(HNMCT) - Mặc dù đã hoạt động trở lại được gần 2 tháng song các rạp chiếu tại Hà Nội vẫn trong tình trạng ảm đạm, nhiều bộ phim bom tấn của Hollywood bị hoãn chiếu. Thế nhưng, đúng thời điểm này, một số nhà sản xuất trong nước lại chọn cách ra rạp để tìm cơ hội riêng, thậm chí còn được kỳ vọng "giải cứu" thị trường phim ảnh.
Thị trường vẫn ảm đạm
Mặc dù đã có lịch ra rạp nhưng tháng 7 này, một loạt bộ phim bom tấn Hollywood bị hoãn chiếu. Chẳng hạn như bộ phim hành động được mong chờ nhất năm 2020 của đạo diễn tài năng Christopher Nolan Tenet bị dời lịch chiếu đến ngày 12-8, lịch chiếu Hoa Mộc Lan (Mulan) chuyển sang ngày 21-8, Wonder Woman 1984 lùi đến ngày 2-10... Riêng số phim do CJ - CGV Việt Nam phát hành, gồm 12 bộ phim đa dạng về thể loại, lịch chiếu ban đầu là trong tháng 7 này nhưng đến nay chỉ có 9 bộ phim giữ nguyên lịch chiếu.
Như vậy, so với mọi năm, mùa hè năm 2020 không có nhiều phim bom tấn. Ra rạp chủ yếu vẫn là dòng phim hoạt hình như Cuộc phiêu lưu của Scooby-Doo (từ ngày 10-7), Cậu bé người gỗ Pinocchio (24-7) cùng một số phim kinh dị hay phim hành động như: Phi vụ bão tố, Kẻ cuồng sát, Chuyến du lịch chết chóc... Với phim trong nước, bộ phim Bí mật thiên đường của Lý Nhã Kỳ và ngôi sao Hàn Quốc Han Jae Suk từng lên lịch ra rạp từ ngày 24-7 nhưng tới nay đã không còn có tên trong lịch phim tháng 7 ở các rạp.
Theo quan sát của phóng viên, hiện các rạp chiếu tại Hà Nội vẫn trong tình trạng thưa thớt khán giả. Ngay cả với những bộ phim gia đình được dự đoán thu hút người xem vào cuối tuần, lượng khách cũng giảm mạnh. Thậm chí, có suất chiếu chỉ lác đác vài khách xem. Đây có thể là lý do khiến các nhà phát hành phải đổi lịch chiếu cho phù hợp.
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh đánh giá: “Tổng doanh thu của thị trường trong hai tháng vừa qua rất thấp. Trong tình hình thị trường ảm đạm như hiện nay, công tác marketing cần phải được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa để thu hút khán giả, giúp họ trở về với thói quen xem phim rạp”.
Cơ hội và thách thức
Có một điều khá lạ, đó là trong bối cảnh khó khăn này, một số nhà sản xuất phim trong nước vẫn quyết định đưa phim ra rạp. Chẳng hạn như phim Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy hay Bằng chứng vô hình của Trịnh Đình Lê Minh.
Nói về lý do ra rạp đúng thời điểm khó khăn, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh chia sẻ: “Quay trở lại thời điểm sau dịch Covid-19, tôi cảm thấy rất áp lực vì rõ ràng nhìn tổng thể thì thị trường đang sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Sau quãng thời gian nghỉ ở nhà, khán giả đang mất dần thói quen ra rạp nên bộ phim của tôi như “phát súng đầu tiên” để lôi kéo khán giả quay trở lại. Tuy nhiên, việc phim ra rạp vào thời điểm nào không phải là quyết định của đạo diễn mà là của nhà sản xuất, phát hành. Có lẽ họ đã nhận thấy tiềm năng gì đó cho bộ phim của mình, và biết đâu cơ hội lại xuất hiện trong khó khăn”.
Cũng đáng để kỳ vọng về sự ấm lên của các rạp chiếu khi đó là hai bộ phim được đánh giá cao. Ròm, dù mới ra rạp trong tháng 7-2020 nhưng đã gây tiếng vang lớn khi đoạt giải New Current (tương đương với giải dành cho phim hay nhất) ở Liên hoan phim Busan, Hàn Quốc - 2019. Còn Bằng chứng vô hình nhận được nhiều lời khen của cả khán giả và giới phê bình trong nước ngay từ những buổi chiếu đầu.
Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm quả quyết: “Là bộ phim hình sự mở đầu cho trào lưu “thiller” (phim giật gân) nở rộ trong năm nay, Bằng chứng vô hình được kỳ vọng “giải cứu” thị trường điện ảnh Việt khỏi tình trạng ế ẩm sau cơn địa chấn Covid-19. Tôi đặt cược phần thắng vào bộ phim này!”
Bên cạnh đó, việc ít phải cạnh tranh với những bộ phim của Hollywood trong thời điểm này cũng là một thuận lợi - kiểu “trong cái rủi có cái may” - của các nhà làm phim Việt. Tuy nhiên, dù là ra rạp vào thời điểm nào thì khán giả cũng chỉ chọn xem những bộ phim thực sự có chất lượng. Bởi vậy, đây vừa là cơ hội vừa là thách thức, đòi hỏi các nhà làm phim trong nước nâng cao chất lượng để kéo khán giả quay trở lại rạp chiếu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.