Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường trong nước: Kích cầu để hỗ trợ sản xuất

Thanh Hiền| 02/06/2021 06:13

(HNM) - Mặc dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5-2021 trên địa bàn thành phố Hà Nội giảm so với tháng 4-2021, song tính chung 5 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng trưởng khá. Để thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội, thành phố Hà Nội sẽ đẩy mạnh kích cầu nội địa, xúc tiến thương mại... khi điều kiện cho phép, nhằm hỗ trợ sản xuất phát triển.

Tháng 5-2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt 46,61 nghìn tỷ đồng. Trong ảnh: Người dân mua thực phẩm tại Trung tâm thương mại Savico Megamall (quận Long Biên). Ảnh: Nguyễn Quang

Đơn hàng trực tuyến tăng từ 10% đến 30%

Từ cuối tháng 4-2021, dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ghi nhận tại các siêu thị, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm được cung ứng đầy đủ, song lượng khách mua vắng hẳn. Chị Lê Thu An (chung cư 17T1 đường Hoàng Đạo Thúy, quận Cầu Giấy) cho biết: "Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên tôi hạn chế đến siêu thị và chuyển sang dịch vụ mua sắm trực tuyến để bảo đảm an toàn. Đến nay, tôi đã quen với hình thức mua sắm tiện lợi này".

Theo Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce Nguyễn Thị Phương, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên trung tâm thương mại, siêu thị vắng khách hơn. Thay vào đó, người tiêu dùng chọn đặt hàng trực tuyến, sử dụng dịch vụ "đi chợ hộ" để hạn chế đến nơi đông người. Trong tháng 5 vừa qua, lượng khách đặt mua hàng qua các ứng dụng trực tuyến của VinMart đã tăng khoảng 30% so với tháng 4.

Tương tự, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH BRG Retail và Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Thái Dũng thông tin, trong tháng 5-2021, lượng khách đặt hàng qua ứng dụng BRG Shopping tăng từ 10% đến 20% so với tháng 4-2021. Còn theo Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, lượng khách đặt hàng trực tuyến tăng đáng kể, tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm.

Tình trạng mua sắm thưa thớt cũng diễn ra tại nhiều chợ truyền thống. Bà Nguyễn Thị Yến, kinh doanh gia cầm tại chợ Thành Công (quận Ba Đình) cho biết, do các nhà hàng phải đóng cửa nên lượng tiêu thụ gia cầm giảm từ 40% đến 50%. Tương tự, bà Lê Hải, tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình) chia sẻ, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên nhiều khách hàng gần đây đã sử dụng dịch vụ đi chợ trực tuyến thay vì đi chợ truyền thống, nên lượng khách đến chợ mua sắm cũng giảm mạnh.

Triển khai nhiều giải pháp

Nhiều người tiêu dùng chọn mua hàng bằng hình thức trực tuyến để phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Đỗ Tâm

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan đánh giá, trong 1 tháng dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, các mặt hàng thiết yếu tại Hà Nội được bảo đảm đầy đủ, giá cả ổn định. Tuy nhiên, lượng khách mua sắm, sử dụng dịch vụ tiêu dùng cũng giảm hẳn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5-2021 giảm 7% so với tháng 4-2021 (đạt khoảng 46,6 nghìn tỷ đồng), trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa giảm 4% (đạt 32,6 nghìn tỷ đồng).

Theo bà Trần Thị Phương Lan, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thành phố tiếp tục kiên định "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, thời gian tới, ngành Công Thương Hà Nội sẽ tập trung triển khai 43 sự kiện lớn để kích cầu nội địa, tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn năm 2021; 15 nội dung lớn của "Chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội" năm 2021, khi điều kiện cho phép. Sở cũng vận động các doanh nghiệp đưa ra nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng trong nhiều lĩnh vực, góp phần hỗ trợ hoạt động sản xuất.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" kết hợp với đề án "Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2020-2024". Các hoạt động liên kết vùng, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố được thúc đẩy, góp phần ổn định thị trường, cân đối cung - cầu hàng hóa, hạn chế tổn thất trước ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngoài ra, thành phố tiếp tục thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển các phương thức kinh doanh hiện đại phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế số và bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Đồng hành cùng thành phố, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce Nguyễn Thị Phương cho biết, hệ thống VinMart và VinMart+ thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mại nhiều mặt hàng thiết yếu. Điển hình, hệ thống đang triển khai giảm giá 15% - 50% cho sản phẩm vải thiều Bắc Giang, gạo ST 24 Thái Hồng, nước mắm Nam Ngư cá cơm tươi, dầu ăn... Tương tự, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung thông tin, không chỉ tăng lượng hàng dự trữ, hệ thống Co.opmart chủ động phối hợp với các nhà cung cấp luân phiên giảm giá, khuyến mại để chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng. “Mới đây, đơn vị đã phối hợp với các nhà cung cấp để tiếp tục giảm giá từ 20% đến 50% cho 10.000 sản phẩm thiết yếu trên toàn bộ hệ thống phân phối”, bà Nguyễn Thị Kim Dung cho hay.

Tháng 5-2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt 46,61 nghìn tỷ đồng, giảm 6,9% so với tháng 4-2021. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021 đạt 243,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 164,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 67,6% tổng mức và tăng 11,3%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường trong nước: Kích cầu để hỗ trợ sản xuất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.