(HNMO) - Áp lực bán ra đã xuất hiện khá nhiều sau khi Vn-Index tăng liên tiếp trong 8 phiên vừa qua. Vì thế, kết thúc phiên hôm nay, chỉ số chung của thị trường đảo chiều hạ gần 2 điểm.
(HNMO) - Áp lực bán ra đã xuất hiện khá nhiều sau khi Vn-Index tăng liên tiếp trong 8 phiên vừa qua. Vì thế, kết thúc phiên hôm nay, chỉ số chung của thị trường đảo chiều hạ gần 2 điểm.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, thông tin Hy Lạp được giải cứu đã hỗ trợ thị trường lên điểm, trong đó Dow Jones vượt 11.000 điểm. Đây là lần đầu tiên trong 19 tháng qua Dow Jones vượt mốc này. Kết thúc phiên ngày 12/4, chỉ số Dow Jones tăng 8,62 điểm (+0,08%), dừng ở mức 11.005,97 điểm; chỉ số Nasdaq ghi thêm 3,82 điểm (+0,16%), đóng cửa ở mức 2.457,87 điểm; chỉ số S&P 500 tăng 2,11 điểm (0,18%), dừngở mức 1.196,48 điểm.
Tuy nhiên, thông tin này dường như chỉ có tác động đến thị trường trong nước ở đợt khớp lệnh đầu tiên. Kết thúc đợt 1, Vn-Index tăng 1,11 điểm (+0,21%), vượt mốc 520 điểm, đạt 521,04 điểm. Khối lượng giao dịch giảm khá mạnh so với cùng đợt hôm trước, tổng cộng có 3,015 triệu chứng khoán được giao dịch thành công, giá trị là 121,089 tỷ đồng.
Sang đợt khớp lệnh liên tục, dòng tiền có chiều hướng quay lại các mã bluechips. Tuy nhiên, lệnh bán ra bắt đầu được nhà đầu tư đẩy mạnh hơn khiến Vn-Index đảo chiều mất 0,91 điểm (-0,17%),còn 519,02 điểm.
Kết thúc phiên, Vn-Index đánh dấu sự đảo chiều sau 8 phiên tăng liên tiếp khi giảm 1,95 điểm, tương đương 0,37%, còn mức 517,98 điểm.
Như vậy, dù 8 phiên tăng liên tiếp nhưng dòng tiền chủ yếu tập trung vào nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa nên số điểm Vn-Index tích lũy được không nhiều và chưa phiên nào vượt được ngưỡng cản 520 điểm.
Nhóm cổ phiếu blue-chips giảm giá chiếm phần lớn và không thể hiện được vai trò dẫn dắt thị trường trong hôm nay. VPL, ITA, BVH cùng giảm 300 đồng/cổ phiếu, DPM hạ 400 đồng/cổ phiếu, EIB mất 200 đồng/cổ phiếu, HAG, HPG, KBC, CTG và REE đều giảm 500 đồng/cổ phiếu, PVF và STB cùng hạ giảm 100 đồng/cổ phiếu, VCB mất 600 đồng/cổ phiếu.
Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn rất yếu, cả 4 mã đều đi xuống trong phiên này, mất 100-600 đồng/cổ phiếu.
Ở phía ngược lại, DXG tăng kịch trần 3.500 đồng, đạt 79.500 đồng/cổ phiếu, NTL tăng 4.000 đồng/cổ phiếu, PPC và SSI cùng ghi 100 đồng/cổ phiếu, SJS tăng 1.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu MSN-mã có lượng cổ phiếu lớn để tính Vn-Index-tăng kịch trần 1.900 đồng lên mức 41.500 điểm. Tuy nhiên, từng đó cũng không đủ đế giúp Vn-Index tránh khỏi một phiên đi xuống.
“Tân binh” PPI sau khi chào sàn thành công vào hôm qua hôm nay tăng trần 1.900 đồng lên mức 40.300 đồng/cổ phiếu.
Chênh lệch cung-cầu thể hiện rõ ở số mã chứng khoán tăng-giảm giá. Toàn thị trường chỉ có 46 mã lên giá trong khi số mã giảm giá gấp 3 lần (139 mã ), 37 mã còn lại đứng giá hoặc không giao dịch.
Sức cầu khá lớn nhưng vẫn có nhiều nhà đầu tư mua vào, nhờ đó tính thanh khoản chỉ giảm nhẹ so với hôm trước và vẫn đứng ở mức cao. Tổng số chứng khoán được chuyển nhượng qua hình thức khớp lệnh và thỏa thuận là 53,748 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 2.190 tỷ đồng.
Cộng hưởng từ sàn Tp.HCM, tại sàn Hà Nội, HNX-Index dừng ở mức 168,57 điểm, hạ 2,66 điểm, tương đương 1,55%. Khối lượng giao dịch vẫn duy trì ở mức cao. Tòan thị trường có hơn 43,648 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, giá trị là trên 1.471 tỷ đồng.
Trên sàn UPCOM, thị trường có phiên sôi động đột biến, có tới 4,177 triệu chứng khoán được chuyển nhượng, giá trị là 66,224 tỷ đồng. Đây là một trong những phiên sôi động nhất của UPCOM từ trước đến nay. Tuy nhiên, kết thúc phiên buổi sáng, UPCoM-Index giảm 0,10 điểm (-0,24%), xuống mức 42,43 điểm
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.