(HNM) - Là trung tâm đầu não của huyện Ba Vì nhưng thị trấn Tây Đằng có tới 22% hộ nghèo và là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện. Đây có lẽ là một trong rất ít thị trấn nghèo của Thủ đô.
Đất cằn sỏi đá
Nằm ở trung tâm huyện nhưng đường quốc lộ chạy qua thị trấn chỉ vài trăm mét nên Tây Đằng chỉ có một thôn có thể phát triển dịch vụ, còn 13 thôn khác đều thuần nông nên nơi đây có tới gần 80% người dân sống phụ thuộc vào nông nghiệp. Tuy nhiên, 7/14 thôn của thị trấn nằm ở vùng đồi gò, đất cằn sỏi đá, chỉ có thể phát triển chăn nuôi nên bao nhiêu năm qua, thị trấn Tây Đằng vẫn chưa thoát khỏi khó khăn.
Đến thôn Cầu Bã, thôn xa nhất của thị trấn Tây Đằng - nơi 100% là đất đồi sỏi đá với 60% hộ nghèo, 20% hộ cận nghèo, chúng tôi thấy những ngôi nhà nhỏ, thấp nằm chỏng chơ ven những quả đồi thưa thớt, trông thật ảm đạm. Ở thôn Lao Nhang, tỷ lệ hộ nghèo cũng trên 30%, vẫn những ngôi nhà đơn sơ như vậy dù chăn nuôi ở đây phát triển khá mạnh. Dân có thoát nghèo được hay không nếu chỉ trông chờ vào phát triển chăn nuôi cũng rất bấp bênh. Ông Phùng Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn buồn rầu cho biết, cách đây một tháng, người chăn nuôi gà ở Tây Đằng bị một phen méo mặt bởi giá gà ta đang từ mức 100.000-120.000 đồng/kg rớt xuống còn 70.000-75.000 đồng/kg. Nhiều hộ nuôi được vài chục con gà, đến dịp xuất chuồng, gặp lúc ế ẩm phải mang ra chợ tạm ven đường 32 để bán, trừ mọi chi phí may ra hòa vốn, còn công xá mấy tháng trời chăn nuôi cám bã kể như bằng không.
Ông Dũng nhận định: Tệ nạn xã hội, bệnh tật, tai nạn, rủi ro cũng bởi nghèo mà ra. Tuy mỗi năm tốc độ phát triển của xã đạt trên 10%, đời sống có khá hơn trước nhưng thị trấn thuần nông "người khôn của khó", đất đai ít nên bao nhiêu năm nay, thị trấn này vẫn là đất nghèo của huyện. Thực tế, ranh giới giữa nghèo và cận nghèo ở đây rất mong manh, có khi đầu năm cả nhà mạnh khỏe thì rơi vào hộ cận nghèo, đến giữa năm có đứa con nhỏ ốm đau phải đi viện, lợn gà rồi tiền nong tích cóp được "đội nón" ra đi, vậy là lại rơi vào diện nghèo. Ở Tây Đằng, việc bổ sung hộ nghèo đột xuất trong năm không phải là hiếm.
Gian nan thoát nghèo
Chuyển biến lớn nhất ở thị trấn Tây Đằng là giờ đây không còn hộ đói nhưng đời sống người dân vẫn hết sức khó khăn. Trong những năm qua, nhiều người nghèo đã được vay vốn để phát triển chăn nuôi nhưng do đồng vốn hạn chế, mức đầu tư cao, chưa kể dịch bệnh rồi thị trường bấp bênh nên đời sống của người nghèo vẫn hết sức chật vật. Là nơi đời sống người dân chủ yếu dựa vào chăn nuôi, mỗi năm thị trấn bỏ kinh phí mua mấy chục tấn vôi bột để tiêu độc, khử trùng nhưng môi trường vẫn ô nhiễm nặng, ngột ngạt do chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ quá cao - bà Nguyễn Thị Liên, Chi hội phụ nữ thôn Cầu Bã cho biết.
Chị Phùng Thị Nga, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn nhận định, cùng chăn nuôi nhưng giữa những hộ nghèo và không nghèo có sự phân biệt rõ rệt. Nuôi 50 con gà ta cũng phải mất một công chăm sóc mà nuôi tới 500 con cũng chỉ có một người, chưa kể các chi phí khác cũng tăng hơn từ thức ăn, con giống… do mua ít giá cao hơn mua nhiều. Vậy là hộ nghèo chỉ thu nhập được 10.000 đồng/ngày từ chăn nuôi trong khi những hộ nuôi lớn có thu nhập 200.000 đến 300.000 đồng/ngày. Hộ nuôi ít, chỉ cần vài con gà còi cọc, vài con bị bệnh chết, gặp thị trường rớt giá thì thu hồi đủ vốn là may. Người dân chỉ trông chờ vào nông nghiệp, nhưng chính quyền xã đã vận động người dân dồn điền đổi thửa nhưng hết sức khó khăn. Trên địa bàn xã đã được quy hoạch 51ha RAT thay cho rau màu kém hiệu quả, tuy nhiên, việc triển khai dự án hết sức ì ạch.
Đã nghèo nhưng người dân nơi đây vẫn không thoát ra khỏi những hủ tục ma chay, cưới hỏi. Phó Chủ tịch thị trấn kiêm Trưởng ban Trợ giúp người nghèo Phùng Văn Dũng phân trần: Cuối năm đủ các loại đám hiếu, đám hỷ, đám cải táng… ai cũng sợ nhưng không thể tránh được. Ông Dũng nhẩm tính, người nông dân trồng cả sào bắp cải, bao công chăm sóc mấy tháng trời, trừ chi phí chỉ được khoảng 700.000-1.000.000 đồng, chỉ đủ đi đình đám một tuần bởi có ngày có tới 3-4 đám. Để thị trấn không còn là thị trấn nghèo thì cả chính quyền và người dân đều phải năng động, đổi mới cách nghĩ, cách làm, cách tổ chức sản xuất để khai thác lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.