Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường lao động tại Hà Nội dịp đầu năm: Cung không đủ cầu!

Kim Vũ| 23/02/2016 07:26

(HNM) - Số lao động thất nghiệp giảm; hàng trăm chỉ tiêu tuyển dụng được gửi đến Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) Hà Nội mỗi ngày; tờ rơi, quảng cáo tuyển công nhân được dán khắp nơi... báo hiệu sự khởi sắc cho thị trường lao động (TTLĐ) vốn có nhiều bất ổn sau mỗi tết Nguyên đán.

Sản xuất tại Công ty CP May Hưng Yên.


Cầu lao động tăng

Điểm khác biệt của TTLĐ Hà Nội năm nay là người lao động (NLĐ) ít "nhảy việc" sau Tết. Theo đó, trung bình có 92-95% công nhân trở lại doanh nghiệp làm việc. Để "giữ chân" NLĐ, các doanh nghiệp đã lo vé tàu xe về quê ăn Tết, đón công nhân từ quê lên làm việc, phong bao lì xì năm mới và hứa tăng lương, thưởng.

Sau Tết, Công ty CP May Hưng Yên đã giữ chân được 14.000 công nhân với mức lương trung bình trước Tết đạt 8 triệu đồng/tháng và cơ hội việc làm tốt hơn trong năm 2016. NLĐ cũng được lãnh đạo doanh nghiệp mừng tuổi, được tham gia bốc thăm trúng thưởng với nhiều quà tặng trị giá 5 triệu đồng. Hoặc việc 8.500 công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Đông Anh) trở lại làm việc đầu năm cho thấy sự ổn định trong sản xuất kinh doanh cũng như hướng phát triển lâu dài của doanh nghiệp này. Số tiền 4,3 tỷ đồng Công ty này dành để mừng tuổi cho NLĐ cũng đánh dấu sự khởi sắc cho doanh nghiệp. Vì vậy, không còn tình trạng DN kêu khó, kêu khổ vì khan hiếm công nhân.

Trong khi đó, công đoàn các khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN-KCX) cho biết, các doanh nghiệp đã trân trọng NLĐ hơn, thông qua việc mừng tuổi cho mỗi người trung bình từ 100.000 đến 300.000 đồng. Số tiền trên tuy không lớn nhưng mang lại niềm vui và hy vọng đời sống sẽ tốt hơn, thu nhập cao hơn. Nhờ đó, hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp vì thế cũng bắt nhịp ngay trong ngày đầu tiên.

Anh Nguyễn Hoàng Thế - công nhân làm việc tại Hà Nội cho biết, anh và bạn bè quê Phú Thọ trở lại làm việc từ mùng 5 để kịp buổi khai xuân mùng 6 âm lịch. Trước khi nghỉ Tết, công ty hứa sẽ tăng lương theo Nghị định 122/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng. Đây chính là cơ hội cho NLĐ có việc làm ổn định, được tăng lương theo lộ trình và có nhiều cơ hội làm thêm nâng cao thu nhập.

Ông Nguyễn Toàn Phong Giám đốc TTDVVL Hà Nội cho biết, có hơn 1.000 chỉ tiêu tuyển dụng chờ đón NLĐ ngay trong phiên giao dịch đầu năm (ngày 23-2). So với cùng kỳ, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong quý I-2016 tăng hơn. Điểm khác biệt năm nay không phải do lượng lao động nghỉ việc hay "nhảy việc" sau Tết mà là do các đơn hàng tăng nên nguồn cung lao động thiếu hụt. Các doanh nghiệp cần tuyển một lượng lớn lao động phổ thông cho công việc có yêu cầu trình độ tay nghề thấp, thu hút nhất là công nhân sản xuất bao bì, may mặc, điện tử...

Nguồn cung không cao

Trong khi đó, số lao động đến đăng ký thất nghiệp tại TTDVVL Hà Nội sau Tết 2016 dự báo giảm. Tính đến ngày 19-2, có khoảng 800 người đến đăng ký trợ cấp thất nghiệp, trong khi tháng 1-2016 là 2.337 trường hợp. Theo đánh giá, số lao động bị thôi việc là do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc chuyển đổi địa điểm. Chẳng hạn, Công ty Panasonic sa thải 49 công nhân do thu hẹp sản xuất; Công ty Gạch Thạch Bàn cho nghỉ việc 65 người do chuyển địa điểm sản xuất...

Ngay sau khi đăng ký trợ cấp thất nghiệp, TTDVVL Hà Nội đã tư vấn, giới thiệu NLĐ với doanh nghiệp cần tuyển dụng. Tuy nhiên, các chuyên viên tư vấn của TTDVVL cho biết, nhu cầu tuyển dụng lao động đang tăng từng ngày nhưng nguồn cung vẫn thưa thớt. Dự kiến đến giữa tháng 3-2016, NLĐ mới bắt đầu tìm việc làm do một số ít công nhân về quê nghỉ Tết chưa muốn đi làm lại. Đặc biệt, lao động tự do sẽ khởi động chậm hơn, phải qua rằm tháng Giêng nên nguồn cung nhân lực ít nhiều bị ảnh hưởng.

Việc cầu lao động tăng, trong khi nguồn cung chưa cao cũng là tín hiệu tốt cho TTLĐ vốn đã ảm đạm từ nhiều năm nay. Theo ông Nguyễn Toàn Phong, năm 2016 dự kiến có 102 phiên giao dịch việc làm dành cho NLĐ Hà Nội. Vậy không có lý do nào để NLĐ kêu thiếu việc, thiếu môi trường làm việc tốt. Chỉ có điều là các đối tượng này phải tự hoàn thiện kỹ năng nghề, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm để nhận đúng đồng lương từ sức lao động của mình.

2016 được xem là năm Việt Nam sẽ hội nhập sâu rộng vào khu vực ASEAN nói riêng và thế giới nói chung. Việc các doanh nghiệp có thêm nhiều đơn hàng, nhu cầu cần lao động gia tăng là dấu hiệu nền kinh tế phục hồi. Do vậy, NLĐ và doanh nghiệp cần chung tay chia sẻ khó khăn để giữ vững thu nhập, ổn định sản xuất.

Theo Trung tâm Dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh: Mức thiếu hụt lao động sau tết Nguyên đán 2016 bình quân 3-4%, mức độ di chuyển lao động trong các doanh nghiệp bình quân 6-8% trong quý I-2016. Dự kiến tháng 2-2016 cầu lao động cần tuyển 19.000 người, trong đó 30% việc làm bán thời gian, lao động thời vụ. Các nhóm ngành nghề cần nhiều lao động là: Marketing, bán hàng, tiếp thị sản phẩm, dịch vụ du lịch, nhà hàng - khách sạn, phục vụ tổ chức sự kiện, dịch vụ giúp việc gia đình, bảo vệ…
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường lao động tại Hà Nội dịp đầu năm: Cung không đủ cầu!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.