(HNM) - Sau kết quả
Các thí sinh sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011.Ảnh: Hoàng Thùy |
Bà Huỳnh Trúc Đào (77 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa): Để các địa phương tự tổ chức thi
Kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên nhằm thực hiện cuộc vận động "Nói không với tiêu cực" được tổ chức vào năm 2007 (nhiều tỉnh, thành phố có tỷ lệ tốt nghiệp dưới 50%) là đáng buồn, nhưng nó phản ánh đúng chất lượng giáo dục, qua đó có cái nhìn đúng đắn để sửa chữa, điều chỉnh. Còn những con số tròn trĩnh trong kỳ tốt nghiệp THPT năm 2011 khiến dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng kỳ thi quốc gia không những không giải quyết được nạn chạy theo thành tích của địa phương, mà lại kéo thêm nơi này nơi kia vào cuộc chạy đua này? Nếu vậy thì không cần phải tổ chức kỳ thi quốc gia làm gì cho tốn kém. Hãy để các địa phương tự tổ chức, tự cạnh tranh nhau.
Ông Trần Minh Hải (Giảng viên Trường Đại học Mở Hà Nội): Nên để các trường đại học, cao đẳng tự đánh giá học lực của học sinh
Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, tôi thấy dư luận bàn nhiều đến việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT để Bộ GD-ĐT rảnh tay dồn sức cho kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. Theo tôi cần phải làm việc ngược lại. Bộ vẫn phải quản lý và có đánh giá chung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT để tạo mặt bằng kiến thức chung. Đã gọi là cấp học "phổ thông" tức là mang tính phổ cập, không thể cục bộ địa phương, cả về nội dung kiến thức lẫn cách thức đánh giá. Tuy nhiên, đòi hỏi đối với học sinh ở cấp học này chỉ ở mức độ phổ biến kiến thức, nên để có thể đánh giá một học sinh đã có đủ kiến thức của bậc THPT hay chưa, chỉ cần một kỳ thi nhẹ nhàng, bài thi đủ để đánh giá được học sinh có đủ khả năng tư duy, kiến thức để tiếp thu kiến thức mới ở cấp độ học nghề, cao đẳng hay đại học. Nếu phân cấp về địa phương, dễ có tình trạng học sinh tốt nghiệp ở địa phương này, nhưng không đủ kiến thức để tham gia kỳ thi tuyển sinh ở trường đại học, cao đẳng tại địa phương khác… Khi học sinh đã đủ kiến thức "phổ thông", Bộ GD-ĐT nên để cho các trường tự tuyển sinh theo yêu cầu của mình.
Bà Nguyễn Kim Chung (Giáo viên THPT quận Tây Hồ): Cải tổ từ gốc rễ
Tại các kỳ thi, kể cả kỳ thi quốc gia, việc trông thi, không để học sinh chép bài của nhau, không để xảy ra hiện tượng giám thị nhắc bài cho thí sinh… có vai trò rất quan trọng, góp phần quyết định chất lượng bài thi một cách thực chất. Nếu vì thành tích chung của toàn cụm, toàn khu vực, mà nhiều trường ở Đồng bằng sông Cửu Long cùng hiệp sức để "cải cách" đáp án chấm thi thì làm sao tránh được hiện tượng thỏa thuận ngầm coi thi lỏng lẻo, "thoáng" hơn nhằm có kết quả thi tốt? Bởi vậy, một kỳ thi tốt nghiệp THPT cấp quốc gia không thể giải quyết được vấn đề tiêu cực trong giáo dục, mà phải cải tổ từ gốc rễ: chất lượng và đạo đức nhà giáo, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo. Khi thầy nghiêm, trường tốt, không lo gì học trò không giỏi, không ngoan.
Ông Vũ Tiệm (phường Ngọc Hà, quận Ba Đình): Các trường tự nâng cao chất lượng...
Trong những năm qua, nhiều trường đại học đã tự nâng cao chất lượng và hình ảnh của mình bằng cách đào tạo và cho tốt nghiệp những cử nhân, kỹ sư có chất lượng. Trên thực tế đã có nhiều sinh viên hoặc cán bộ cảm thấy tự tin và tự hào khi nói mình trúng tuyển hoặc tốt nghiệp tại trường A, B, C hơn là ở trường X, Y, Z. Cán bộ tuyển dụng của nhiều cơ quan, doanh nghiệp, nhất là ở những thị trường lao động có sức cạnh tranh lớn, mức lương cao như doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài, ngân hàng - tài chính… ưu tiên chọn nhân sự có bằng tốt nghiệp từ trường A, B, C hơn. Vậy thì hãy để các trường THPT tự nâng cao chất lượng bằng quy luật ấy. Trường tốt, trường giỏi sẽ có nhiều học sinh đăng ký dự thi. Nhiều năm nay, việc học sinh THCS chọn trường, cân nhắc sức học của mình để thi tuyển vào trường THPT cũng cho thấy phần nào quy luật này. Khi tất cả đã tuân theo quy luật tất yếu, thì Bộ GD-ĐT không cần phải tổ chức kỳ thi quốc gia nào để chống tiêu cực, mà chỉ cần quản lý chương trình học và chuẩn mực kiến thức thống nhất mà thôi. Các trường sẽ tự đào thải mọi hiện tượng tiêu cực, bởi nếu có tiêu cực thì sẽ bị xã hội tẩy chay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.