Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường ô tô tháng 11 tiếp tục đà phục hồi, bước vào giai đoạn khan hiếm xe

Hoàng Linh| 10/12/2021 18:09

(HNMO) - Ngày 10-12, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh tháng 10, cho thấy tốc độ tăng trưởng của thị trường bị kìm đáng kể trước tin đồn về giảm lệ phí trước bạ.

Các dòng xe lắp ráp trong nước đang có nhiều ưu thế nhờ ưu đãi giảm lệ phí trước bạ.

Cụ thể, với 38.656 xe bán ra, lượng ô tô tiêu thụ trong nước tháng 11-2021 đã tăng trưởng 30% so với tháng 10 (riêng xe du lịch tăng 40%), và cao hơn 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, thị trường đã đã thoát “đáy”. Trước đó, doanh số tháng 10-2021 vẫn thấp hơn tới 10,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, doanh số của xe lắp ráp trong nước đạt 20.965 xe, tăng 37% so với tháng trước. Mức này cao hơn hẳn số tăng trưởng 22% của xe nhập khẩu nguyên chiếc, tương đương chỉ 17.691 xe tới tay người tiêu dùng. Sự chênh lệch được xem là hệ quả trực tiếp của Nghị định 103/2021/NĐ-CP ngày 26-11-2021 quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, với mức giảm bằng 50% mức thu hiện hành trong vòng 6 tháng.

Để xóa nhòa lợi thế của các dòng xe lắp ráp trong nước, nhiều thương hiệu chuyên ô tô nhập khẩu cũng chấp nhận “bù” chi phí. Với Volkswagen, người mua Tiguan Elegance, Passat Blue Motion High, Polo Hatchback từ nay tới hết 31-12-2021 sẽ được hãng hỗ trợ lệ phí trước bạ 50% - cao nhất 200 triệu đồng với Passat Blue Motion High; song song giảm 10% giá phụ tùng.

Tương tự, MG cũng hỗ trợ 50% phí trước bạ cho mẫu HS 2.0T LUX (AWD Trophy), đồng thời tặng bảo hiểm vật chất hoặc hỗ trợ lãi suất vay mua xe đối với một số dòng sản phẩm khác. Tuy nhiên, nỗ lực kiểu này tỏ ra chưa đủ, trong bối cảnh xe lắp ráp trong nước còn đi kèm nhiều ưu đãi khác, tạo ra áp lực cạnh tranh to lớn.

Hầu hết các hãng xe nhập khẩu đều áp dụng biện pháp hỗ trợ chi phí tương đương 50% phí trước bạ trong tháng 12.

Lý giải việc doanh số không đạt như kỳ vọng, một số đại lý cho rằng, tuy việc giảm phí mới chỉ áp dụng từ 1-12-2021, nhưng thực tế thông tin “chốt” phương án đã có từ trước đó nhiều ngày, khiến hàng loạt người mua xe quyết định “hoãn” ký hợp đồng sang tháng 12, khiến doanh số tháng 11 suy giảm.

Cùng với đó, vấn nạn thiếu hụt nguồn cung linh kiện bán dẫn ngày càng ảnh hưởng xấu khả năng đảm bảo nguồn cung ô tô cho nhu cầu trong nước. Thực tế thị trường cho thấy, nhiều mẫu xe tuy được ngóng chờ nhưng không đủ hàng bán, dẫn tới doanh số khá nghèo nàn, điển hình là Toyota Raize nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan chỉ giao được 189 xe trong 30 ngày qua. Trong khi đó, con số này của KIA Sonet – đối thủ chính trong phân khúc – là 829 xe.

Lợi thế lắp ráp tại chỗ đã giúp mẫu crossover cỡ nhỏ Hàn Quốc dễ dàng đáp ứng số lượng mà thị trường mong muốn. Việc khan hiếm xe cũng dẫn tới thực trạng “bia kèm lạc”, khi người mua phải trả thêm nhiều chi phí để có suất sở hữu ô tô sớm.

Hai yếu tố này sẽ tiếp tục đe dọa tới tốc độ tăng trưởng của thị trường ô tô trong nước dịp cuối năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường ô tô tháng 11 tiếp tục đà phục hồi, bước vào giai đoạn khan hiếm xe

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.