Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thi thử đại học ở Hà Nội: Tránh trung tâm kém chất lượng

Quang Huy| 26/04/2011 09:47

Theo các chuyên gia giáo dục và giáo viên một số trường THPT, hoạt động thi thử ĐH nếu nghiêm túc sẽ rất bổ ích cho học sinh.


Các em có thêm kinh nghiệm, kỹ năng làm bài trước kỳ thi thật. Tuy nhiên, học sinh (HS) cần tránh tâm lý hoang mang, lo lắng, tự tạo áp lực cho mình, đặc biệt không nên dự thi ở những trung tâm luyện thi kém chất lượng.

Theo các chuyên gia giáo dục, học sinh nên thi thử ở các trường có uy tín, tránh những trung tâm “rởm”. Ảnh: C.H


Cuộc thi bổ ích nếu tổ chức tốt


Hiện nay, hoạt động thi thử ĐH theo nhiều hình thức, đối với các trường THPT có điều kiện tổ chức thì đây là dịp để HS rèn luyện, nâng cao kỹ năng và được phần lớn HS ủng hộ. Còn đối với các trung tâm, hoạt động thi thử ĐH lại là hình thức kinh doanh mang lại lợi nhuận không nhỏ.

Từ nhiều năm nay, Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) đã tổ chức các đợt thi thử ĐH cho HS của trường và đạt được những kết quả như mong muốn của Ban giám hiệu. PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Tôi được biết, không phải trường nào cũng tổ chức thi thử ĐH, mà chỉ có ở những trường “điểm” hay trường chuyên. Đối với cấp trường, mục tiêu rất rõ ràng, ôn tập, luyện tập cho HS. Giống như một cuộc thi “tiền ĐH”, HS có thể thấy được thứ tự của mình trong bảng xếp hạng của trường...

Thi thử cũng rất quan trọng bởi nếu HS mà chưa có sự chuẩn bị tốt, sẽ bị “sốc” khi bước vào kỳ thi thật rất nghiêm túc của phòng thi, độ khó của đề thi...”.

PGS Văn Như Cương cho biết thêm: “Là thi thử nhưng mang lại tâm lý tốt bởi HS đã làm quen với không khí phòng thi, nội dung bài làm, giúp các em phân phối thời gian để làm bài, kỹ năng làm bài. Cụ thể, trong lúc thi và sau khi thi HS có thể rút ra kinh nghiệm biết được câu nào làm trước, câu nào làm sau, làm không được thì làm sang câu khác tránh mất thời gian. Khi thi xong, bao giờ thầy cô phân tích đề thi, nguyên nhân vì sao bài làm chưa được điểm, làm sai... với những em sức học còn yếu, nhà trường phối hợp với phụ huynh lên kế hoạch ôn tập, bồi dưỡng kiến thức cho các em. Giúp các em củng cố ôn thêm lý thuyết hoặc tăng cường làm bài tập... Có như vậy, kỳ thi thử mới có tác dụng”.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Hà Nội (Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng): “Hoạt động thi thử ĐH trở nên khá phổ biến từ nhiều năm nay, xuất phát từ chính việc phục vụ nhu cầu chính đáng của HS và gia đình. Đối với các trường hay trung tâm, đây là việc làm hết sức bình thường và tổ chức vào những dịp nhất định. HS đã tham gia thi thử, cần xác định mục đích của mình qua các đợt thi đó như: tự rút kinh nghiệm cho bản thân, tích cực ôn tập, tự học... Đặc biệt, phải thực sự nghiêm túc dù đây chỉ là thi thử”.

Giảm áp lực, tránh trung tâm “rởm”

Bên cạnh những tích cực mà thi thử ĐH mang lại thì nó vẫn ẩn chứa rất nhiều những điều tiêu cực, làm ảnh hưởng tới HS. Tình trạng thi thử hiện nay diễn ra một cách tràn lan, từ các trường ĐH, THPT đến các trung tâm... HS chỉ cần đóng tiền là thi được. Tổ chức tràn lan như vậy nên không phải ở đâu chất lượng đề thi cũng đảm bảo tiêu chuẩn, tính nghiêm túc trong kỳ thi, việc chấm thi không phải lúc nào cũng thực hiện đúng, nghiêm túc, gây hoang mang cho HS.

TS Nguyễn Tùng Lâm đưa lời khuyên: “Khi thi thử, HS cần phải ôn tập tốt, tránh hiện tượng chưa học, chưa ôn tập đã đòi thi thử. Việc lựa chọn các trung tâm cũng rất quan trọng, bởi việc tổ chức thi thử ĐH không hề đơn giản, nhiều trung tâm chuyên lấy đề năm cũ xào xáo, không mang lại hiệu quả. Vì thế HS cần tìm hiểu kỹ trước khi đăng ký dự thi ở trung tâm nào đó, tránh các trung tâm kém chất lượng. Khi làm đề thi, không phải lúc nào cũng thuộc mảng mình đã ôn tập, nên nếu không làm được bài các em đừng hoang mang lo lắng. Hãy bình tĩnh rút kinh nghiệm, hướng trọng tâm đến những phần mình còn yếu, còn thiếu, bởi kỳ thi thật vẫn ở phía trước”.

Còn PGS Văn Như Cương cho rằng: “Một số HS đang chịu nhiều áp lực cho mình. Giai đoạn này, các em cần tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, bởi các môn thi tốt nghiệp cũng là môn thi ĐH của nhiều em. Hơn nữa, thực tế của kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ giúp ích cho HS rất nhiều để các em thi tốt trong kỳ thi ĐH kế tiếp”.

Về vấn đề thi thử ĐH, theo PGS.TS Nguyễn Văn Nhã, Trưởng ban Đào tạo (ĐH Quốc gia Hà Nội): “Việc một số HS lớp 12 đi thi thử ĐH là mong muốn làm quen với không khí thi, rèn luyện kỹ năng tập dượt cho khi thi thật đỡ bị “choáng”. Các em chỉ nên thi thử ở trường là đủ, đặc biệt không nên thi quá nhiều lần. Nếu xác định thi thử để kiểm tra sức học của mình một cách trung thực thì tốt. Kết quả khá, sẽ an tâm tự tin. Kết quả chưa tốt thì có kế hoạch học và ôn luyện cho hiệu quả, không chủ quan và phí phạm thời gian. Thời điểm này, HS đã nộp hồ sơ ĐKDT rồi, cần nhất là các em thật bình tĩnh và luôn cố gắng, tự đánh giá sức học của bản thân mình cho phù hợp với khối thi, ngành thi, trường đăng ký dự tuyển”.


“ Hiện nay, thi thử ĐH là hình thức ôn luyện được rất nhiều trường áp dụng. Khi tổ chức, nhà trường cần có sự sự đồng thuận của HS và phụ huynh. Thi thử cũng có nhiều lợi ích như: giúp HS rèn luyện tâm lý, giúp giáo viên biết kiến thức HS tới đâu để có hướng ôn tập phù hợp... Tuy nhiên, các trường không nên tổ chức thi thử quá nhiều vì sẽ gây áp lực cho HS, tốn kém thời gian, công sức và tiền bạc ”.

TS Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT)
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thi thử đại học ở Hà Nội: Tránh trung tâm kém chất lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.