(HNM) - “Mục đích của thi đua ái quốc là làm cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc mau thành công”.
Ngày 1-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 195 thành lập Ban Vận động thi đua yêu nước ở Trung ương và các cấp. Và nhân kỷ niệm 1000 ngày kháng chiến toàn quốc, ngày 11-6-1948, Bác ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc:
“Mục đích thi đua ái quốc là gì?
Diệt giặc đói khổ,
Diệt giặc dốt nát,
Diệt giặc ngoại xâm.
Cách làm là dựa vào:
Lực lượng của dân,
Tinh thần của dân
Để gây:
Hạnh phúc cho dân.
Vì vậy bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua”.
Cả xã hội, mọi tầng lớp nhân dân đã nhiệt liệt hưởng ứng chỉ thị phát động phong trào thi đua yêu nước của Trung ương Đảng và lời kêu gọi của Bác, phong trào thi đua yêu nước ngày càng phát triển sâu rộng.
Khi tết Kỷ Sửu - 1949 đến, Bác chúc Tết đồng bào cả nước bằng thơ:
Kháng chiến lại thêm một năm mới,
Thi đua yêu nước thêm tiến tới.
Động viên lực lượng và tinh thần,
Kháng chiến càng thêm mau thắng lợi.
Người người thi đua,
Ngành ngành thi đua,
Ngày ngày thi đua.
Ta nhất định thắng,
Địch nhất định thua.
Bài thơ Chúc tết Kỷ Sửu - 1949 là sự tiếp nối tinh thần Lời kêu gọi thi đua ái quốc 1948. Bài thơ có hai đoạn.
Đoạn một có 4 câu, mỗi câu 7 chữ (thất ngôn) trang trọng, rõ ràng. Lời thơ chúc Tết, chúc năm mới của Bác chỉ tập trung cho một chủ đề, cho phong trào thi đua yêu nước đang sôi nổi và rộng khắp thi đua yêu nước thêm tiến tới. Lời chúc động viên, khích lệ, nhấn mạnh tầm quan trọng và hiệu quả của thi đua yêu nước Động viên lực lượng và tinh thần / Kháng chiến càng thêm mau thắng lợi.
Cuộc kháng chiến trường kỳ đang ở giai đoạn cầm cự, khó khăn còn chồng chất, cuộc sống của nhân dân còn nhiều thiếu thốn và gian khổ, thắng lợi còn ở phía trước, phải phấn đấu. Bác nói đúng tình hình, chuẩn xác khi dùng từ thêm: Kháng chiến lại thêm một năm mới; Thi đua yêu nước thêm tiến tới; Kháng chiến càng thêm mau thắng lợi. Ba từ thêm đặt giữa ba câu (câu 1, câu 2, câu 4) ở ba vị trí khác nhau nên ý nghĩa khác nhau, điểm nhấn khác nhau: thêm thử thách mới, thêm bước tiến mới, thêm kết quả mới.
Đoạn hai thể hiện rõ nhất tư tưởng chủ đề bài thơ, đó là phong trào thi đua yêu nước rộng khắp:
Người người thi đua,
Ngành ngành thi đua,
Ngày ngày thi đua.
Và, kết thúc bằng lời khẳng định:
Ta nhất định thắng,
Địch nhất định thua.
Lời thơ đoạn hai khác với đoạn một, thơ 4 chữ ngắn gọn, mau, gấp, rõ ràng, rành mạch, mạnh mẽ. Chỉ cần 9 từ: Người, ngành, ngày, thi đua,… được lặp lại, sắp đặt từ một tư tưởng lớn để thể hiện một nội dung lớn của phong trào quần chúng rộng lớn xuyên suốt trong cuộc kháng chiến và kiến quốc sẽ đem đến những thắng lợi mà thành thơ. Thơ giản dị chứa đựng chân lý, dễ nhớ, dễ thuộc. Những từ Bác dùng, những câu thơ Bác viết đều là ngôn từ đời thường của cuộc sống hằng ngày. Những điệp từ, điệp ngữ, nhịp điệu, số câu, số chữ cứ như một dòng chảy tự nhiên vừa mở ra một không gian tinh thần vừa đẩy nhanh hành động: Người người thi đua / Ngành ngành thi đua / Ngày ngày thi đua.
Thi đua được Bác nêu thật toàn diện, từ mỗi người đến mọi người (người người), đến các ngành, các hội đoàn, các tầng lớp (ngành ngành) và liên tục hằng ngày, xuyên suốt thời gian (ngày ngày). Người người thi đua / Ngành ngành thi đua / Ngày ngày thi đua chính là xuất phát từ lời kêu gọi mỗi người dân Việt Nam “bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua”, “Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc”, “Các cháu thiếu niên nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn”, “Đồng bào công thương thi đua mở mang doanh nghiệp”, “Đồng bào công nông thi đua sản xuất”, “Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tạo và phát minh”, “Nhân viên chính phủ thi đua tận tụy làm công việc phụng sự nhân dân”, “Các văn nghệ sĩ thi đua sáng tác”, Thầy cô giáo và học sinh “Thi đua dạy học tốt”, “Bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng”,… Khi sơ kết một năm phong trào thi đua, Bác chỉ rõ khuyết điểm về nhận thức và thực hành thi đua “Có nhiều nơi nhân dân, mà trước hết là cán bộ, chưa thật rõ ràng ý nghĩa của phong trào thi đua ái quốc… tưởng lầm rằng, thi đua là việc khác với công việc hằng ngày. Thật ra, công việc hằng ngày chính là nền tảng của thi đua. Thí dụ: Từ trước đến giờ ta vẫn ăn vẫn mặc vẫn ở. Nay ta thi đua ăn, mặc, ở cho sạch sẽ, cho hợp vệ sinh, cho khỏi ốm đau. Xưa nay ta vẫn thường làm ruộng nay ta thi đua làm cho đất ruộng tốt hơn, sản xuất nhiều hơn. Mọi việc đều thi đua như vậy” và Bác giải thích cho mỗi người dân hiểu rõ rằng: “Thi đua ái quốc là lợi ích cho mình, lợi ích cho gia đình mình và lợi ích cho làng cho nước, cho dân tộc thế nào. Mọi người dân đều hiểu rõ thì tất cả mọi thứ khó khăn đều giải quyết được, tất cả mọi khuyết điểm sửa chữa được”. Bác đã khơi dậy đúng lúc, chủ trương đúng lúc, hành động đúng lúc, phát huy đúng lúc nguồn sức mạnh vạn năng của mỗi người, của tổ chức, của toàn dân.
Là người đề xướng, là kiến trúc sư phong trào thi đua ái quốc và đưa phong trào vào quần chúng sâu rộng, Bác chăm lo, theo dõi, lãnh đạo, chỉ đạo, động viên, tổng kết phong trào theo từng thời kỳ, kịp thời biểu dương, uốn nắn, điều chỉnh. Từ năm 1948 đến ngày Bác đi xa, Bác đã viết đến 45 bài về thi đua yêu nước. Hệ thống lại ta thấy đầy đủ mục đích, ý nghĩa, nội dung, hình thức tổ chức, biện pháp thực hiện, kết quả, ưu khuyết điểm của phong trào thi đua ái quốc. Còn sau bài thơ Chúc tết Kỷ Sửu - 1949, gần như những bài thơ chúc Tết các năm tiếp theo, cùng một số bài thơ khác, Bác đều chúc thi đua, nhấn mạnh vấn đề thi đua, 19 chữ thi đua hiện diện trong các bài thơ, chứng tỏ thi đua ái quốc thường trực trong Bác như thế nào. Thi đua ái quốc là tư tưởng lớn của Bác: Thi đua là yêu nước, yêu nước là phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước. Một khi lòng yêu nước của mỗi người được khơi dậy đúng lúc thì chính nhân dân là nhân tố, là nguồn sức mạnh tạo nên những thắng lợi to lớn cho dù hoàn cảnh, điều kiện lịch sử khó khăn đến mấy.
Thi đua ái quốc là bài học lớn, là một động lực, một quy luật tất yếu để giành những thắng lợi. Những lời dạy của Bác về thi đua và vấn đề thi đua vẫn giữ nguyên tính thời sự và giá trị thực tiễn. Người người thi đua / Ngành ngành thi đua / Ngày ngày thi đua. Thi đua thực chất, hiệu quả cao, kiên quyết bài trừ đến tận cùng “bệnh hình thức”, “bệnh thành tích” trong thi đua, làm đúng như lời Bác dạy: Trong một quốc gia độc lập, bất luận ở đâu, vấn đề thưởng phạt phải luôn phân minh, có thế dân mới yên, kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.