Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường hàng hóa dịp cuối năm: Tập trung vào khu vực nông thôn

Đặng Loan| 05/08/2016 07:26

(HNM) - Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, đây chính là thời điểm các doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa. Và theo các nhà kinh tế, muốn tăng doanh thu vào mùa cuối năm nay doanh nghiệp cần chú trọng nhiều hơn đến thị trường nông thôn.

Chuẩn bị sớm hơn

Tại hội thảo “Giải pháp tăng doanh số bán hàng xuất khẩu và nội địa trong mùa kinh doanh cuối năm” do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) vừa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) cho biết, tình hình kinh doanh trong năm nay đang đi ngang hoặc đi xuống nên các doanh nghiệp phải chuẩn bị sản xuất và phân phối cho mùa tết sớm hơn mọi năm để tăng doanh số.

Phiên chợ hàng Việt về nông thôn do BSA tổ chức ở tỉnh Khánh Hòa.



Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, do Tết Nguyên đán 2017 đến vào tháng 1, sớm hơn so với các năm 2016 và 2015 nên các doanh nghiệp cần đẩy mạnh sản xuất sớm hơn, chứ không chỉ từ tháng 11 như mọi năm. Kinh nghiệm cho thấy Tết Nguyên đán 2014 cũng đến sớm, trong khi nhà sản xuất chậm trễ nên tỷ lệ hàng tồn kho lớn. Bà Trần Thái Hà, quản lý cao cấp của Nielsen Việt Nam cho biết, qua khảo sát cho thấy người bán lẻ mong muốn được nhà sản xuất hỗ trợ bán hàng nhiều hơn trong dịp Tết. Trong đó, 65% muốn nhà sản xuất khuyến mãi cho người tiêu dùng, 42% muốn có chế độ trả hàng hoàn tiền tốt hơn, 38% muốn trả chậm, 31% muốn cung cấp các vật dụng hỗ trợ bán hàng như quầy kệ, hàng mẫu… Mong muốn của các nhà bán lẻ cũng khác nhau theo vùng miền, chẳng hạn khu vực Đông - Tây Nam Bộ có xu hướng muốn được khuyến mãi; khu vực Bắc Trung Bộ quan tâm chính sách thanh toán và hoàn tiền… Chính vì vậy, để tăng doanh thu, nhà sản xuất cần chú ý đến những mong muốn khác nhau của các nhà bán lẻ từng vùng miền để đạt kết quả kinh doanh cao hơn.

Hướng vào thị trường nông thôn

Theo bà Vũ Kim Hạnh, các doanh nghiệp Việt khó có thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập ở 5 thành phố lớn gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh, bởi các nhà phân phối nước ngoài đã “chiếm” các hệ thống phân phối lớn như Metro và Big C; các hệ thống phân phối khác như cửa hàng tiện lợi, siêu thị nhỏ ở chung cư… các doanh nghiệp trong nước cũng không cạnh tranh nổi. Chính vì vậy, các doanh nghiệp trong nước cần đẩy mạnh bán hàng về nông thôn. Sau khi phát triển vững chắc ở thị trường nông thôn, doanh nghiệp mới có thể quay lại thị trường thành thị.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, Trung tâm BSA đã tổ chức 11 phiên chợ hàng Việt về nông thôn, với hơn 135.000 lượt người dân đến tham quan và mua sắm, mang về doanh thu 11.530 tỷ đồng cho các doanh nghiệp. Theo bà Vũ Kim Hạnh, từ nay đến tháng 4-2017, Hội Doanh nghiệp HVNCLC sẽ tổ chức 70 phiên chợ về nông thôn, trong đó có 50 phiên ở thị trường miền Nam và 20 phiên ở thị trường miền Bắc. Từ nay đến cuối năm 2016 sẽ có đến 8 phiên chợ hàng Việt về nông thôn ở thị trường phía Bắc, ở các tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng, lần lượt sau đó là các địa phương khác. Ở kế hoạch “dài hơi” hơn, bà Hạnh cho biết đã làm việc với Tập đoàn Vingroup để đưa hàng Việt vào hệ thống siêu thị của tập đoàn này. Được biết, Vingroup có kế hoạch xây 200 siêu thị và cửa hàng tiện lợi từ nay đến tháng 4-2017, theo chiến lược của Bộ Công Thương là xây dựng các hệ thống bán hàng Việt ở các tỉnh, thành để tiến công ra thị trường nông thôn và quay lại chiếm lĩnh thị trường thành thị từ năm 2017.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp Việt, cần có chương trình thúc đẩy phát triển hệ thống phân phối, đặc biệt là chính sách hỗ trợ để hình thành những điểm bán hàng Việt cố định ở thị trường nông thôn để hỗ trợ tăng doanh thu cho các doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường hàng hóa dịp cuối năm: Tập trung vào khu vực nông thôn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.