Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thi hành án dân sự: “Tồn” bất cập = “đọng” án

Hà Phong| 10/08/2010 07:17

(HNM) - Yêu cầu doanh nghiệp thi hành bản án dân sự theo quyết định của Tòa án (TA) thì doanh nghiệp chây ỳ với lý do không có tiền. Khi cán bộ thi hành án (THA) tìm ra tài khoản của doanh nghiệp phải THA và yêu cầu phong tỏa, nhưng chỉ vài giờ sau, tiền trong tài khoản đã bị tẩu tán, do đó không THA được.

Cán bộ Cục Thi hành án dân sự TP phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức thi hành một bản án dân sự. Ảnh: Văn Dũng


Đương sự và cơ quan thi hành án đều… bí
Theo Tổng cục THA dân sự, về nguyên tắc, án có hiệu lực phải được thi hành ngay. Tuy nhiên, THA dân sự là công tác phức tạp, không thể thành công nếu thiếu sự đồng thuận, hợp tác của chính quyền cơ sở. Hiện nay, trong số 298.622 án tồn đọng có 1.513 việc án tuyên không rõ ràng, 12.068 việc chưa thống nhất ý kiến giữa các ngành trong khâu giải quyết. 785 việc có kháng nghị tạm đình chỉ THA của TAND và VKSND để xem xét lại khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi. Đặc biệt, không ít bản án không thi hành được do chính lỗi không chịu cải cách hành chính của TA. Đơn cử, tại Hà Nội, thời gian qua các cơ quan THA dân sự Hà Nội đã gửi 36 văn bản cho TA các cấp, đề nghị giải thích, đính chính bản án và kiến nghị trả lời khiếu nại của đương sự. Tuy nhiên, cơ quan THA dân sự chỉ nhận được 10 văn bản hồi âm, số còn lại bặt vô âm tín. Trong đó có đến 11 vụ việc TANDTC, VKSNDTC có yêu cầu hoãn THA để giải quyết khiếu nại của đương sự nhưng hết thời hạn hoãn không có văn bản trả lời gây bức xúc cho đương sự, đẩy cơ quan THA dân sự vào thế "bí", không có hướng giải quyết. Bởi nếu đôn đốc thi hành tiếp thì chính quyền địa phương cũng như người phải THA không đồng tình vì cho rằng chưa có văn bản trả lời của cấp trên như vụ thi hành án tại nhà 63 Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng, gây bức xúc dư luận. Mà nếu không đôn đốc, thì người được THA lại khiếu nại, cho rằng cơ quan THA "cố tình" kéo dài vụ việc...

Đại diện VKSND TP Hà Nội còn cho biết, quá trình kiểm sát đã phát hiện 485 bản án TA chuyển THA quá thời hạn. Cũng theo đại diện VKSND TP, giải thích bản án của TA không kịp thời là "chuyện muôn thủa". Luật định thời gian để giải thích bản án là 15 ngày, đối với những vụ án phức tạp có thể kéo dài đến 30 ngày, nhưng nhiều trường hợp hết 3 tháng cũng không có giải thích. Chưa kể, tình trạng mỗi lần giải thích một kiểu và "ghi chú" là "để cơ quan THA tham khảo" khiến không chỉ cơ quan THA mà cả kiểm sát viên THA đều không biết xử thế nào cho hợp lý.

Hàng loạt nguyên nhân nữa khiến Hà Nội còn đến 13.478 án tồn đọng, trong đó có 7.640 vụ chưa có điều kiện thi hành. Đó là hầu hết các bản án hình sự về ma túy phải thi hành khoản tiền phạt rất lớn nhưng đương sự hoặc đang ngồi tù, hoặc nghiện ma túy, đã mãn hạn tù nhưng không có việc làm... nên không có thu nhập. Trong khi đó, để được xét miễn giảm thì đương sự phải nộp một phần khoản phải THA nhưng cơ quan THA dân sự đã vận động gia đình, người thân nộp thay không có kết quả.

Khi doanh nghiệp… chống án
Tại thành phố Đà Nẵng, việc THA cũng gặp nhiều khó khăn vì giá trị THA không tương xứng với tài sản đương sự đang sở hữu. Chẳng hạn, giá trị THA là 10 triệu đồng nhưng đương sự không có tài sản có giá trị tương đương mà có tài sản khác lớn hơn rất nhiều lần như ngôi nhà đang ở có giá trị hàng trăm triệu đồng. Có trường hợp, ngay từ khi TA bắt đầu thụ lý án dân sự để xét xử thì nhiều doanh nghiệp đoán chắc sẽ thua và phải THA thì họ đã hành động trước. Trong thời gian xét xử, họ chuyển tài sản sang đứng tên người khác. Tòa xử xong cũng là lúc tài sản được tẩu tán hết, lúc đó doanh nghiệp được xem như không có điều kiện để THA. Nhiều doanh nghiệp không còn tài sản để THA nhưng vẫn hoạt động bình thường. Khi phát hiện doanh nghiệp mở tài khoản tại ngân hàng, chấp hành viên của cơ quan THA đến xác minh để phong tỏa thì ngân hàng hẹn làm việc sau vài giờ. Trong thời gian này, doanh nghiệp được "đánh động" đã rút hết tiền. Khi xác minh chỉ còn tài khoản trống không, cơ quan THA đành chịu thua. Từ những khó khăn nói trên dẫn đến án dân sự tồn đọng tăng về số lượng và kéo dài thời gian. Đây cũng là chuyện khó giải quyết của nhiều cơ quan THA các tỉnh Hà Nam, Bắc Giang, Yên Bái.

Hiện, biện pháp được nhiều địa phương thực hiện là liên tục tiến hành các đợt tổng rà soát, phân loại án tồn đọng; định kỳ tiến hành xác minh để vụ việc nào có điều kiện thì khẩn trương đưa ra thi hành theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, theo Luật sư Nguyễn Công Hùng - Đoàn Luật sư Hà Nội, về lâu dài cơ quan chức năng phải lấp những lỗ hổng trong các văn bản pháp luật liên quan đến THA. Đến thời điểm này, pháp luật về THA không có quy định bao lâu phải thi hành xong một bản án nên việc THA thường kéo dài và phụ thuộc nhiều vào thái độ, ý thức chấp hành pháp luật của đương sự; trình độ, năng lực, tinh thần trách nhiệm của chấp hành viên và nhiều cơ quan liên quan khác.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thi hành án dân sự: “Tồn” bất cập = “đọng” án

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.