(HNMO) - Với chỉ 8.884 xe bán ra trong tháng vừa qua, thị trường ô tô trong nước đã suy giảm tới 45% so với tháng 7.
Số liệu được công bố trong báo cáo kết quả kinh doanh ngày 11-9 của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) này cũng đồng thời là mức thấp nhấp kể từ năm 2015 đến nay, thậm chí thấp hơn đáy cũ hồi tháng 2-2016 (dịp Tết) tới 3.000 xe.
Cùng với việc “chạm đáy”, thị trường xe 4 bánh trong nước cũng trải qua tháng thứ 5 liên tiếp sụt giảm doanh số. Trước đó, đà giảm đã bắt đầu từ tháng 4 với mức hạ 3,7% so với tháng 3. Mức giảm của tháng 5 là 15% so với tháng 4. Mức giảm của tháng 6 là 8% so với tháng 5, và mức giảm của tháng 7 là 32% so với tháng 6. Nguyên nhân chính vẫn là do đại dịch Covid-19.
Tình trạng khó khăn tương tự cũng được ghi nhận đối với các nhà sản xuất ngoài VAMA. Theo báo cáo của VinFast, số xe bàn giao cho khách hàng trong tháng 8 của hãng đạt 2.310 xe, trong đó có 2.048 xe Fadil và chỉ 8 chiếc Lux SA2.0. Tuy nhiên, phần lớn số xe này đều đã được ký hợp đồng giao dịch từ giai đoạn trước, không hoàn toàn là xe bán ra theo cách hiểu thông thường trong các báo cáo số liệu.
Về phần mình, TC Motor cho biết, số xe Hyundai bán ra trong tháng 8 là 2.182 xe, chỉ bằng 54% so với tháng 7. Những mẫu xe bị ảnh hưởng nặng nhất của hãng là Grand i10 (chỉ đạt 394 xe, thay vì 805 xe của tháng trước) hay Santa Fe (chỉ 390 xe, thay vì 912 xe trước đó).
Sự suy giảm doanh số tác động tới mọi phân khúc ô tô trên thị trường. Hệ quả là bảng xếp hạng các mẫu xe bán chạy tháng 8 rơi vào trạng thái chưa từng có. Với số xe “bàn giao” cho khách hàng cao, Fadil được tuyên bố xếp đầu thị trường. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Toyota Vios (xếp thứ hai) mới thực sự nắm ngôi vương, dù chỉ đạt doanh số 987 chiếc trong tháng vừa qua.
Ở vị trí thứ 3, KIA Seltos gây nhiều bất ngờ với 832 xe. Đây là mẫu xe duy nhất ghi nhận doanh số tháng 8 cao hơn so với tháng 7 (767 xe). Điều này hoàn toàn trái ngược ngay cả với “đồng đội” KIA Cerato (xếp thứ 8) với 393 xe bán ra, thua xa mức 1.013 xe của tháng 7.
Chứng kiến mức suy giảm nghiêm trọng nhất là Ford Ranger (vị trí thứ 6), với chỉ 396 xe bán ra, bằng một phần lẻ của mức 1.310 xe trong tháng 7. Dù vậy, trong bối cảnh khó khăn chung, doanh số mới nhất vẫn khẳng định vị thế xe bán tải bán chạy nhất Việt Nam của Ranger.
Chia nhau những vị trí còn lại trong bảng xếp hạng là Toyota Corolla Cross (xếp thứ 4 với 759 xe), Hyundai Accent (xếp thứ 5 với 712 xe), Hyundai Grand i10 (thứ 7), Hyundai Santa Fe (thứ 9) và Mazda CX-5 (xếp thứ 10 với 332 xe).
Lý giải cho thực trạng đầy khó khăn nói trên, giới chuyên môn nhận định, kể từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát vào ngày 27-4, nhiều nhà máy ô tô đã buộc phải tạm dừng sản xuất trong một số giai đoạn để phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Cùng với đó, khó khăn chung trên toàn cầu dẫn tới đứt gãy trong chuỗi cung ứng, khiến việc hoàn thiện xe cũng hứng chịu sự gián đoạn nhất định. Hệ quả là số xe lắp ráp trong nước chỉ còn 5.345 chiếc, giảm 41% so với tháng 7.
Về phương diện bán hàng, dù nhiều hệ thống kinh doanh đã đẩy mạnh hoạt động tương tác với người tiêu dùng qua các hệ thống trực tuyến nhưng tới nay, ước tính hơn 200 đại lý ô tô thuộc thành viên VAMA vẫn đang đóng cửa, chưa kể hệ thống của VinFast hay TC Motor.
Ngoài ra, hơn 200 xưởng dịch vụ của VAMA cũng không thể hoạt động. Điều này đồng nghĩa rằng, việc bàn giao xe cũng như cung cấp các dịch vụ hậu mãi đều bất khả thi. Nhiều mẫu xe thực tế mới chỉ bán ra trên giấy, trong khi không ít xe bàn giao cho khách đều “tồn” hợp đồng ký từ trước.
Việc chuỗi cung ứng và các hoạt động phân phối bị đình trệ khiến nhiều công ty đã ghi nhận mức sụt giảm doanh số chưa từng có, thậm chí lên trên 60% (theo VAMA). Ngay cả những hãng có thể tái hoạt động vẫn đối mặt một trở ngại khác, lượng xe tồn kho khổng lồ do việc kinh doanh bị đình trệ. Đây sẽ là sức ép lớn lên hoạt động sản xuất, kinh doanh từ nay tới cuối năm.
Nhìn về thời gian tới, tín hiệu lạc quan nằm ở chỗ, các hoạt động chống dịch tại nhiều thành phố lớn trên toàn quốc đã có kết quả bước đầu tích cực. Việc các lệnh giãn cách có thể được dỡ bỏ hoặc nới lỏng đúng kế hoạch đề ra sẽ là tiền đề quan trọng để thị trường ô tô vực dậy doanh số, vượt đáy trong tháng 9.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.