(HNM) - Thị trường bán lẻ Việt Nam trầm lắng hơn so với vài năm trước, song lại đang đứng trước nhiều cơ hội trong bối cảnh mức cạnh tranh ngày càng cao.
Vấn đề là doanh nghiệp (DN) phân phối sản phẩm cần chủ động vào cuộc và hoạt động có hiệu quả để duy trì thị phần.
Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội về vấn đề này.
- Thưa ông, ông có thể giải thích vì sao Việt Nam bị loại ra khỏi danh sách 30 thị trường hấp dẫn nhất?
- Đúng là Việt Nam đang đứng ở ngoài tốp 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất theo thứ tự xếp hạng của Hãng tư vấn Mỹ A.T Keraney. Nguyên nhân là do những khó khăn từ khủng hoảng kinh tế mấy năm qua làm cho sức mua trong nước giảm, một số DN bán lẻ phải đóng cửa. Năm 2012 tổng mức bán lẻ tăng 6,5%, năm 2013 chỉ còn tăng 5,6%; trong khi thời kỳ 2006-2011 tăng trưởng bình quân là 11,47%/năm. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng phục vụ TTBL còn nhiều yếu kém, chi phí thuê mặt bằng khá cao. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính để lập cơ sở bán lẻ tiếp tục là những rào cản hạn chế hiệu quả kinh doanh của DN. Một lý do khác là, một số TTBL ở các nước trong khu vực và thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Brasil, Chile… đang nổi lên hấp dẫn các nhà đầu tư, đã góp phần thay đổi thứ tự xếp hạng của Việt Nam.
Theo tôi, để tăng sức hấp dẫn của TTBL Việt Nam cần phải từng bước khắc phục những tồn tại nêu trên. Trong đó, tập trung giữ cho được ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục kiềm chế lạm phát ở mức hợp lý, tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập, từ đó giúp tăng sức mua cho thị trường…
Người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa tại siêu thị Intimex. Ảnh: Bảo Lâm |
- Ông nhận định thế nào về những trường hợp chuyển nhượng, mua bán cơ sở bán lẻ những năm gần đây, đặc biệt là việc Trung tâm Thương mại (TTTM) Metro vừa thay chủ đầu tư mới?
- Về một số vụ mua bán, chuyển nhượng trong lĩnh vực thương mại gần đây như trường hợp Tập đoàn BJC Thái Lan mua lại toàn bộ TTTM Metro cho thấy một xu hướng rất lớn là việc mua bán DN, xuất phát từ sự hấp dẫn của TTBL Việt Nam đối với giới đầu tư. Việc mua bán DN là rất bình thường trong một nền kinh tế có độ mở ngày càng lớn như ở Việt Nam. Thực chất, đó là sự sắp xếp lại chứ không làm suy giảm sức cạnh tranh hay dung lượng TTBL. Nhưng cần thấy rằng, bắt đầu có sự thâm nhập một cách mạnh hơn của các nhà đầu tư nước ngoài bên cạnh sự tích tụ thương mại diễn ra ở thị trường nội địa. Riêng việc BJC mua lại Metro có một đặc điểm riêng là người Thái Lan đã có ý định chiến lược từ lâu là mở rộng sự hiện diện tại thị trường Đông Nam Á, trước hết là Việt Nam, Campuchia và Lào. Họ đầu tư vào cả sản xuất và phân phối để có chỗ đứng trên TTBL đầy tiềm năng như Việt Nam. Có người e ngại là cơ cấu hàng hóa sẽ thay đổi theo hướng xuất hiện nhiều hàng Thái Lan hơn nhưng phải chờ thời gian mới có câu trả lời và quan trọng nhất vẫn là người tiêu dùng Việt Nam. Đây cũng là câu chuyện liên quan đến tinh thần "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"…
- Theo ông, việc sử dụng những từ như "thôn tính", "thua" trên "sân nhà"… để miêu tả việc các DN trong nước gặp khó trong cuộc cạnh tranh với DN nước ngoài có chính xác không?
- Theo tôi nhận định như vậy còn quá sớm. Tuy nhiên, điều đó có xảy ra hay không chính là do các nhà sản xuất, kinh doanh Việt Nam cùng các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm với thị trường như thế nào. Đó cũng là những cảnh báo cho sự yếu kém đang tồn tại ở một bộ phận DN, chủ yếu do chưa có chiến lược kinh doanh khoa học lâu dài, làm ăn chụp giật, thiếu chuyên nghiệp… Ta nên ghi nhận sự trưởng thành và uy tín của một số DN, có sức về vốn, nguồn nhân lực và tầm nhìn chiến lược như: SaiGon Corp, Vinatex Mart, Vingroup… Thiết nghĩ, DN cần chủ động huy động vốn và hiện đại hóa cơ sở vật chất, tăng tính chuyên nghiệp trong việc phục vụ; nhất là phải liên kết chặt chẽ để củng cố quan hệ giữa sản xuất và phân phối. Các DN cần phải làm được những việc đó trong thời gian rất ngắn để có thể vững bước hướng tới tương lai. Nếu không muốn bị thua cuộc thì phải đủ sức cạnh tranh, sẵn sàng cạnh tranh bên cạnh việc tìm cách hợp tác, liên doanh với DN nước ngoài.
- Ông có dự báo gì về tương lai TTBL cũng như cơ hội đối với các DN thuộc lĩnh vực này?
- TTBL Việt Nam đang phát triển mạnh, song vẫn thấp hơn nhiều so với khu vực. Giao dịch thương mại hiện đại mới chiếm 20% thị phần, còn lại thông qua kênh thương mại truyền thống như: Chợ, cửa hàng nhỏ lẻ nên rất khó kiểm soát nhất là nguồn gốc chất lượng hàng hóa và an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong khi đó, hạ tầng thương mại, kể cả đường giao thông, kho bãi còn nhiều hạn chế, các giao dịch mua bán trên thị trường có khi thiếu minh bạch, hàng hóa qua nhiều khâu trung gian, đến tay người tiêu dùng giá cao một cách vô lý. Các DN chân chính ngại đầu tư lâu dài vì họ ít được bảo vệ.
Dự báo, TTBL vẫn tiếp tục sôi động, trong đó có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Việc mua bán, chuyển nhượng DN sẽ diễn ra nhiều hơn. Sự cạnh tranh giữa các nhà đầu tư, giữa các kênh bán hàng truyền thống và kênh bán hàng hiện đại sẽ "tăng nhiệt" và diễn ra hết sức sôi động. Như vậy, có cả cơ hội và thách thức. Nhà nước cần tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch để nhà đầu tư yên tâm kinh doanh. Có như vậy TTBL Việt Nam mới có cơ hội phát triển nhanh và bền vững.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.