Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019: Thêm thuận lợi, tăng giám sát

Thống Nhất| 19/02/2019 06:57

(HNM) - Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019 cơ bản vẫn giữ ổn định về cách thức tổ chức như các năm trước với hai mục tiêu: Vừa xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, vừa làm căn cứ để xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Thầy và trò Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa) tích cực chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia.


Tuy nhiên, đây sẽ là kỳ thi Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương triển khai nhiều giải pháp mới nhằm tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định để hạn chế những sai phạm như đã từng xảy ra ở kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2018, tạo thêm nhiều thuận lợi và sự công bằng cho các thí sinh.

Chủ trương trên đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa được công bố, lấy ý kiến góp ý để hoàn thiện, ban hành và áp dụng từ kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Thông tin thu hút sự quan tâm của học sinh lớp 12 tại thời điểm này là quy định về phạm vi đề thi. Dự thảo thông tư nêu rõ: “Nội dung thi nằm trong chương trình cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12”. Em Lê Văn Nam (học sinh Trường THPT Phúc Lợi, quận Long Biên) chia sẻ: Theo lộ trình đổi mới kỳ thi mà Bộ từng công bố, phạm vi đề thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ mở rộng sang cả chương trình lớp 11, lớp 10 chứ không chỉ ở lớp 12. Do đó, chúng em sẽ phải ôn tập nhiều hơn. Nhưng với việc “khoanh vùng” rõ như vậy mối lo của chúng em đã được giải tỏa phần nào.

Về vấn đề này, thầy giáo Trần Mạnh Tùng (Trường THPT Lương Thế Vinh, quận Cầu Giấy) cho rằng, ngoài việc nắm vững quy định tại quy chế thi, học sinh cần bám sát bộ đề thi tham khảo của Bộ để học tập. Theo đó, có thể thấy rằng, để tăng cơ hội đạt điểm tối đa trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, ngoài phạm vi kiến thức trong chương trình lớp 12, các em vẫn cần rà soát lại một số nội dung kiến thức cơ bản của lớp 11 và lớp 10, bởi các nội dung kiến thức trong chương trình giáo dục phổ thông đều có sự liên thông và kế thừa, nhất là với những câu hỏi mang tính vận dụng.

Một thay đổi khác của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 so với các kỳ thi trước được quy định tại dự thảo thông tư là việc tất cả thí sinh (không phân biệt thí sinh tự do, thí sinh học hệ giáo dục thường xuyên hay thí sinh học hệ giáo dục THPT) được bố trí dự thi chung chứ không ngồi thi riêng tại các điểm thi khác nhau như trước. “Việc lập danh sách để sắp xếp thí sinh trong phòng thi được thực hiện theo quy định chung, không có sự phân biệt giữa các đối tượng thí sinh. Chủ trương này của Bộ nhằm bảo đảm sự công bằng, bình đẳng giữa thí sinh các hệ”, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định.

Ông Hoàng Văn Tuấn, phụ huynh học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi, quận Ba Đình bày tỏ sự đồng tình, cho rằng: Sự điều chỉnh này là cần thiết, bởi dù thí sinh theo học hệ nào thì nếu đủ điều kiện tốt nghiệp, các em được nhận bằng tốt nghiệp THPT như nhau, không có sự phân biệt giữa hai hệ. Cách thức tổ chức này còn bớt đi những nghi ngại của dư luận xã hội về việc điểm thi của các thí sinh tự do hoặc thí sinh học hệ giáo dục thường xuyên thường được giám thị coi “lỏng tay” hơn so với điểm thi của thí sinh học hệ THPT, dẫn đến kết quả thi giữa các hệ chưa công bằng và thiếu thực chất. Đây cũng là cách tăng cường giám sát việc tổ chức kỳ thi ở tất cả các điểm thi, tránh hiện tượng nơi nghiêm túc, nơi lơ là.

Ngoài những điều chỉnh trên, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ áp dụng một số giải pháp nhằm hạn chế nguy cơ gian lận như lắp camera, duy trì lịch bảo vệ 24 giờ/ngày tại khu vực bảo quản đề thi, bài thi; khi mở niêm phong tủ đựng đề thi, bài thi đều phải có sự chứng kiến của công an và phải lập biên bản, có chữ ký của trưởng điểm thi; thành lập tổ giám sát để giám sát toàn bộ quy trình chấm bài thi trắc nghiệm...

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thông tin: Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, các trường đại học sẽ nhận nhiệm vụ chủ trì tổ chức chấm toàn bộ các bài thi trắc nghiệm, thay vì giao cho các sở giáo dục và đào tạo như năm trước. Bộ sẽ tổ chức thanh tra trực tiếp tất cả các nhiệm vụ của ban chấm thi trắc nghiệm và xử lý theo đúng quy định các trường hợp sai phạm nhằm đem lại kết quả thi chính xác, thực chất, làm căn cứ để các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019: Thêm thuận lợi, tăng giám sát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.