(HNMO) - Sát dịp lễ ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp), thị trường cá chép tại các chợ truyền thống ở Hà Nội như: Chợ Hôm - Đức Viên (quận Hai Bà Trưng), chợ Châu Long (quận Ba Đình)… trở nên nhộn nhịp hơn. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đa số người dân đến chợ đều bình tĩnh, thực hiện các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo của ngành y tế và thành phố Hà Nội.
Theo phong tục cổ truyền của người Việt, vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm, người dân đều chuẩn bị các vật phẩm, gồm cá chép sống, mũ hài, hoa tươi... cùng mâm cơm cúng để đưa tiễn ông Táo về chầu trời. Năm nay, ngày lễ này rơi vào ngày làm việc nên chủ nhật, 31-1, thị trường đồ cúng ông Công, ông Táo đã trở nên sôi động.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, từ sáng 31-1 (tức 19 tháng Chạp), tại phố Hàng Mã, Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm), bên cạnh các mặt hàng trang trí Tết, các mặt hàng phục vụ lễ cúng ông Công, ông Táo được bày bán khá đa dạng, chủ yếu là đồ vàng mã truyền thống quen thuộc như: Bộ mũ hài, cá chép, hương, nến… Theo chủ quầy kinh doanh tại số 9 Hàng Lược, năm nay, giá cả không biến động, thấp nhất từ 35.000 đồng, loại đẹp có thể lên tới 200.000 đồng/bộ.
Còn tại chợ Hôm - Đức Viên, chợ Gia Lâm…, giá cá chép vàng phóng sinh ở mức 30.000-70.000 đồng/bộ 3 con tùy loại to, nhỏ. Theo chị Đặng Thu Hường, chuyên kinh doanh thủy sản tại Gia Lâm, lễ cúng ông Công, ông Táo năm nay rơi vào thứ năm (ngày 4-2), nhiều người bận đi làm nên chuẩn bị đồ lễ cúng từ hôm nay. Do đó, chị Hường bắt đầu kinh doanh thêm mặt hàng cá chép đỏ.
Cùng với đó, các loại thực phẩm, trái cây, hoa tươi, trầu cau cũng được nhiều người dân chọn mua. Chị Thu Phương, nhân viên bán hàng tại cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm (phố Quán Thánh, quận Ba Đình) cho biết, giá các mặt hàng không tăng, trong đó giá một số loại trái cây còn đang giảm. Cụ thể, các loại trái cây an toàn trồng theo phương pháp VietGap như xoài Cát Chu có giá 85.000 đồng/kg, nho Sơn La 389.000 đồng/kg, chuối ngự Đại Hoàng 49.000 đồng/nải…
Trong khi đó, tại các chợ, giá các mặt hàng trái cây tăng khoảng 5-10%, như cam Canh có giá 50.000-70.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ giá 60.000-70.000 đồng/kg, bưởi phật thủ từ 35.000 đồng đến trên 100.000 đồng mỗi quả tùy loại…
Giá các loại rau củ, thịt gà, bò hầu như không tăng. Cụ thể, giá súp lơ xanh và trắng khoảng 10.000-12.000/cái, nấm kim châm 10.000-12.000 đồng/gói 200gr, su hào 3.000-7.000 đồng/củ… Giá gà nguyên lông 120.000-140.000 đồng/kg, tôm sú 300.000-450.000 đồng/kg…
Thời điểm này, các cửa hàng chế biến đồ ăn sẵn cũng bắt đầu “bung hàng” phục vụ những bà nội trợ bận rộn. Tại một cửa hàng đồ ăn chế biến trên phố Hàng Bè, giá canh mọc, canh măng là 120.000 đồng/bát, chim hầm 160.000 đồng/bát, nem thịt 100.000 đồng/10 cái, nộm đu đủ 60.000 đồng/đĩa, xôi gấc 35.000-50.000 đồng/đĩa, bánh chưng 50.000-70.000 đồng/cái…
Tại các cửa hàng chuyên kinh doanh gà luộc sẵn trên phố Gia Ngư, những chú gà trống vàng ươm miệng ngậm hoa hồng được bày bán nhiều, thu hút khá đông người mua. Theo chủ cửa hàng ở đây, giá gà luộc sẵn không tăng so với các năm, với 450.000-500.000 đồng/con.
Ghi nhận tại các chợ, giá hoa cúc 35.000-50.000 đồng/10 bông, hoa hồng 40.000-60.000 đồng/10 bông, hoa lay ơn 60.000-80.000 đồng/10 bông. Thời điểm này hoa đào cũng được bán tại nhiều chợ, trong đó cành đào nhỏ có giá 70.000-100.000 đồng/cành, mỗi cành đào to có giá từ 150.000 đến vài trăm nghìn đồng.
Tranh thủ chủ nhật, chị Trần Thanh Linh (trú tại phố Hàng Chuối, quận Hai Bà Trưng) đi mua sắm đồ lễ để cúng ông Công, ông Táo. Chị Linh cho hay: “Một năm chỉ có một lần nên gia đình luôn sửa soạn mâm cơm thật tươm tất để tiễn ông Táo lên chầu trời”.
Tuy lượng người tới chợ mua sắm tăng lên, song ghi nhận trong sáng nay, hầu hết người kinh doanh và người dân đến mua sắm đều thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang để phòng dịch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.