(HNMO) - Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng cho thấy Chính phủ sẽ tiếp tục các chính sách nhằm tạo cơ hội các doanh nghiệp tăng trưởng, gia tăng thương mại và đầu tư nước ngoài…
Ngành Dệt may luôn thu hút nhiều lao động. (Ảnh: Minh Bắc) |
Thị trường lao động luôn luôn phản ánh tình hình kinh tế-xã hội. Bước vào năm 2014, thị trường lao động Hà Nội vẫn nhiều khó khăn nhưng đã có những tín hiệu khả quan…
Tín hiệu đầu tiên nằm trong thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đó là Chính phủ sẽ quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu tăng GDP khoảng 5,8% năm 2014, khoảng 6% năm 2015 và kiểm soát lạm phát trong khoảng 7% trở lại. Tín hiệu thứ hai là xu hướng dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc vào Việt Nam. Tín hiệu thứ ba là nguồn vốn tín dụng cho năm 2014 khá lớn, khoảng 300.000 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 230.000-240.000 tỷ đồng sẽ dành cho sản xuất-kinh doanh, nghĩa là các doanh nghiệp cũng sẽ "dễ thở" hơn khi tiếp cận với nguồn vốn phát triển sản xuất-kinh doanh.
Tuy nhiên, cũng như năm 2013, do suy thoái kinh tế chưa thể hồi phục kịp thời nên thị trường lao động sẽ khó có bước đột biến. Hơn nữa, việc điều chỉnh mức lương cơ bản, mức lương tối thiểu cũng là bài toán cần phải tính toán cho các doanh nghiệp khi muốn tăng nhân sự.
Thực tế khảo sát của một số mạng tìm kiếm việc làm như VietnamWorks cũng cho thấy những tín hiệu trên rất tích cực, Hà Nội và TPHCM vẫn là hai thành phố có nhu cầu tuyển dụng cao nhất. Quý IV năm 2013 vừa qua đã chứng kiến sự tăng trưởng rất cao của tỉnh Bắc Ninh: nhu cầu tuyển dụng tại Bắc Ninh tăng 46% so với quý 4 năm 2012. Một địa phương khác là Bình Dương cũng có mức tăng trưởng công việc lên đến 26%.
Một số DN nước ngoài cũng đã đưa ra dự báo về sự thiếu nhân lực trong hai lĩnh vực công nghệ thông tin, tài chính, quản trị trong năm 2014. Trung bình hàng năm, nhu cầu nhân lực trong ngành CNTT tăng 13%. Trong 5 năm tới, các DN sẽ cần thêm 411.000 lao động trong lĩnh vực này. Thế nhưng, hiện thị trường lao động khó có thể đáp ứng nhu cầu trên vì mỗi năm chỉ có thể đào tạo 60.000 lao động trong ngành. Ngay ngành tài chính, ngân hàng, mặc dù năm 2013 luôn có xu hướng cắt giảm nhưng sang năm 2014, họ lại rất cần nhân sự giỏi. Một chuyên gia Tài chính cho rằng năm 2014, các ngân hàng vẫn rất cần nhóm nhân sự cấp trung, đặc biệt là mảng quản trị rủi ro, xử lý thu hồi nợ. Trong khi đó hầu hết các ngân hàng đều tin sẽ tăng trưởng huy động vốn và tín dụng từ 10-20%. Năm nay, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đặt ra mục tiêu tín dụng tăng trưởng cao hơn năm trước, đạt 12-14%.
Cũng theo số liệu khảo sát từ VietnamWorks, dự báo năm 2014, nhu cầu tuyển dụng vẫn tập trung nhiều vào những ngành nghề như marketing - kinh doanh - bán hàng; du lịch - nhà hàng - khách sạn - dịch vụ - phục vụ; CNTT - điện tử - viễn thông; quản lý - hành chính - giáo dục - đào tạo; dệt - may - da giày; tài chính - kế toán - kiểm toán - đầu tư - bất động sản - chứng khoán; tư vấn - bảo hiểm; cơ khí - luyện kim - công nghệ ôtô; hóa - y tế, chăm sóc sức khỏe; xây dựng - kiến trúc - giao thông vận tải; điện - điện công nghiệp - điện lạnh; kho bãi - vật tư - xuất nhập khẩu. Thủ đô Hà Nội vẫn duy trì là thành phố dễ tìm việc hơn so với TP Hồ Chí Minh, do có ít ứng viên hơn cùng dự tuyển vào một vị trí. Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh cho biết, thị trường lao động sẽ phát triển theo xu hướng hạn chế về số lượng, tăng yêu cầu chất lượng trình độ. Xu hướng tuyển dụng lao động phổ thông sẽ giảm nhiều về lượng. Nhu cầu tuyển dụng lao động có chất lượng và quản lý cấp cao cho một số DN cũng được dự đoán là sẽ xuất hiện nhiều hơn. Năm 2014, toàn thành phố HCM có khoảng 265.000 vị trí trống, trong đó 130.000 vị trí mới.
Một số chuyên gia lao động đã chứng minh rằng, hiện thị trường lao động dịch chuyển theo hai hướng, thứ nhất là mở rộng để tăng nguồn nhân lực cho công ty, thứ hai là tuyển dụng thay thế đây là cơ hội cho nhiều ứng cử viên. Do đó sẽ rất nhiều công việc ở Việt Nam liên quan đến CEO và marketing - đây là nhóm công việc hot trên thị trường. Ngoài ra, nhu cầu tìm kiếm lao động cấp quản lý khá nhiều.
Xu hướng chất lượng tuyển dụng lao động năm 2014 thì các DN sẽ ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng nguồn lao động. Các doanh nghiệp sẽ tập trung vào việc tuyển dụng đúng người, đào thải nhân viên không có năng lực và tập trung vào năng suất và hiệu quả của vốn đầu tư. Vì vậy, nguồn lao động mới gia nhập thị trường tại Việt Nam trong năm 2014 sẽ gặp khó khăn hơn khi tìm việc làm, chu trình tuyển dụng dài hơn.
Theo đánh giá của Adecco Việt Nam, 5 ngành công nghiệp nóng nhất trong năm 2014 là: ôtô, y tế, tiêu dùng nhanh, công nghệ thông tin và bảo hiểm với 5 vị trí cụ thể hàng đầu trong lĩnh vực văn phòng là: bán hàng, kế toán-tài chính, nhân sự, quản trị, tiếp thị và dịch vụ khách hàng. Một số chuyên gia nước ngoài cho rằng, thị trường lao động Việt Nam vẫn rất "rộng cửa" đối với những ứng viên có kỹ năng, thích ứng tốt với môi trường làm việc chuyên nghiệp...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.