(HNM) - Những ngày đầu tháng 4, thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) đã phục hồi ấn tượng khi chỉ số chứng khoán liên tục leo dốc và một luồng tiền đang mạnh mẽ đổ vào thị trường. Nhưng niềm vui và sự hào hứng của các nhà đầu tư (NĐT) vừa mới bắt đầu thì nỗi lo đã xuất hiện khi nạn rò rỉ, tiết lộ thông tin, giao dịch nội gián, loạn tin đồn… đang có nguy cơ bùng nổ.
"Chộp được" thông tin-bội thu
Những tháng gần đây, các hiện tượng tiêu cực như công ty chứng khoán, cổ đông lớn thao túng thị trường, cổ đông nội bộ giao dịch nhưng không công bố thông tin... đã khiến nhiều NĐT bức xúc. Đỉnh điểm của sự việc là mới đây TTCK rúng động về một báo cáo có tiêu đề "Thông tin giao dịch của các tổ chức" đã được lan truyền rộng rãi. Báo cáo này cập nhật chi tiết và chính xác về danh mục, giao dịch từng ngày của tất cả công ty chứng khoán. Lãnh đạo nhiều công ty chứng khoán hết sức bàng hoàng vì thông tin trong báo cáo này gần như bản sao danh mục đầu tư của họ mà về nguyên tắc, đây đều là những bí mật kinh doanh chỉ có cơ quan quản lý thị trường có được nhưng không hiểu sao lại bị rò rỉ ra ngoài. Câu hỏi lớn đang đặt ra là, con đường đi của những thông tin này bắt nguồn từ đâu? Và hậu quả của nó là gì?
Các nhà đầu tư tại Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội. Ảnh: Linh Tâm |
Một số ý kiến cho rằng, vụ lộ một phần bản sao danh mục đầu tư sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của các công ty và đằng sau vụ rò rỉ thông tin này, nhiều khả năng có một nhóm tổ chức đứng ra thực hiện "mua bán" thông tin. Bởi hiện tại đang có khoảng hơn 100 công ty chứng khoán hoạt động, trong đó khoảng 20 công ty đã chính thức niêm yết và việc cạnh tranh đang hết sức khốc liệt với nhiều chiêu thức khác nhau. Do vậy, không thể loại trừ khả năng các đối thủ đang tìm cách hạ uy tín để cạnh tranh.
Ở một góc độ khác, các chuyên gia nhận định rằng hiện tượng tiết lộ thông tin như trên còn đáng sợ hơn thông tin nội gián vì đây là toàn bộ thông tin thị trường. Chính từ bản tự doanh của các công ty chứng khoán, người ta có thể đoán được xu hướng và lướt sóng trục lợi. Thực tế chứng minh, trong tháng 3-2010 có 5 đợt sóng, mỗi đợt mang lại mức tăng trung bình 5%-7% thì cả tháng cũng mang lại khoản lợi nhuận khoảng 30%. Đây là mức lợi nhuận khổng lồ trong một thời gian cực ngắn. Và những người "chộp được" thông tin từ bản tự doanh, biết được xu hướng thị trường đã bội thu.
Tin đồn, thao túng...
Vấn đề minh bạch thông tin trên TTCK Việt Nam lâu nay vẫn là điều ấm ức của hầu hết NĐT, làm đau đầu các nhà quản lý. Thực tế cho thấy, những năm trước đây, khi suốt một thời gian khá dài thị trường tăng nóng, lợi nhuận dễ dàng, hầu hết các NĐT không quan tâm lắm đến tính minh bạch trong thông tin chứng khoán. Nhưng giờ đây, khi tình hình đã hoàn toàn khác, những tin đồn thiếu cơ sở, những thông tin nội gián và sự rò rỉ có ý đồ đã trở thành điều nhức nhối của thị trường. Quan sát nhiều phiên giao dịch, người ta không hiểu sao một số loại cổ phiếu tự nhiên được mua nhiều, tăng bất thường qua các phiên. Rồi chỉ một thời gian ngắn sau, chính các cổ phiếu đó được công bố thông tin tốt, doanh thu lợi nhuận tăng trưởng ngoài dự kiến… giá các cổ phiếu đó tăng vùn vụt.
Bên cạnh đó, TTCK Việt Nam gần đây bị ảnh hưởng bởi các tin đồn rất nhiều. Tin đồn chủ yếu tập trung xung quanh hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, các chính sách mới, thậm chí tin đồn cũng không từ cả cơ quan quản lý... Đặc biệt, khi các dự báo về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2010 tuy có hồi phục nhưng khả năng lạm phát gia tăng cũng rất lớn, các NĐT nảy sinh tâm lý ngóng đợi chủ trương lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước. Trong bối cảnh đó, đã và đang xuất hiện hàng loạt tin đồn về lạm phát, về lãi suất cơ bản, chỉ số giá tiêu dùng. Không ít tin đồn đó tạo nên các đợt sóng trên thị trường và đem lại lợi nhuận cho một số người.
Các thủ đoạn thao túng, làm giá cổ phiếu trên thị trường cũng đang diễn ra với nhiều hình thức đa dạng. Mới đây, báo chí đã đồng loạt đưa tin về việc "làm giá" của một cổ đông lớn là bà Nguyễn Thị Kim Phượng. Theo đó, ngày 3-2, bà Phượng chào mua công khai 1,3 triệu cổ phiếu VTV của CTCP Vận tải xi măng với mục đích tăng tỷ lệ nắm giữ. Giá cổ phiếu VTV vào thời điểm này khoảng 40.000 đồng. Nhưng ngay sau đó, đến ngày 24-3, bà Phượng đã bán 557.800 cổ phiếu VTV (chiếm 8,5% khối lượng niêm yết của cổ phiếu này) nhưng không thông báo với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và cũng không công bố thông tin theo quy định. Giá khớp lệnh trong giao dịch này là 55.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy chỉ sau một tháng rưỡi đầu tư, bà Phượng đã có lãi 8,3 tỷ đồng.
Hệ thống hóa dấu hiệu vi phạm
Các thủ đoạn trục lợi bất chính và xâm hại quyền lợi của các cổ đông nhỏ cũng đang ngày càng nở rộ trên TTCK và đặt ra yêu cầu cấp thiết phải khẩn trương chấn chỉnh tình trạng này. Các thông tin không minh bạch có hậu quả khôn lường. Hậu quả xấu không những chỉ ảnh hưởng đến các NĐT (cả cá nhân và tổ chức) mà còn có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp niêm yết nói riêng và TTCK nói chung.
Thời gian qua, UBCKNN đã tăng cường việc giám sát, thanh tra và xử phạt trên TTCK, nhiều lần xử lý các vi phạm "làm giá" của các công ty chứng khoán. Mới đây, ngày 15-1, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 09 hướng dẫn về công bố thông tin trên TTCK đã được giới đầu tư hoan nghênh và kỳ vọng về một thị trường minh bạch. Tuy nhiên, mức phạt còn quá nhẹ: phạt hành chính cao nhất cho mọi vi phạm vẫn dưới 70 triệu đồng nên chưa đủ tính răn đe, do đó cần thiết phải có hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán nặng hơn, mức độ răn đe nghiêm khắc hơn.
Các chuyên gia cũng cho rằng, việc cần làm của cơ quan quản lý, giám sát thị trường là phải hệ thống hóa được dấu hiệu của các tình huống giao dịch bất lợi cho thị trường để tiến hành kiểm tra ngay khi thấy có dấu hiệu vi phạm; đồng thời cơ quan quản lý nhà nước liên quan cần tăng cường công tác cung cấp thông tin, định hướng nhận thức để giúp người dân hiểu đúng bản chất và các diễn biến của nền kinh tế nhằm giúp họ có những quyết định đúng đắn. NĐT cũng nên thận trọng với tất cả các thông tin, nhất là những thông tin phát ra từ kênh không chính thức.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.