(HNM) - Chỉ còn 3 ngày nữa là hơn 76 nghìn thí sinh (TS) của Hà Nội bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014.
Với nhiều điểm mới so với các năm trước, tại hội nghị hướng dẫn công tác coi thi của ngành diễn ra vào ngày 28-5, Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ yêu cầu 149 chủ tịch hội đồng coi thi (HĐCT) trên địa bàn Hà Nội tuyệt đối không để xảy ra sai sót trong quá trình tổ chức thi, tăng cường giám sát kỷ luật phòng thi.
Ảnh minh họa: NLĐO |
Sẵn sàng trước giờ "G"
Báo cáo tổng hợp kết quả công tác của 20 đoàn kiểm tra do Sở GD-ĐT thực hiện tại 149 HĐCT trên địa bàn thành phố cho thấy, về cơ bản, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện tổ chức thi của 100% HĐCT đã hoàn thành. Nhằm chủ động kiểm soát tình hình, tránh xảy ra sự cố đáng tiếc như tại HĐCT Trường THPT Quang Trung (Hà Đông) ở kỳ thi năm trước, trưởng các đoàn kiểm tra phải chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối đối với mọi phần việc diễn ra tại các HĐCT được phân công, chủ động xử lý các tình huống phát sinh khi cần thiết và liên đới chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sự cố. Cùng với yêu cầu tăng cường trách nhiệm cá nhân của từng chủ tịch HĐCT, từng phần việc tại mỗi HĐCT đã được rà soát kỹ lưỡng.
Quá trình kiểm tra điều kiện tổ chức thi cho phép nhận diện 4 loại trường thi phải được đặc biệt quan tâm trong quá trình tổ chức thi nhằm tránh xảy ra tiêu cực, gồm: Trường thi có hộ dân trong khuôn viên trường; trường thi có phòng thi nằm sát nhà dân; trường thi có tường rào tạm và trường thi có cơ sở vật chất xuống cấp. Tùy theo từng loại, các đoàn kiểm tra đã yêu cầu chủ tịch HĐCT chủ động phương án xử lý phù hợp để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho kỳ thi. Trong điều kiện thời tiết hiện nay, việc bảo đảm ánh sáng và quạt mát cho TS cũng là việc được lưu ý. Song, để tránh tình trạng quạt trần rơi hoặc mất điện trong lúc thi như đã từng xảy ra, toàn bộ hệ thống điện của hơn 3 nghìn phòng thi trên địa bàn Hà Nội đều được kiểm tra và nâng cấp.
|
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, việc tổ chức thi mang tính thường niên, song, nếu chủ quan thì có thể phát sinh tình tiết mới, vì vậy, mọi thành viên tham gia đều phải nghiêm túc chấp hành quy chế, chủ động kiểm soát tình hình. Điểm mới của kỳ thi năm nay là TS được chọn môn thi, bởi vậy, dù mỗi TS chỉ phải thi 4 môn song HĐCT phải tổ chức 8 môn thi, trong đó có những buổi thi chia làm 2 ca, các HĐCT phải xây dựng phương án tổ chức phân luồng, ổn định HS trong thời gian giao thoa giữa hai ca. Phương án được thống nhất trên toàn thành phố là khi có hiệu lệnh trống thu bài của ca 1 thì HS ca 2 được vào trường thi, nhưng phải bố trí ở khu vực riêng. Các trường tiểu học, THCS lân cận có trách nhiệm mở cửa đón phụ huynh nghỉ ngơi trong thời gian chờ con em làm bài.
Công tâm, trách nhiệm, thạo việc
Thực tế những năm qua cho thấy, ngay cả những giám thị (GT) đã "thuộc bài" vẫn có thể lúng túng, dẫn đến những nhầm lẫn, sai sót đáng tiếc khi gặp phải tình huống phát sinh. Thậm chí, có trường hợp TS bị đau bụng xin ra ngoài, có GT phòng thi còn tận tình dẫn TS đến tận phòng y tế hoặc ra khu vệ sinh, trong khi lẽ ra phải bàn giao việc này cho giám thị hành lang. Bởi thế, với một kỳ thi có khá nhiều điểm mới so với mọi năm, yêu cầu đối với đội ngũ GT coi thi tại Hà Nội năm nay không chỉ là công tâm, trách nhiệm mà còn phải thạo việc. Việc điều động cán bộ, giáo viên làm GT coi thi năm nay được đặc biệt lưu tâm. Trong số hơn 8 nghìn GT của toàn thành phố, gần 90% là giáo viên THPT, số còn lại là giáo viên THCS đã được tuyển lựa kỹ về mọi mặt. Việc phân công coi thi do chủ tịch HĐCT quyết định và bảo đảm nguyên tắc: 2 GT trong một phòng thi phải là giáo viên dạy khác trường, trong đó có ít nhất 1 GT là giáo viên THPT; GT không coi thi quá 1 môn đối với mỗi phòng thi; 2 GT không cùng coi thi quá 1 lần. Việc phân công GT được giữ bí mật.
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ nhận định: Kỳ thi năm nay có nhiều điểm mới, thuận lợi đối với TS, nhưng điều đó có thể dẫn đến tâm lý chủ quan. Thực tế việc kiểm tra hồ sơ cho thấy, điểm trung bình cả năm lớp 12 của nhiều TS đã đạt 7-8 điểm, như vậy, TS chỉ cần thêm 2-3 điểm thi là đã đỗ tốt nghiệp. Điều này dễ khiến TS bước vào thi với tâm lý chủ quan, thiếu nghiêm túc khi làm bài. Vì vậy, từng thành viên trong HĐCT phải nghiêm túc chấp hành quy chế thi, không thể lơ là nhiệm vụ. Theo quy định, chủ tịch HĐCT là người chịu trách nhiệm cao nhất và cuối cùng tại từng HĐCT, có trách nhiệm phân công rõ trách nhiệm cho từng thành viên trong HĐCT. Những trường hợp thiếu trách nhiệm hoặc cố tình dung túng cho TS vi phạm quy chế thi, nếu bị phát hiện thì các thành viên tại HĐCT đều bị xử lý kỷ luật theo mức độ vi phạm. Đây là những quy định bắt buộc của ngành giáo dục Thủ đô, sẽ được áp dụng thống nhất, nghiêm túc trên toàn thành phố nhằm siết chặt kỷ luật phòng thi, tạo nền nếp trong việc coi thi - khâu vốn bị coi là yếu nhất từ trước tới nay.
Không để xảy ra tiêu cực trong quá trình tổ chức thi (HNM) - Ngày 27-5, công đoàn ngành giáo dục Hà Nội có văn bản gửi công đoàn các trường THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên, nhắc nhở về việc thực hiện các kỳ thi năm 2014 trên địa bàn. Để bảo đảm cho kỳ thi tốt nghiệp THPT (từ ngày 2-6) và thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT (ngày 23-6) diễn ra an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế, công đoàn cơ sở có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động những cán bộ, giáo viên, nhân viên được điều động làm nhiệm vụ ở các hội đồng in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc quy chế thi và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về công tác thi; không để xảy ra các hiện tượng tiêu cực hoặc sai sót trong quá trình tổ chức các kỳ thi. Công đoàn chủ động phối hợp cùng lực lượng chuyên môn theo chức năng, trách nhiệm và thẩm quyền được giao, tích cực phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực; có hình thức biểu dương, khen thưởng những thành viên có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ tại các kỳ thi, tuyển sinh. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.