(HNMO) – Sau một thời gian đầu tư ào ạt, với nguồn cung hiện tại và trong thời gian tới, dự kiến sẽ cần phải mất 10 năm tới, Hà Nội mới hấp thu được nguồn cung.
Theo thống kê của Savills, tổng nguồn cung diện tích văn phòng trên địa bàn Hà Nội hiện xấp xỉ trên 1,1 triệum2 đến từ 139 dự án, tăng mạnh 14% so với cùng kì năm trước. Một tòa nhà hạng C trên đường Tôn Đức Thắng gia nhập thị trường quý I-2013, cung cấp khoảng 2.300m2, trong khi đó hai tòa nhà hạng B với tổng diện tích 15.400m2 ra khỏi thị trường do được dùng vào mục đích bán lẻ hoặc do chủ đầu tư sử dụng. Hạng B cung cấp khoảng 458.300m2 từ 43 tòa nhà, chiếm 41% thị phần, theo sau là hạng C (35%) và hạng A (24%).
Xét về triển vọng, một nguồn cung lớn dự kiến sẽ được đưa ra thị trường trong quý 2-2013. Theo kế hoạch, sẽ có khoảng 400.000m² được hoàn thành, tuy nhiên, theo dõi thực tế chỉ khoảng 40% đang trong quá trình hoàn thiện và nhiều khả năng sẽ được đưa ra thị trường trong thời gian tới.
Đáng chú ý, 42% nguồn cung dự kiến nằm tại phía Tây, và việc này sẽ tiếp tục gây áp lực lên giá thuê trong khu vực. Đối với các chủ đầu tư, cạnh tranh về giá sẽ là không đủ trong tương lai. Để giữ chân khách hàng, các chủ tòa nhà sẽ đồng thời phải cạnh tranh bằng việc cung cấp các dịch vụ tốt nhất.
Tính đến năm 2015, 62 dự án văn phòng mới cung cấp khoảng 867.000m2 dự kiến gia nhập thị trường. Cạnh tranh giữa những tòa nhà văn phòng tiếp tục tăng lên do dư cung lớn.
Trong quý I – 2013, giá thuê văn phòng tiếp tục xu hướng giảm giá trong 6 quý liên tiếp, -2% theo quý và -15% theo năm, xuống 427.000 VND/m2/tháng. Công suất trung bình của văn phòng hạng A đạt 75%. Những tòa nhà ở khu vực phía Tây của Hà Nội tiếp tục được lấp đầy do những khách thuê có thể thuê diện tích lớn với mức giá hợp lý. Công suất hạng B đạt 77% và của hạng C là 79%. Trong cuộc “chiến đấu vì chất lượng”, những khách thuê hiện tại vẫn đang tìm kiếm những tòa nhà có giá thuê rẻ mà chất lượng tốt hơn. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.