ sức khỏe là được. Một số doanh nghiệp còn thuê xe ra đến miền Bắc, miền Trung đón công nhân vào làm việc.
Nhiều lao động "nhảy việc"
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, hằng năm, cứ vào sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán là lao động lại "nhảy việc" khiến doanh nghiệp đứng ngồi không yên. Để khắc phục tình trạng này, các doanh nghiệp buộc phải tuyển mới để bù đắp lượng lao động thiếu hụt. Dự kiến, quý I, các doanh nghiệp sẽ tuyển mới khoảng 30 nghìn lao động.
Trao đổi với chúng tôi, một doanh nghiệp sản xuất hàng da giày tại KCN Tân Bình cho biết, công ty hiện có trên 10 nghìn lao động và 65% đã trở lại làm việc trong ngày đầu tiên (5-2), số còn lại nghỉ thai sản, kết hợp nghỉ phép năm 2014 và một số công nhân chuyển sang nơi khác làm việc. Ông Cù Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty Pou Yuen Việt Nam tại quận Bình Tân, nơi đang có số lao động lên đến hơn 80.000 công nhân cho biết, ở thời điểm sau Tết Nguyên đán năm 2013, số lượng công nhân của Pou Yuen "nhảy việc" sau Tết lên đến 10%.
Anh Lê Minh Giang (quê Bình Định đang ngụ tại Gò Vấp) cho biết, năm ngoái anh làm việc ở một công ty may nhưng vừa mới tìm được một công việc có mức thu nhập tương đương nhưng đổi lại chỉ làm việc 48 giờ/tuần nên anh chuyển việc để có thời gian lo cho gia đình. Hiện tượng "nhảy việc" như anh Giang không phải là hiếm bởi không ít công nhân muốn có thời gian nghỉ ngơi để tìm chỗ làm khác cho thu nhập cao hơn hoặc ít thời gian tăng ca hơn. Tương tự, chị Nguyễn Thị Lan (quê Quảng Ngãi) cho biết, do có con nhỏ lại phải đi làm xa nên năm nay chị đăng ký tìm việc ở công ty gần nhà trọ để lo cho con và ít chi phí sinh hoạt. Đây cũng là tâm lý chung của rất nhiều người sau nhiều năm làm công nhân tại TP Hồ Chí Minh. Điều đó, lý giải vì sao sau Tết Nguyên đán rất nhiều công ty chưa thể đi vào hoạt động bởi công nhân vẫn… "bặt vô âm tín"!
Trao đổi với chúng tôi một cán bộ quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho biết, đây là bài toán nan giải của nhiều doanh nghiệp khi còn quá phụ thuộc vào lực lượng nhân công giá rẻ từ các tỉnh xa. Tương tự, ông Lê Minh Hoàng - Giám đốc một công ty nằm trong KCN Tân Bình cho rằng, hiện nay tại một số tỉnh miền Trung, các khu công nghiệp, khu chế xuất đang rầm rộ mọc lên và nhu cầu lao động ở mức khá cao, do vậy đang xuất hiện dòng chảy nhân công từ TP Hồ Chí Minh về miền Trung. Chính xu thế này khiến lượng công nhân trở lại thành phố sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ít đi cộng với tình trạng công nhân "nhảy việc" khiến cho việc tuyển dụng công nhân vào làm việc sau Tết luôn làm đau đầu các doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.