Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thi hành Luật Trợ giúp pháp lý: Chính sách nhân văn chậm vào cuộc sống

Hà Phong| 22/06/2019 07:08

(HNM) - Sau hơn một năm triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý 2017 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018), diện người được trợ giúp pháp lý được mở rộng. Tuy nhiên, tại Hà Nội và không ít địa phương khác, số người hưởng chính sách nhân văn này vẫn còn khiêm tốn, chậm đi vào cuộc sống...

Đối tượng nhiều, sử dụng dịch vụ ít

Ngày 20-6-2017, Luật Trợ giúp pháp lý được Quốc hội thông qua với hơn 93% đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tán thành và có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, nội dung luật thể hiện tính nhân văn của Nhà nước, mở rộng diện người được trợ giúp pháp lý từ 6 lên đến 14 đối tượng.

Thế nhưng, qua thực tế kiểm tra của Bộ Tư pháp tại một số địa phương cho thấy, số vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng còn ít so với tổng số án thụ lý trên địa bàn. Trong khi đó, tại Thái Bình, đối tượng nhận trợ giúp được cơ quan tư pháp giới thiệu cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý Thái Bình còn chưa kịp thời.

Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội tư vấn pháp luật cho người dân phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng.


Đáng lưu ý là tại Hà Nội, theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trong số hơn 3 triệu người thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý thì có hơn 1,8 triệu trẻ em, hơn 764 nghìn người có công, hơn 94 nghìn người nghèo.

Ngoài ra còn có hàng nghìn người cao tuổi, người khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng… cũng trong diện hỗ trợ của luật. Thế nhưng, so với diện điều chỉnh của luật thì số trường hợp thụ hưởng chính sách trợ giúp pháp lý còn hạn chế.

Theo các cơ quan tư pháp thành phố Hà Nội, năm 2018, các vụ việc được trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực dân sự là 55 vụ và trong lĩnh vực hành chính là 8 vụ. Dưới góc độ người được thụ hưởng, bà Nguyễn Thị Mơ (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) cho rằng, nhiều người có cảm giác chưa thực sự tin tưởng bởi đây là dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí.

Trong khi đó, ông Bùi Kính Khôi (phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa) cho rằng, mới nghe nhắc đến Luật Trợ giúp pháp lý chứ chưa rõ đối tượng được trợ giúp là những ai...

Cần đẩy mạnh tuyên truyền ở cơ sở

Đánh giá nguyên nhân quan trọng khiến người dân chưa biết, thiếu tin tưởng vào trợ giúp pháp lý miễn phí, Chánh án Tòa án Lao động - Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội Lê Chí Cường nhận định, đó là do công tác tuyên truyền chưa tốt. Thực tế, trợ giúp pháp lý là dịch vụ công, chỉ miễn phí cho đối tượng được Nhà nước hỗ trợ, chứ không miễn phí cho dịch vụ. Nhà nước phải thành lập tổ chức bộ máy trợ giúp pháp lý từ trung ương đến địa phương để thực hiện và trả chi phí cho hệ thống này hoạt động.

Song, vì chưa hiểu, nên dù khi tiến hành tố tụng, cán bộ, công chức tòa án phát hiện, nhận diện đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý và có hướng dẫn, nhưng không ít đương sự từ chối...

Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho rằng, sở dĩ có tình trạng trên là do nhận thức của người dân về trợ giúp pháp lý chưa đầy đủ; giấy tờ để chứng minh thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý còn nhiều cách hiểu, tốn chi phí nên khá đông trường hợp thuộc đối tượng hưởng đã từ chối. Trong khi đó, công tác phối hợp giữa các cơ quan tố tụng và giữa Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp với cơ quan tố tụng chưa đạt hiệu quả cao.

“Do vậy, giải pháp quan trọng trong thời gian tới là cần thường xuyên và đổi mới các hình thức tuyên truyền về trợ giúp pháp lý nhà nước để người dân hiểu đúng, hiểu đầy đủ và được hưởng các lợi ích từ quyền này” - ông Nguyễn Hữu Chính nhấn mạnh.

Ở góc nhìn khác, luật sư Nguyễn Hồng Hải (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, để thu hút người dân, đặc biệt là người già, người nghèo đến với dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí, bên cạnh tuyên truyền, cần nâng cao chất lượng dịch vụ.

Thực tế, trong nhiều vụ án hôn nhân gia đình, dân sự, lý do người dân chịu bỏ tiền túi thuê luật sư, dù chi phí không hề rẻ còn là do trình độ năng lực của đội ngũ trợ giúp viên chưa đáp ứng yêu cầu. Luật Trợ giúp pháp lý 2017 đặt ra yêu cầu "Trợ giúp viên pháp lý không thực hiện vụ việc tham gia tố tụng trong thời gian 2 năm liên tục sẽ bị miễn nhiệm".

Căn cứ quy định này, hằng năm Bộ Tư pháp cần giao chỉ tiêu tham gia tố tụng cho trợ giúp viên pháp lý với 3 mức độ trên cơ sở ý kiến khách hàng, thâm niên càng nhiều năm thì chỉ tiêu càng cao.

"Đạt chỉ tiêu là căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài ra, tương tự như luật sư, trợ giúp viên pháp lý hằng năm phải có nghĩa vụ tham gia các khóa tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ trợ giúp pháp lý" - ông Nguyễn Hồng Hải hiến kế.

14 đối tượng được trợ giúp pháp lý nhà nước, gồm: Người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; trẻ em; người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo.

Ngoài ra, những người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính, gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; người nhiễm chất độc da cam; người cao tuổi; người khuyết tật; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; người nhiễm HIV.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thi hành Luật Trợ giúp pháp lý: Chính sách nhân văn chậm vào cuộc sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.