Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường bảo hiểm: Nhiều dấu hiệu xấu

Hương Ly| 03/04/2010 09:09

(HNM) - Trong khi các ngành kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu thì thị trường bảo hiểm (BH) Việt Nam vẫn tăng trưởng khá ấn tượng. Thống kê của Cục Quản lý, giám sát BH (Bộ Tài chính) cho thấy, năm 2009 tổng doanh thu trên thị trường BH phi nhân thọ (PNT) tăng 24,78%; BH nhân thọ tăng 14,96%. Tuy nhiên, kết quả thanh tra tại 20% doanh nghiệp (DN) kinh doanh BH của Bộ Tài chính đã hé lộ nhiều sai phạm.

Bảo hiểm xe cơ giới luôn có doanh thu lớn trong thị trường bảo hiểm. Ảnh: Bá Hoạt


Tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng
Thống kê của Cục Quản lý, giám sát BH cho thấy, thị trường BH Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng trong bối cảnh các ngành kinh tế khác lao đao do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tại thị trường BH PNT, tổng doanh thu phí BH gốc đạt 13.661 tỷ đồng, tăng 24,78% so với năm 2008. Tổng số tiền các DN BH đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 19.313 tỷ đồng. Các DN cũng chi trả số tiền BH là 5.267 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho hơn 50.000 lao động. Những DN BH có doanh thu lớn, gồm Bảo Việt đạt doanh thu phí BH gốc 3.682 tỷ đồng; Tổng Công ty CP BH Dầu khí Việt Nam: 2.770 tỷ đồng…Trong các nghiệp vụ BH PNT, BH xe cơ giới chiếm tỷ trọng lớn nhất với doanh thu phí đạt 4.327 tỷ đồng. BH tài sản và thiệt hại đứng thứ 2, doanh thu đạt 3.168 tỷ đồng. Tiếp đó là BH sức khỏe và tai nạn con người, đạt 1.957 tỷ đồng…

Với thị trường BH nhân thọ, tổng doanh thu phí BH năm 2009 đạt 11.849 tỷ đồng, tăng 14,96%; tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế của các DN đạt 47.600 tỷ đồng. Cơ cấu đầu tư của DN BH nhân thọ khá an toàn với tỷ trọng đầu tư vào trái phiếu chính phủ là 57,26%; gửi tiền vào ngân hàng: 19,04%; chủ động cho vay: 10%; đầu tư vào cổ phiếu và góp vốn chỉ chiếm 12,94%. Các DN BH cũng có cơ cấu tài chính vững mạnh. Ước tính, đến hết năm 2009, tổng dự phòng của các DN BH nhân thọ đạt 42.084 tỷ đồng, tăng 14,63%, đáp ứng tốt quy định về khả năng thanh toán. Trong đó, Công ty BH Prudential có khả năng thanh toán gấp 1,75 lần so với quy định; các công ty BH: Manulife, AIA, Dai-ichi có khả năng thanh toán trên 2 lần… Theo đánh giá của Bộ Tài chính, thị trường BH nhân thọ Việt Nam có đủ năng lực để vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế. Doanh thu khai thác mới các hợp đồng BH năm 2009 tại thị trường BH nhân thọ đạt 856 tỷ đồng. Các DN BH đã nỗ lực phát triển sản phẩm mới, đáp ứng tốt nhu cầu đầu tư thận trọng của người dân Việt Nam trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động hiện nay.

Còn nhiều sai phạm

Mặc dù hoạt động kinh doanh của các DN BH tăng trưởng khá, song qua thanh tra tại 11 DN kinh doanh BH trong năm 2009, Bộ Tài chính đã phát hiện nhiều sai phạm. Hầu hết các DN BH được kiểm tra đều có đại lý chưa được đào tạo và cấp chứng chỉ, nhưng vẫn được các chi nhánh ký hợp đồng làm việc. Khoản chi hoa hồng của DN cho đại lý BH cũng có nhiều sai phạm. Nhiều DN BH đã đầu tư sai tỷ lệ nguồn vốn nhàn rỗi từ quỹ dự phòng nghiệp vụ; có DN không bảo đảm nguồn tiền để bồi thường BH thường xuyên. Một số DN BH PNT đã chi bồi thường nghiệp vụ BH không thuộc phạm vi BH (chi bồi thường tổn thất xe cơ giới, nhưng khách hàng lại nộp phí sau ngày xảy ra tổn thất)... Trong lĩnh vực BH nhân thọ, thanh tra Bộ Tài chính đã phát hiện nhiều DN từ chối chi trả quyền lợi BH cho khách hàng với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng và không chủ động thông báo cho khách hàng để họ đến nhận quyền lợi BH…

Đặc biệt, khả năng thanh toán của một số DN BH PNT năm 2009 chưa bền vững. Trong đó, khả năng thanh toán của Công ty BH Liberty thấp hơn quy định tối thiểu do DN này thua lỗ 182 tỷ đồng (năm 2009). Các DN Bảo Việt và PJICO cũng chỉ có khả năng thanh toán tối thiểu, cao hơn không đáng kể so với quy định. Để bảo đảm khả năng thanh toán, các DN này đã phải lên kế hoạch tăng vốn từ 200 tỷ lên 500 tỷ đồng trong năm 2010.

Theo đánh giá của Cục Quản lý giám sát BH, mặc dù số lượng DN BH được thanh tra chỉ chiếm 20% trên tổng số các DN đang hoạt động trên thị trường, song đã phát hiện nhiều sai phạm. Một trong những nguyên nhân khiến sai phạm xảy ra phổ biến là do chế tài xử phạt các sai phạm này trong năm 2009 căn cứ vào quy định cũ (Nghị định 118/2003/NĐ), nên mức tiền và hình thức xử phạt bổ sung còn nhẹ. Năm 2010, quy chế xử phạt hành chính trong lĩnh vực kinh doanh BH sẽ căn cứ vào Nghị định số 41/2009/NĐ, nên mức xử phạt sẽ cao hơn; thẩm quyền thanh tra và xử phạt sẽ được giao cho Cục Giám sát, quản lý BH nên sai phạm sẽ được xử lý kịp thời, đồng bộ hơn.

Được biết, năm 2010, Cục Quản lý, giám sát BH sẽ thanh tra nhiều DN lớn trong lĩnh vực kinh doanh BH, như Tổng Công ty CP BH Dầu khí Việt Nam (PVI); Công ty TNHH BH nhân thọ AIA Việt Nam; dự phòng thanh tra tại các tổng công ty BH Bảo Việt, Tái BH quốc gia Việt Nam. Bộ Tài chính cũng sẽ thanh tra toàn diện nhiều DN kinh doanh BH thuộc các lĩnh vực: BH PNT; kinh doanh môi giới BH, kiểm tra theo chuyên đề trong các lĩnh vực BH xe cơ giới, hoạt động của bộ phận chăm sóc khách hàng và hoạt động quản trị DN. Việc siết chặt hoạt động giám sát, kiểm tra với các DN kinh doanh BH không những sẽ hạn chế rủi ro cho DN, mà còn bảo đảm an toàn hệ thống tài chính trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thị trường bảo hiểm: Nhiều dấu hiệu xấu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.