(HNM) - Báo cáo về thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội của Công ty TNHH Savills Việt Nam (đơn vị quản lý và tư vấn BĐS quốc tế) ghi nhận, số lượng căn hộ chung cư bán được trong quý I-2016 là hơn 5.600 căn, giảm 13% so với cuối năm 2015; tỷ lệ hấp thụ của thị trường cũng giảm nhẹ (khoảng 6%) so với quý IV-2015.
Thị trường bất động sản đầu năm 2016 vẫn tiếp tục ổn định. Ảnh: Anh Tuấn |
Theo báo cáo này, tổng nguồn cung phân khúc sơ cấp thị trường căn hộ là khoảng 16.270 căn hộ, tăng 1% so với quý IV-2015 và tăng 26% so với cùng kỳ năm 2015. Trong số đó, có 17 dự án đang bán hàng và 8 dự án mới, cung cấp thêm 6.600 căn hộ và số căn hộ mới này giảm 18% so với quý IV-2015. Các dự án ở quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm được ghi nhận có tốc độ bán hàng tốt nhất, chiếm 24% thị phần. Nếu phân theo hạng nhà, căn hộ chung cư hạng trung bình dẫn đầu thị trường với tỷ lệ bán được chiếm 66% thị phần.
Đối với phân khúc biệt thự, nhà liền kề, tổng nguồn cung thị trường khoảng 31.700 căn (trong đó thị trường sơ cấp chỉ có 1.660 căn), tăng gần 2% theo quý và gần 6% theo năm. Quận Hà Đông vẫn dẫn đầu nguồn cung với 27% thị phần. Tương tự như phân khúc chung cư, phân khúc biệt thự, nhà liền kề cũng ghi nhận sự sụt giảm tỷ lệ hấp thụ của thị trường (khoảng 13% so với quý trước), xuống còn 10%, trong đó phần lớn là giao dịch nhà liền kề. Về giá bán, thị trường chứng kiến sự trái ngược. Nếu giá bán thứ cấp trung bình của biệt thự giảm nhẹ, gần 1% theo quý và khoảng 2,5% theo năm thì giá bán thứ cấp trung bình của nhà liền kề tăng 1,3% theo quý và gần 3% theo năm.
Theo bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng bộ phận nghiên cứu Savills Việt Nam, hiện tại, thị trường chưa bị tác động nhiều trước thông tin Ngân hàng Nhà nước sửa đổi Thông tư 36 theo hướng giảm tỷ lệ cho vay dài hạn từ nguồn vốn huy động ngắn hạn, cũng như việc gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng dừng ký hợp đồng mới sau khi mức cam kết cho vay đã vượt hạn mức.
"Cuối tháng 3, đã có một lượng hàng lớn được bán trước khi kết thúc gói tín dụng này" - bà Hằng cho biết. Cũng theo bà Hằng, chỉ số giá của thị trường gần như ổn định. Sự tăng giá nhẹ chủ yếu diễn ra ở những dự án có vị trí đẹp, hạ tầng hoàn thiện, chứ không phải bản chất của thị trường. Tuy nhiên, dự báo trong quý II, khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc, đồng thời Thông tư 36 được thông qua, chắc chắn tín dụng cho thị trường BĐS sẽ hạn chế, gây khó khăn nhất định cho chủ đầu tư, người mua nhà, nhất là khi kênh vốn cho thị trường BĐS hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng.
Một đơn vị tư vấn BĐS khác là CBRE cũng đưa ra nhận định tương đồng về thị trường Hà Nội, khi cho rằng tỷ lệ căn hộ mới mở bán và tỷ lệ giao dịch sụt giảm. Theo Giám đốc bộ phận nghiên cứu và tư vấn của CBRE Việt Nam, bà Nguyễn Hoài An, với thị trường BĐS phát triển, ngoài kênh tín dụng ngân hàng, còn có nhiều kênh huy động vốn khác như phát hành trái phiếu hay thông qua quỹ BĐS. Ở Việt Nam, kênh tín dụng ngân hàng vẫn là chủ yếu. Nếu Thông tư 36 sửa đổi được thông qua, các doanh nghiệp BĐS sẽ phải quản trị tốt hơn, minh bạch hơn.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kinh doanh BĐS quý I-2016 tăng trưởng 3,43%, mức tăng cao nhất kể từ năm 2012. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, thị trường Hà Nội tháng 3-2016 có 1.200 giao dịch thành công, còn tại TP Hồ Chí Minh có 1.150 giao dịch thành công; chủ yếu ở những dự án bảo đảm tiến độ, phương thức thanh toán hợp lý, linh hoạt, chủ đầu tư có uy tín. Quan điểm điều hành của Bộ Xây dựng trong năm 2016 vẫn là kiểm soát tốt thị trường bằng công cụ chính sách, hướng tới đầu tư nhiều vào phân khúc nhà xã hội, nhà thương mại quy mô nhỏ, giá bán trung bình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.