Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường hàng thiết yếu phong phú, giá bình ổn

Lam Giang| 07/09/2021 14:33

(HNMO) - Ghi nhận trong ngày thứ 2 Hà Nội “kích hoạt” các chốt phòng, chống dịch theo 3 phân vùng, tình hình cung ứng hàng hóa được bảo đảm ổn định, giá hầu hết hàng hóa không tăng. Tuy nhiên, các tiểu thương, cơ sở kinh doanh mong muốn cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ cấp giấy đi đường để việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa tiếp tục được bảo đảm ổn định.

Ghi nhận trong ngày 7-9, tình hình kinh doanh tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ dân sinh vẫn diễn ra bình thường, nguồn hàng hóa dồi dào, đa dạng chủng loại. Do các doanh nghiệp phân phối hàng hóa trên địa bàn Hà Nội như BigC, VinMart, Co.opMart… đều thực hiện tăng mức dự trữ lên 3-5 lần, đồng thời làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp để bảo đảm nguồn cung nên các siêu thị đều đầy ắp hàng hóa. Tương tự, qua kinh nghiệm từ các đợt dịch trước, các cửa hàng tiện ích như: Bác Tôm, Sói Biển, HomeFarm… đều bảo đảm nguồn hàng dồi dào như thường ngày.

Đại diện các siêu thị, cửa hàng tiện ích cho biết, tiếp tục bảo đảm vận chuyển hàng hóa thiết yếu theo luồng xanh, các nhân viên được tổ chức hoạt động theo phân vùng 1 - 2 - 3.

“Còn tại các vùng cách ly y tế, chúng tôi đã chuẩn bị các phương án để cán bộ, nhân viên thực hiện "3 tại chỗ" tại siêu thị, cửa hàng, bảo đảm cung cấp hàng hóa xuyên suốt và kịp thời đến người tiêu dùng”, Giám đốc vận hành VinMart miền Bắc Khúc Tiến Hà cho biết thêm.

Trong khi đó, đại diện một số cửa hàng thực phẩm sạch cho biết, do phải làm thủ tục xin giấy đi đường nên có từ 5 đến 7% nhà cung cấp đã tạm dừng giao hàng. Tuy nhiên, các cửa hàng đã tìm nhà cung cấp thay thế nên lượng hàng vẫn bảo đảm cung ứng.

Ghi nhận tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, do hôm nay là ngày mùng 1 tháng Tám âm lịch nên lượng người tới mua sắm tăng hơn, song không đông. Các mặt hàng trái cây, rau củ tươi được nhiều người lựa chọn.

Giá một số loại như sau: Mồng tơi 5.700 đồng/mớ 300g, cải ngọt 13.600 đồng/mớ 500g; bầu 13.000 quả/700g, cà tím 9.800 đồng/gói 500g, lê đỏ Nam Phi 42.000 đồng/500g, dưa hấu 25.000 đồng/kg... Một số sản phẩm đang được giảm giá như: Hàu sữa giảm còn 49.900 đồng/gói 300g, nộm sứa gói 350g giảm còn 25.500 đồng… Thời điểm này, nhiều siêu thị bắt đầu tung ra các loại bánh Trung thu và đây cũng là mặt hàng được nhiều người lựa chọn.

Trong khi đó, ghi nhận tại các chợ trên địa bàn, lượng hàng hóa rất phong phú, giá bình ổn. Ông Phạm Thanh Long, Tổ trưởng Tổ chợ Phú Gia (phường Phú Gia, quận Tây Hồ) cho biết, tuy có khoảng 15% số hộ kinh doanh trong chợ đang tạm nghỉ bán hàng song không có tình trạng thiếu hàng.

Anh Tô Tiến Hợp, kinh doanh rau xanh tại chợ Phú Gia cho hay, hôm nay, anh vận chuyển 1,4 tấn rau từ xã Vân Nội, huyện Đông Anh tới chợ bán như thường ngày. “Sản xuất nông nghiệp tại ngoại thành thuận lợi nên lượng rau phong phú, giá không tăng”, anh Hợp cho biết.

Tương tự, chủ quầy rau Ngọc Hà tại chợ Hôm - Đức Viên (quận Hai Bà Trưng) cho biết, lượng rau xanh hôm nay vẫn nhiều chủng loại như thường ngày, giá không tăng. Cụ thể, giá rau muống từ 7.000 đến 10.000 đồng/mớ, bí xanh 15.000 đến 18.000 đồng/kg, cà chua 17.000 - 20.000 đồng/kg, rau cải 8.000 - 10.000 đồng/mớ…

Chị Nguyễn Thị Thêm, kinh doanh thịt lợn tại chợ Hôm - Đức Viên cho hay, do một số lò mổ đóng cửa nên các tiểu thương đã lựa chọn đầu mối khác, do đó, lượng thịt lợn về chợ vẫn dồi dào, không thiếu hàng cho bà con.

Tuy nhiên, ghi nhận tại một số chợ, giá thịt lợn nhích nhẹ từ 5.000 đến 10.000 đồng/kg tùy loại, trong đó, thịt ba chỉ, thịt vai có giá 160.000 - 170.000 đồng/kg, thịt mông sấn có giá 120.000 - 130.000 đồng/kg, sườn thăn có giá 150.000 - 170.000 đồng/kg… Lý giải về nguyên nhân tăng giá, các tiểu thương cho biết, do dịch vụ vận chuyển thịt lợn tới các chợ nhích lên, nên giá tăng chút ít so với các ngày trước.

Nhằm bảo đảm lưu thông cho các tiểu thương, Ban quản lý các chợ sớm lập danh sách tiểu thương gửi tới cơ quan chức năng để cấp giấy đi đường. Các cửa hàng tiện ích trên địa bàn phân vùng 1 cũng nhanh chóng hỗ trợ các nhà cung cấp, nhân viên thực hiện thủ tục quy định về giấy đi đường.

Tuy nhiên, do tiến độ còn chậm nên các tiểu thương, cơ sở kinh doanh hàng thiết yếu mong muốn cơ quan chức năng đẩy nhanh việc cấp giấy đi đường để bảo đảm ổn định hoạt động kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường hàng thiết yếu phong phú, giá bình ổn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.