Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường ô tô tháng 4-2022 phục hồi tích cực

Nguyễn Thúc Hoàng Linh| 12/05/2022 18:17

(HNMO) - Số liệu do Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố ngày 12-5 cho thấy, lượng xe bán ra tại thị trường trong nước tháng vừa qua đã vượt mức trước dịch Covid-19, thể hiện đà phục hồi mạnh mẽ.

Volkswagen T-Cross là mẫu ô tô mới nhất trình làng tại Việt Nam, có 2 phiên bản với giá khởi điểm từ 1,099 tỷ đồng.

Cụ thể, doanh số toàn thị trường tháng 4-2022 đạt 42.359 xe, tăng 14% so với tháng 3-2022 và tăng 40% so với tháng 4-2021. Mức này cao gấp đôi so với thời điểm tháng 4-2019 (21.021 xe) – là thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát.

Tuy nhiên, trong cả bốn tháng đầu năm, thị trường Việt Nam mới chỉ tiêu thụ 123.931 xe ô tô các loại, ít hơn so với mức 147.800 chiếc của cùng kỳ năm 2019, nhưng đã trội hơn 33% so với con số 92.893 của cùng kỳ năm 2021. Trong đó, lĩnh vực xe du lịch chứng kiến tăng trưởng vượt bậc.  

Cũng theo báo cáo mới của VAMA, ô tô lắp ráp trong nước tiếp tục chiếm ưu thế, khi tiêu thụ tới 25.269 chiếc trong tháng 4, tăng 16% so với tháng trước (21.863 xe) Cùng giai đoạn, ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đạt 17.090 xe bán ra, tăng 13% so với tháng trước (15.099 xe).

Xét theo từng thương hiệu, Toyota là thương hiệu có lượng xe bán ra nhiều nhất trong tháng qua, với 8.695 chiếc tới tay khách hàng. Mức này cao hơn đáng kể doanh số 6.959 xe của xe Hyundai (hiện do TC Motor lắp ráp và phân phối).

Tuy tăng trưởng giảm tốc, nhưng có thể thấy thị trường ô tô trong nước đã phục hồi tích cực. Đây là diễn biến quan trọng trong bối cảnh chính sách ưu đãi phí trước bạ theo Nghị định 103/2021/NĐ-CP của Chính phủ chỉ còn hai tuần nữa là kết thúc (tới ngày 31-5). Theo giới chuyên môn, kết quả này có được do sự ổn định của tình hình kinh tế - xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát hiệu quả.

Đa dạng hóa danh mục sản phẩm và nguồn cung là giải pháp hạn chế rủi ro được nhiều hãng xe theo đuổi lúc này.

Tuy nhiên, các ý kiến trong chuỗi kinh doanh xe dự báo, doanh số ô tô trong nước tiếp tục chịu hạn chế ít nhất trong vài tháng tới do tác động từ cuộc khủng hoảng chất bán dẫn và tình trạng thiếu linh kiện công nghệ cao trên toàn cầu.

Việc thiếu hụt nguồn cung cũng khiến giới chuyên gia ô tô lo ngại nảy sinh các hệ luỵ như, thời gian giao xe kéo dài, xe bị rao bán ở mức giá cao hơn bình thường. Thậm chí, nhiều mẫu sản phẩm ăn khách có thể rơi vào tình trạng không có xe giao.

Theo tìm hiểu, hiện nay, không chỉ “hàng nóng” Mercedes-AMG G63 mà ngay cả Lexus LX600 vừa ra mắt cũng buộc khách hàng phải chờ khoảng 2 năm từ thời điểm đặt cọc mới có xe giao.

Để hạn chế rủi ro như đề cập, nhiều hãng chọn cách đa dạng hoá nguồn cung xe, đồng thời mở rộng danh mục sản phẩm. Số xe mới ra mắt ở thị trường trong nước cũng đã tăng mạnh. Chỉ trong vòng hơn một tháng, nhiều tên tuổi đáng chú ý đã xuất hiện như Mazda CX-8 2022, Toyota Fortuner 2022, Volkswagen T-Cross...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thị trường ô tô tháng 4-2022 phục hồi tích cực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.