(HNM) - Những ngày này, không khí mua sắm chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Ất Mùi tại Hà Nội đang rất sôi động. Các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như thực phẩm, quà Tết, thời trang, đồ điện tử gia dụng được tiêu thụ mạnh.
Bánh kẹo tiêu thụ mạnh trong những ngày áp Tết. |
Tại các siêu thị ở Hà Nội như Big C, Co.opmart, Fivimart, Intimex… dòng sản phẩm "thuần Việt" chiếm lĩnh phần lớn các gian hàng. Cụ thể, 90% sản phẩm bánh kẹo là của các thương hiệu uy tín trong nước như Kinh Đô, Bibica, Hải Hà, Trung Nguyên, Vinamit… được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn. Bên cạnh đó, nhiều nhà phân phối cũng đã có nhiều hình thức khuyến mãi để thu hút người tiêu dùng. Những ngày cận Tết, Big C cung ứng lượng hàng dồi dào thực phẩm tươi sống, rau củ quả, trái cây và các loại sản phẩm đặc trưng mùa Tết. Cụ thể, có khoảng 420 tấn thịt lợn, gà và các loại gia cầm được cung ứng trên toàn hệ thống. Ngoài các loại bánh chưng, bánh tét, hệ thống Big C bắt đầu cung ứng các loại trái cây như dưa hấu, đu đủ vàng, bưởi hồ lô, dưa hấu vuông, dưa hấu thỏi vàng, đào tiên hồ lô giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn cho mâm ngũ quả ngày Tết.
Ghi nhận tại một số siêu thị như Big C Thăng Long, Co.opmart Hà Đông, Hiway… lượng khách đến mua sắm tăng mạnh. Nhiều người phải xếp hàng cả tiếng đồng hồ mới đến lượt thanh toán tiền, dù siêu thị Big C có tới hơn 100 quầy thanh toán. Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Quan hệ công chúng của Big C cho biết, thời điểm này, lượng khách đến đã tăng gấp 3 lần so với ngày thường. Khách mua sắm chủ yếu là hàng khô, bánh kẹo và giỏ quà tặng. Hàng điện tử gia dụng cũng được tiêu thụ mạnh. Riêng hàng thực phẩm tươi sống thì phải vào những ngày giáp Tết mức tiêu thụ mới thực sự tăng mạnh. Do lượng hàng chuẩn bị phục vụ Tết tăng 15% so với ngày thường, nên siêu thị đã tăng thêm khoảng 1.000 nhân viên thời vụ trên toàn hệ thống, đồng thời, cử nhân viên điều phối tại quầy để giúp người dân thanh toán. Tình hình tương tự cũng được ghi nhận tại các siêu thị khác như Metro, Fivimart, Co.opmart, Citimart Indochina Plaza Hà Nội…
Các mặt hàng trong chương trình bình ổn thị trường Tết Ất Mùi 2015 đã được các sở, ngành chức năng chốt giá bán trong 2 tháng trước và sau Tết. Mức giá này đã được các doanh nghiệp (DN) rà soát, tính toán tác động từ mức giảm giá xăng, dầu đến chi phí vận chuyển và các khoản chi phí khác từ đó kê khai lại mức giá bán cho phù hợp. Điều này đồng nghĩa, trong trường hợp chi phí đầu vào tăng, các doanh nghiệp cũng không được điều chỉnh giá nhằm bảo đảm mục đích, tiêu chí của chương trình là góp phần bảo đảm an sinh xã hội, dẫn dắt thị trường. Đặc biệt trong hai ngày cận Tết, các DN bình ổn sẽ phối hợp với nhà phân phối tiến hành giảm giá đối với các mặt hàng thịt lợn, gia cầm, trứng, rau củ quả… nhằm kích cầu tiêu dùng. Để bảo đảm hàng hóa bán đúng giá, Sở Công thương Hà Nội đã phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức các đoàn tăng cường kiểm tra về giá bán. Qua các đợt kiểm tra của UBND TP Hà Nội tại điểm bán hàng bình ổn giá cho thấy, giá các mặt hàng thuộc danh mục bình ổn của thành phố đều được Sở Tài chính thẩm định và có văn bản chấp thuận, không có tình trạng tự ý tăng giá. Hàng hóa tại các điểm bán được người dân đánh giá là tương đối phong phú, bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng…
Trong khi hàng hóa tại siêu thị phong phú, giá cả ổn định, thì tại các chợ trên địa bàn thành phố như 8-3, Trại Găng, Hôm - Đức Viên, Nguyễn Cao… giá thịt lợn, bò, gà tăng từ 10-30% so với tuần trước. Cụ thể, thịt lợn ba chỉ từ 90.000 đồng/kg lên 100.000 đồng/kg; nạc vai, nạc mông tăng từ 80.000 đồng/kg lên 100.000 đồng/kg; xương sườn lợn tăng từ 100.000 đồng/kg lên 115.000 đồng/kg… Do nhu cầu về gia cầm tăng mạnh vào những ngày cuối năm khiến giá gia cầm tăng từng ngày. Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, giá gà đã tăng từ 20 đến 30%, tùy loại. Trong đó, gà ta từ 130.000 - 140.000 đồng/kg đã lên 160.000 đồng/kg; gà công nghiệp từ 65.000 đồng/kg lên 90.000 đồng/kg; gà mía từ 90.000 - 95.000 đồng/kg. Nắm bắt tâm lý chuẩn bị trước các mặt hàng khô của người dân, nhiều tiểu thương bắt đầu tăng giá các loại nấm hương, mộc nhĩ, măng khô… Giá măng khô loại 1 tăng từ 275.000 đồng/kg lên 280.000 đồng/kg; nấm hương từ 400.000 đồng/kg lên 410.000 đồng/kg; mộc nhĩ tăng từ 170.000 đồng/kg lên 180.000 đồng/kg…
Để bảo đảm số lượng cũng như đa dạng chủng loại hàng hóa phục vụ thị trường Hà Nội trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, UBND thành phố đã chỉ đạo các DN, đặc biệt là DN bình ổn giá ngoài nguồn hàng có sẵn trên địa bàn, chủ động khảo sát, ký kết hợp đồng khai thác hàng hóa từ các tỉnh khác đưa về Hà Nội tiêu thụ. Các DN sản xuất bán ra thị trường khoảng 185 triệu lít bia, 6 triệu lít rượu, hơn 30.000 tấn bánh mứt kẹo và khoảng 16,5 triệu lít sản phẩm sữa các loại. Dự kiến, tổng hàng hóa phục vụ Tết đạt khoảng 16.000 tỷ đồng. Trong đó, các DN, hộ kinh doanh thương mại tập trung dự trữ, kinh doanh các nhóm hàng phục vụ Tết gồm lương thực, thực phẩm, bánh mứt kẹo, rượu - bia - nước giải khát, các sản phẩm may mặc, gia dụng, điện tử… với tổng tiền hàng ước đạt khoảng 6.750 tỷ đồng. Riêng các DN tham gia bình ổn giá dự trữ lượng hàng hóa đã cam kết tương ứng với số vốn 276,75 tỷ đồng được UBND thành phố tạm ứng. Ngoài ra, bằng các nguồn vốn huy động khác, các DN đã chủ động dự trữ số lượng hàng gấp đôi so với số lượng hàng hóa thiết yếu được giao dự trữ với số tiền hơn 500 tỷ đồng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.