(HNM) - Bánh kẹo là mặt hàng không thể thiếu trong các gia đình Việt Nam, cũng là quà biếu tặng giàu ý nghĩa mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Hiện các doanh nghiệp đang nỗ lực sản xuất các sản phẩm bánh, mứt, kẹo với mẫu mã đa dạng, nhiều phân khúc giá và chất lượng được đặt lên hàng đầu, để bảo đảm phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Đầu tư về mẫu mã, chất lượng
Đến hẹn lại lên, cận Tết Nguyên đán là thời điểm thị trường bánh, mứt, kẹo trở nên sôi động. Để cạnh tranh với hàng ngoại nhập, các doanh nghiệp trong nước đã tập trung sản xuất nhiều dòng sản phẩm mới dành riêng cho dịp Tết mang đậm màu sắc truyền thống.
Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bibica Nguyễn Quốc Hoàng, Công ty cổ phần Bibica đã lên kế hoạch đưa ra thị trường Tết khoảng 2.500 tấn bánh, kẹo với khoảng 70 chủng loại từ bình dân đến cao cấp. "Bánh, mứt, kẹo là mặt hàng không thể thiếu trong mỗi dịp Tết. Do đó, dù giá nguyên liệu đầu vào tăng khoảng 5% - 12% do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song Bibica vẫn cam kết không tăng giá bán sản phẩm để ổn định nguồn cung thị trường", ông Nguyễn Quốc Hoàng cho biết.
Tương tự, để bảo đảm nguồn cung phục vụ cao điểm Tết, từ mấy tháng nay, Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội đã tăng tốc sản xuất. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội Vương Trọng Tuấn thông tin: "Hiện mỗi ngày, chúng tôi sản xuất trung bình 3 tấn bánh, kẹo để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán".
Trong khi đó, dù không tiết lộ về sản lượng, song đại diện hãng Kinh Đô cho biết, doanh nghiệp đã đưa ra thị trường những sản phẩm đặc biệt thiết kế dành riêng cho Tết cổ truyền.
Ghi nhận tại hầu hết các siêu thị như Vinmart, Big C, Co.op Mart, BRGMart/HaproMart, Morgan Mart… hay các trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ, khu phố chuyên kinh doanh bánh, kẹo Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm), mặt hàng bánh, kẹo Tết đã bày bán đa dạng, gồm cả sản xuất trong nước và ngoại nhập. Đáng chú ý, những thương hiệu quen thuộc trong nước như: Kinh Ðô, Bibica, Hữu Nghị, Hải Hà... vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo so với hàng ngoại nhập cả về mẫu mã và số lượng.
Bà Lê Minh Hoa (mua hàng tại siêu thị BRGMart/HaproMart Hoàng Cầu, quận Đống Đa) cho biết, bà tin dùng, chọn mua các loại bánh, kẹo thương hiệu Việt Nam, vì hàng trong nước ngày càng có nhiều sản phẩm mẫu mã đẹp, hợp khẩu vị, chất lượng không thua kém hàng nhập khẩu mà giá lại rất hợp lý. Còn theo bà Vũ Phương Mai (ngõ 24 Hàm Tử Quan, quận Hoàn Kiếm), nhu cầu của người tiêu dùng là chọn mặt hàng có mẫu mã đẹp, vừa túi tiền chứ không quan trọng là ngoại hay nội.
“Để khách hàng có nhiều sự lựa chọn, cửa hàng nhập cả hàng nội và hàng ngoại với tỷ lệ tương đương nhau. Nếu mua về để thưởng thức, tiếp khách, đa số khách hàng chọn hàng nội, còn làm quà biếu thì hàng ngoại vẫn được ưu tiên hơn”, bà Nguyễn Thu Thủy, chủ một cửa hàng bán lẻ bánh kẹo tại phố Hàng Buồm cho biết.
Thận trọng với hàng trôi nổi
Càng gần Tết Nguyên đán, thị trường bánh, mứt, kẹo càng sôi động. Tuy nhiên, cùng với sự đa dạng về chủng loại, mối lo về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng gia tăng khi vẫn còn sản phẩm gia công kém chất lượng trà trộn. Khảo sát tại một số cửa hàng trên phố Hàng Buồm, có thể thấy không ít sản phẩm được giới thiệu là nhập khẩu nhưng không có tem nhãn xuất xứ, mỗi cửa hàng lại giới thiệu nguồn gốc một kiểu dù cùng mẫu mã.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Việt Hùng, mặt hàng bánh, mứt, kẹo không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng thường gia tăng vào dịp Tết, do đó bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người tiêu dùng chú ý kỹ các thông tin về nơi sản xuất, thành phần, hạn sử dụng và cách bảo quản sản phẩm được in trên bao bì.
Về phía đơn vị sản xuất bánh kẹo, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội Vương Trọng Tuấn cho biết, trong quá trình sản xuất, công ty luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm mang đến chất lượng tốt nhất cho người tiêu dùng. Còn theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bibica Nguyễn Quốc Hoàng, toàn bộ quy trình sản xuất được công ty kiểm soát nghiêm ngặt theo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng có thể yên tâm về chất lượng bánh kẹo...
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, an toàn thực phẩm luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Trong đó, người tiêu dùng nên lựa chọn bánh, mứt, kẹo của doanh nghiệp có thương hiệu, không mua sản phẩm không rõ thông tin. Từ nay đến Tết Nguyên đán, Sở tập trung triển khai các hoạt động kích cầu, qua đó cung cấp các mặt hàng thiết yếu, bình ổn giá, bảo đảm chất lượng cho người tiêu dùng.
"Hiện, các doanh nghiệp lớn đã bắt đầu đưa ra thị trường nhiều mặt hàng Tết và không tăng giá cao nhằm chia sẻ với khó khăn của người dân. Ðể bảo đảm kiểm soát thị trường dịp trước, trong và sau Tết, Sở Công Thương sẽ thành lập các đoàn công tác, bảo đảm không để hàng hóa tăng giá đột biến, khan hàng, thiếu hàng" - bà Trần Thị Phương Lan thông tin.
Khảo sát trên thị trường, các sản phẩm bánh, kẹo nhập khẩu từ các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Mỹ, Pháp, Đức, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc… được bày bán phong phú. Một số dòng bánh có giá khá cao từ 250.000 đồng đến 600.000 đồng/hộp. Các loại bánh kẹo phổ thông của Thái Lan, Malaysia, Indonesia có giá từ 25.000 đến 200.000 đồng/hộp. Thực tế, sản phẩm nhập khẩu từ các nước khu vực ASEAN có giá cao hơn một chút so với sản phẩm trong nước, nhưng rẻ hơn tới 30% so với các loại nhập khẩu từ châu Âu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.