Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường nội bộ và lợi ích kép

Thắng Ngọc| 22/03/2010 07:18

(HNM) - "Các DN cần liên kết xây dựng thị trường nội bộ để làm đòn bẩy phát triển thị trường nội địa" - đó là khẳng định của lãnh đạo Hiệp hội Các DN Việt Nam tại hội nghị Hội đồng Hiệp hội Các DN Việt Nam về phát triển thị trường nội địa vừa diễn ra tại Hà Nội.

Theo các chuyên gia, việc xây dựng thị trường nội bộ sẽ mang lại lợi ích kép cho các DN. Bởi các sản phẩm, dịch vụ có thể bổ sung cho nhau và sản phẩm, dịch vụ của DN này có thể là "đầu vào" của DN khác. Đặc biệt, từng nhóm DN đó có thể cam kết sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau và tạo ra một thị trường mới trong nội bộ nhóm. Hơn nữa, các DN có thể trở thành đối tác đầu tư chiến lược của nhau, hay chỉ cùng nhau liên kết để mua hay bán một loại sản phẩm dịch vụ cũng tận dụng được lợi thế là giảm giá thành, giảm chi phí marketing... Theo một nghiên cứu mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong số 64 hiệp hội DN thành viên, có 73% ý kiến khẳng định khó khăn chính của họ là kinh phí và 62% ý kiến cho rằng họ gặp khó khăn về nguồn nhân lực. Đây chính là vòng luẩn quẩn của các hiệp hội DN, nhất là các DN vừa và nhỏ. Việc phát triển thị trường nội địa và cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là cơ hội để khơi dậy sức mạnh của các DN trong nước. Vì thế, các hiệp hội cần phát huy vai trò là trung tâm, là cầu nối... của DN, tránh hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh. Thời gian qua, các DN của Hiệp hội DN Hà Nội đã thực hiện có hiệu quả một số dự án liên kết, hợp tác lớn, như thành lập các công ty phân phối lớn, hoạt động trên phạm vi cả nước; hợp tác trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản; cùng tham gia đầu tư vào những dự án lớn; tổ chức hội chợ siêu thị lưu động; các hội viên của hiệp hội đã chọn nhau là nhà cung cấp, phân phối sản phẩm của mình... nên đã tạo được sức mạnh trong việc chiếm lĩnh thị trường. Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" cũng là một dạng thị trường nội bộ mở rộng với quy mô toàn thể các DN trong nước tham gia. Thực hiện có hiệu quả cuộc vận động này, các DN tham gia sẽ tăng thị phần, giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh chung cho hàng hóa, dịch vụ... từ đó tăng sức mạnh của nền kinh tế.

Khách hàng lựa chọn hàng hóa được bày bán tại Hapromart Giảng Võ. Ảnh: Linh Tâm


Trên thị trường nội địa, mặc dù với hơn 80 triệu dân, sức tiêu thụ hàng hóa lớn, nhưng sức hấp thụ của DN trong nước còn thấp, nên luôn yếu thế trước các đối thủ là DN ngoại. Do đó, để việc tiêu thụ sản phẩm trong nước đạt hiệu quả, các chuyên gia cũng cho rằng, những dự án đầu tư thuộc ngân sách nhà nước cần được áp dụng cơ chế ưu tiên là sử dụng những sản phẩm trong nước đã sản xuất được, từ đó không chỉ thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", mà còn tạo việc làm cho người lao động. Về vấn đề này, đại diện Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách để DN phát triển hệ thống phân phối và cơ sở hạ tầng, bởi hiện nay, hạ tầng thương mại ở các vùng nông thôn còn thiếu và yếu. Nếu củng cố, phát triển được hệ thống hạ tầng thương mại, không chỉ giúp người dân dễ tiếp cận với hàng hóa, sản phẩm nội, mà còn giúp DN giảm được chi phí vận chuyển, tạo việc làm cho lao động địa phương. Bên cạnh đó, cần sớm xây dựng hệ thống tiêu chuẩn hàng hóa, nhằm bảo đảm lợi ích người tiêu dùng cũng như tăng tính cạnh tranh của DN trong nước. Đây là "hàng rào" để những sản phẩm, hàng hóa chất lượng thấp của nước ngoài không được tiêu thụ, bán phá giá ở thị trường trong nước.

Đồng hành cùng DN trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ Công thương khẳng định, những khó khăn của DN sẽ từng bước được tháo gỡ, tạo điều kiện tốt hơn để các DN chiếm lĩnh và giành lại thị trường nội địa. Đây cũng là cơ hội để người tiêu dùng hiểu hơn về hoạt động của cộng đồng DN, qua đó sẽ dùng nhiều hàng nội hơn, giúp thị trường trong nước ngày càng khởi sắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường nội bộ và lợi ích kép

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.