Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường cuối năm: Vẫn nỗi lo ghìm giá

Thùy Linh| 06/10/2010 07:00

(HNM) - Dù TP Hồ Chí Minh đã rất tích cực trong việc bình ổn hàng hóa nhưng giá cả vẫn đang tăng. Theo các nhà cung cấp, việc tăng giá kết hợp nhiều yếu tố: từ tỷ giá tăng, giá vàng diễn biến phức tạp tác động làm giá hàng hóa nhập khẩu tăng đến việc trữ hàng chuẩn bị Tết Tân Mão sắp đến làm xu hướng này khó ngừng lại.

Tăng đều!

Trong tháng 9, chỉ số giá tiêu dùng của TP Hồ Chí Minh tăng 0,97% so với tháng trước. Đây là mức tăng cao nhất trong 6 tháng trở lại đây. Tại các chợ, trừ thịt lợn giá giảm nhẹ do người tiêu dùng dè dặt với dịch tai xanh, hầu như tất cả mặt hàng thực phẩm còn lại đều đồng loạt tăng giá. Giá thịt bò, thịt gia cầm tăng khoảng 5.000-10.000 đồng/kg, thịt bò thăn ở mức 140.000-160.000 đồng/kg, thịt gà ta làm sẵn giá 90.000-115.000 đồng/kg. Các mặt hàng thủy sản tăng nhiều hơn, từ 10.000 đến 20.000 đồng/kg. Cá lóc nuôi đang có giá 75.000-85.000 đồng/kg, cá lóc đồng khoảng 100.000 đồng/kg. Giá gạo tăng 500-1.000 đồng/kg tùy loại…

Dịp Đại lễ, các siêu thị tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi thu hút khách hàng.

Hàng hóa trong các siêu thị cũng điều chỉnh tăng từ 3% đến 15%. Theo đại diện các siêu thị, từ giữa tháng 8, các nhà cung cấp đã thông báo tăng giá bán hàng trăm mặt hàng với lý do tỷ giá và giá nguyên liệu đầu vào tăng. Từ đầu tháng 9, các mặt hàng đã được điều chỉnh tăng giá, phần nhiều là hàng nhập khẩu như đồ hộp, bánh kẹo, mỹ phẩm, rượu…

Nỗ lực kìm giá trong chương trình bình ổn của TP cũng không kìm hãm được đà tăng giá. Lý do là hàng bình ổn chỉ có 8 nhóm gồm: gạo - nếp, đường, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến và rau củ quả. Ngoài việc giới hạn ở 8 mặt hàng, số điểm bán hàng cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu, số lượng điểm bán lẻ chưa được nhiều. Các nhà bình ổn giá cũng gặp khó khăn khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, bên cạnh đó, các nhà bình ổn cũng chỉ cam kết là giữ giá thấp hơn thị trường ít nhất 10%, vì vậy giá thị trường tăng thì giá bình ổn cũng nhích theo chứ không thể giữ cố định được.

Tháng 9 cũng là tháng bán hàng khuyến mãi của TP nhằm kích cầu tiêu dùng trong mùa thấp điểm và kéo giá giảm trước khi chuyển sang mặt bằng giá mới dịp cận tết. Tổng giá trị khuyến mãi được các doanh nghiệp đăng ký là 296 tỷ đồng, tuy nhiên, phần nhiều các mặt hàng khuyến mãi không phải hàng thiết yếu. Một số mặt hàng khuyến mãi lại chỉ là thanh lý hàng tồn kho khiến dù trong tháng khuyến mãi nhưng các bà nội trợ vẫn đau đầu vì giá hàng thiết yếu vẫn… leo thang.

Được mua hàng giá rẻ nhờ Đại lễ

Trong khi giá cả thị trường Hà Nội được dự báo là có thể tăng trong tháng 10 do lượng khách đến Thủ đô tăng mạnh trong Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, thì TP Hồ Chí Minh lại được "hưởng lợi" do các siêu thị tung ra nhiều chương trình khuyến mãi mừng Đại lễ.

Tại hệ thống siêu thị Co.opMart, từ ngày 29-9 đến 10-10 có 1.000 mặt hàng được giảm giá lên đến 50%. Ngoài các mặt hàng thiết yếu như chân giò heo, đùi gà, cá, sữa… được niêm yết giá khuyến mãi khá thấp so với thị trường, các mặt hàng khác như bình nước thủy tinh, đồ nấu bếp, quần áo giảm từ 25% đến 50%... Với mức giảm này, đại diện Co.opMart kỳ vọng sức mua sẽ tăng 30%-40% so với bình thường. Siêu thị BigC cũng tung ra chương trình "Giá rẻ chưa từng thấy" kéo dài 19 ngày (từ 6 đến 24-10) áp dụng giảm giá đặc biệt cho nhóm hàng hóa thiết yếu. Gần 1.000 mặt hàng hóa mỹ phẩm có giá giảm từ 5% đến 50% và nhiều quà tặng hấp dẫn... Big C cũng cho biết đã đàm phán với 6 nhà cung cấp sữa gồm: Meiji, FrieslandCampina, Vinamilk, Hanco, Mead Johnson, Abbott và cam kết không tăng giá từ nay đến cuối năm để giữ giá ổn định cho mặt hàng này. Trung tâm điện máy nội thất Thiên Hòa dành 1.000 phần quà cho 1.000 khách hàng đến mua sắm đầu tiên mỗi ngày, bắt đầu từ ngày 1-10…

Theo quy luật hằng năm, do nhu cầu tích trữ hàng hóa trong dịp tết nên khi giá đã lên trong thời gian này là thiết lập ngay mặt bằng giá mới chứ rất khó giảm lại. Vì vậy, công tác bình ổn giá trong những tháng tới sẽ rất khó khăn. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng cho rằng, trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng thì việc tăng giá là bất khả kháng, tuy nhiên, mức tăng bao nhiêu là hợp lý và giá nhóm hàng nào tăng cần được cân nhắc. Để quản lý giá ổn định trong thời điểm cuối năm, UBND TP đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện xây dựng kế hoạch quản lý giá cả và điều phối hàng hóa. Riêng với 8 nhóm hàng bình ổn, TP đã dự trữ hàng hóa đến tháng 3-2011, bảo đảm giá luôn thấp hơn giá thị trường ít nhất 15%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường cuối năm: Vẫn nỗi lo ghìm giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.