(HNM) - Tính từ tháng 10-2013 đến tháng 4-2014, số việc phải hoãn thi hành án dân sự lên tới 100.152 việc, tương ứng với số tiền gần 6.000 tỷ đồng.
Trước tình trạng này, Bộ Tư pháp đề xuất hàng loạt biện pháp mới như: Mở rộng điều kiện, mức miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án (THA) đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước; phạt chậm nghĩa vụ THA về tiền… nhằm giảm lượng án tồn đọng.
Việc thi hành án dân sự còn gặp nhiều khó khăn và bất cập. |
6 tháng (từ tháng 10-2013 đến tháng 4-2014), ngành THADS thụ lý hơn 513.000 việc và gần 73,6 nghìn tỷ đồng. Trong số việc và số tiền có điều kiện xử lý, đã giải quyết xong 204.640 việc và gần 13,5 nghìn tỷ đồng. Song, số việc phải hoãn THA chiếm số lượng lớn (100.152 việc, tương ứng với số tiền gần 6.000 tỷ đồng). Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp) Hoàng Sỹ Thành nhận định, kết quả THA xong về việc và về tiền tuy cao hơn so với cùng kỳ năm 2013 nhưng chưa có đột phá, chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều địa phương có lượng việc và tiền phải THA lớn nhưng kết quả đạt thấp, nhất là về tiền như: Bình Dương, Hà Nội, Khánh Hòa, Thanh Hóa… Đặc biệt, nhìn tổng thể số tiền và việc cần phải THA chuyển kỳ sau quá lớn.
Tổng Cục trưởng Hoàng Sỹ Thành cho rằng, nguyên nhân là do Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành, các quy định của pháp luật có liên quan, đặc biệt về chuyển nhượng đất đai, tài sản, công chứng, đấu giá tài sản… còn nhiều bất cập, chưa tháo gỡ triệt để khó khăn trong công tác THADS. Thậm chí, có văn bản mới được sửa đổi, bổ sung nhưng đã bộc lộ ngay những bất cập trong thực tiễn áp dụng. Đơn cử Nghị định 125/CP ngày 14-10-2013 của Chính phủ quy định người phải thi hành nghĩa vụ đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước đã thi hành được ít nhất bằng 1/50 khoản phải thi hành thì được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành. Song, theo phản ánh từ Cục THADS Hà Nội, bên cạnh trường hợp người phải THA có điều kiện THA nhưng cố tình trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ của mình, thì nhiều đối tượng đang chấp hành hình phạt tù chung thân, có hồ sơ THA đã lâu năm nhưng không có tài sản để thực hiện. Chính vì vậy, nên bổ sung trường hợp không xác định được địa chỉ, tài sản của người phải THA thì có thể được xét miễn thi hành phần nghĩa vụ còn lại.
Trước tình trạng số việc phải THA chuyển kỳ sau còn rất lớn, dưới góc độ cơ quan quản lý, Bộ Tư pháp cũng nghiêng về giải pháp trên. Điều đó được thể hiện ngay trong dự thảo Luật THADS sửa đổi, nhất là với trường hợp đã tổ chức THA trong nhiều năm nhưng không có kết quả, dẫn đến tốn kém công sức, kinh phí từ ngân sách nhà nước như: Người phải THA không có tài sản để THA hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế THA hoặc tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để THA. Người không có thu nhập hoặc mức thu nhập thấp, chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải THA và gia đình họ, các trường hợp bị thiên tai, lũ lụt mà người phải THA không còn tài sản; không xác định được địa chỉ, nơi sinh sống hoặc tài sản của người phải THA cũng nằm trong diện được xem xét miễn giảm THA.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp đề xuất thêm 5 giải pháp "đặc trị", điển hình là nâng mức phạt tiền trường hợp chậm THA. Cơ quan này lý giải, theo pháp luật xử lý vi phạm hành chính, mức phạt hành chính đối với hành vi trì hoãn thực hiện nghĩa vụ THA trong khi có điều kiện THA là từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng. Mức phạt này không đủ sức răn đe đối với những trường hợp phải THA là khoản tiền lớn. Vì vậy, cần khắc phục theo hướng, cứ mỗi ngày chậm thi hành, người THA phải nộp ngân sách nhà nước 0,05% trên tổng số tiền chưa THA theo bản án, quyết định. Chắc chắn, trong bối cảnh công tác nợ đọng THA đang có diễn biến phức tạp đề xuất nêu trên của Bộ Tư pháp sẽ được nhiều cơ quan đồng thuận. Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico đánh giá, đây là một trong những quy định quan trọng để bảo đảm nguyên tắc công bằng và khả năng THADS. Với mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay khoảng 12%/năm, mức phạt trên tương đối hợp lý. Nhưng giả sử trong những năm tới, lãi suất cho vay nhảy vọt lên 22-23%/năm, thì việc áp dụng sẽ lạc hậu. Vì vậy, cần có quy định mở hơn: Trong trường hợp cần thiết, Thường vụ Quốc hội hay Chính phủ sẽ công bố áp dụng mức lãi suất mới, để bảo đảm cho luật không bị hạn chế khi có hiệu lực và áp dụng trong thực tiễn.
Dù vậy, trở lại kết quả công tác THADS 6 tháng qua cũng có điều đáng suy ngẫm. Đó là, số lượng cán bộ bị xử lý kỷ luật tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2013 (điển hình là Lai Châu 11 trường hợp; Hải Phòng 8 trường hợp và Đồng Nai 4 trường hợp). Qua thanh, kiểm tra một số đơn vị THA vi phạm về thời hạn xác minh điều kiện THA, có những việc sau khi có quyết định THA đã tiến hành xác minh, tuy nhiên 15 năm sau mới xác minh lại thì người phải THA đã chết trước đó 7 năm. Lại có trường hợp xác minh điều kiện của người phải THA được thực hiện trước khi ban hành quyết định THA. Bất cập trên cho thấy, để nâng cao chất lượng THA, đòi hỏi phải có biện pháp đồng bộ, không chỉ từ việc miễn giảm THA mà còn cần sự đổi mới từ phía cơ quan THA và hệ thống cơ quan THADS, sự phối hợp chặt chẽ từ phía cơ quan thực hiện chức năng giám sát, thanh tra, kiểm tra các cấp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.