(HNM) - Những năm gần đây, sản phẩm bảo hiểm du lịch (BHDL) với quyền lợi chi trả khá hấp dẫn đã được nhiều doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.
Tham gia BHDL, khách hàng sẽ nhận được sự hỗ trợ kịp thời khi gặp rủi ro trong những chuyến du lịch với mức phí thấp. Những vụ tai nạn của du khách xảy ra thời gian gần đây đã khiến nhiều người thay đổi quan điểm và chú ý hơn tới việc mua bảo hiểm khi đi du lịch.
"Quên" mua bảo hiểm
Nhân viên Công ty Bảo hiểm ACE tư vấn cho khách hàng sử dụng dịch vụ bảo hiểm du lịch.
Thất lạc hành lý, không may nhiễm bệnh, hay gặp tai nạn hiểm nghèo là những rủi ro không ai muốn, song vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong các chuyến du lịch. Đáp ứng nhu cầu này, sản phẩm BHDL thời gian gần đây đã được nhiều DNBH chú trọng xây dựng với những quyền lợi hấp dẫn, giúp san sẻ những rủi ro cho du khách. Song, trên thực tế BHDL vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của những hãng lữ hành và cả du khách. Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, năm 2010 ngành du lịch thu hút được hơn 4,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, hơn 15 triệu lượt khách du lịch nội địa và hơn 3 triệu lượt khách Việt Nam du lịch lữ hành quốc tế. Song, thị phần BHDL vẫn ở mức khiêm tốn. Có đến 95% khách du lịch trong nước và quốc tế không được mua bảo hiểm do các hãng lữ hành không chấp hành đúng quy định.
Theo quy định, phí BHDL là 1.500đ/ngày/khách nội địa và 1,5USD/ngày/khách nước ngoài, chiếm một phần nhỏ trong giá thành của mỗi tour du lịch. Luật Du lịch cũng quy định, các công ty kinh doanh lữ hành trong nước và quốc tế phải mua bảo hiểm cho khách hàng, tuy nhiên chưa có chế tài xử phạt những doanh nghiệp làm trái quy định. Sự lỏng lẻo của các quy định pháp luật đã khiến nhiều hãng lữ hành "quên" mua BHDL cho du khách và khách du lịch cũng không mặn mà với loại hình bảo hiểm này do ý thức chưa đúng về tầm quan trọng của nó. Chỉ đến khi những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra dồn dập với khách du lịch trong thời gian gần đây, nhiều người đã thay đổi quan điểm về việc sử dụng BHDL nhằm giảm rủi ro trong mỗi chuyến đi.
Ông Phùng Đắc Lộc cho rằng, mua BHDL cho khách hàng là nghĩa vụ của các công ty du lịch lữ hành chứ không chỉ đơn thuần là dịch vụ gia tăng, bởi phí bảo hiểm đã được tính trong giá tour. Song, nhiều công ty lữ hành vẫn chưa thấy được nghĩa vụ của mình. Thực tế này đã khiến nhiều du khách bị thiệt thòi nghiêm trọng. Việc khách du lịch không được mua BHDL một phần nữa thuộc về trách nhiệm của đại sứ quán Việt Nam tại các nước khi cấp VISA cho khách nước ngoài vào Việt Nam mà không quy định phải mua BHDL bắt buộc như hầu hết các đại sứ quán các nước khác đang thực hiện.
Khách hàng sẽ có nhiều lựa chọn
Đón đầu nhu cầu BHDL của khách hàng tại thị trường Việt Nam, nhiều DNBH đã thiết kế sản phẩm nhằm chia sẻ với khách hàng không may gặp rủi ro. Với sản phẩm BHDL Liberty TravelCare, nếu không may gặp rủi ro khi đi du lịch, khách hàng sẽ được Công ty bảo hiểm Liberty trang trải chi phí nằm viện, thanh toán chi phí chỗ ở phát sinh thêm và được sử dụng dịch vụ hỗ trợ y tế 24h trong những trường hợp khẩn cấp. Liberty cũng bảo hiểm thất lạc và mất hành lý, bảo hiểm những sự cố phiền toái phát sinh trong khi du lịch… Ông Carlos Vanegas, Tổng giám đốc Liberty cho biết, quyền lợi bảo hiểm cho tai nạn cá nhân của Liberty đến 150.000 USD và chi phí y tế điều trị khi đang du lịch ở nước ngoài tối đa là 180.000 USD. Liberty cũng chi trả cho người nhận bảo hiểm 120 USD cho 6 giờ bị trễ tại sân bay nước ngoài.
Với mức phí 6 USD, khi sử dụng BHDL của Công ty bảo hiểm ACE, khách hàng được hỗ trợ chi phí điều trị y tế tại nước ngoài và kinh phí điều trị tiếp theo tại Việt Nam. ACE cũng hỗ trợ khách hàng khi chuyến đi bị hủy bỏ, bị trì hoãn, mất hành lý… Tổng Công ty CP Bảo hiểm BIDV (BIC) còn thiết kế gói sản phẩm BHDL quốc tế có hỗ trợ dịch vụ cứu trợ (SOS). Sản phẩm phù hợp với nhiều mục đích, như học tập, hội thảo, du lịch... của khách hàng. Khi tham gia, khách hàng được bảo hiểm tai nạn người, thanh toán chi phí y tế phát sinh tại nước ngoài, được bảo hiểm khi mất, hay hư hỏng hành lý. Đặc biệt, theo thỏa thuận hợp tác giữa BIC và Công ty Cứu trợ quốc tế SOS, khách hàng được hưởng các dịch vụ hỗ trợ của SOS trên phạm vi toàn cầu, gồm cứu trợ y tế và hỗ trợ du lịch.
Để thay đổi nhận thức của cộng đồng về BHDL, các chuyên gia cho rằng, cùng với tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân và doanh nghiệp, không thể thiếu những chế tài quy định việc xử lý vi phạm có liên quan. Sức mạnh của chế tài xử phạt chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp các hãng lữ hành quan tâm đúng mức về việc mua BHDL cho du khách, góp phần bảo đảm quyền lợi của người dân khi đi du lịch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.