Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có văn bản chỉ đạo 5 Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài chính, Y tế, Công an và UBND các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai cùng Ban Chỉ đạo 127 Trung ương về việc thí điểm xử lý đối với gia súc, gia cầm nhập lậu bị bắt giữ.
Sẽ thí điểm phương án xử lý gia súc, gia cầm nhập lậu |
Đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm mới được bán phát mại
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo 127 Trung ương, UBND các tỉnh là địa bàn có nhập lậu gia súc, gia cầm và các cơ quan liên quan thí điểm phương án xử lý gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm nhập lậu bị bắt giữ, tịch thu đưa vào khu cách ly nuôi nhốt để kiểm tra về dịch bệnh mà khẳng định là không có bệnh và mầm bệnh nhưng đạt đủ điều kiện để sử dụng theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm hiện hành thì cho phép được bán phát mại để tiêu thụ trên thị trường.
Điểm cần lưu ý trong công tác thí điểm là Bộ Công Thương, Bộ Y tế có trách nhiệm giám sát, kiểm tra để bảo đảm chỉ những lô hàng thực sự đạt tiêu chuẩn an toàn mới được bán phát mại để đưa ra tiêu thụ và việc thực hiện phải tuân thủ đúng quy trình, quy định.
Gỡ vướng cho khâu xử lý gia súc, gia cầm nhập lậu
Chỉ đạo trên đây của Chính phủ xuất phát từ những vấn đề phát sinh trong thực tế công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý việc vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm qua biên giới trong thời gian qua.
Từ năm 2006 đến nay, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã xử lý 656 vụ buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm qua biên giới, tịch thu tiêu hủy 716.613 kg gà thải loại; 3.277.370 quả trứng gà các loại, 72.343 gà con, vịt giống các loại. |
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 127 Trung ương, trong đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường vào tháng giáp Tết Nguyên đán (tháng 1/2010), đã kiểm tra 17.059 vụ, xử lý 9.326 vụ vi phạm, trong đó có 1.111 vụ buôn bán hàng lậu, hàng cấm, bao gồm cả việc vận chuyển, nhập lậu gia súc, gia cầm sống và các sản phẩm gia súc, gia cầm.
Tính riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, tình trạng nhập lậu loại mặt hàng này diễn biến khá phức tạp. Có ngày, lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý gần 15 tấn gà nhập lậu. Bên cạnh những khó khăn, vất vả trong quá trình phát hiện, bắt giữ đối tượng vi phạm, lực lượng chức năng còn gặp vướng khi tiến hành tiêu hủy hàng vi phạm.
Trong báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh gửi Chính phủ về vấn đề này có phân tích, thực tế, kinh phí tiêu hủy do đối tượng vi phạm chi trả, nhưng rất nhiều vụ vi phạm chỉ bắt giữ được hàng chứ không giữ được người vi phạm, trong khi đó kinh phí tiêu hủy của các địa phương có hạn. Đó là chưa kể một số chi phí gián tiếp khác như kinh phí xăng dầu cho việc kiểm tra, kiểm soát, chi phí mua tin, chi phí in ấn tài liệu,...
Trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ, cán bộ cơ quan chức năng về công tác kiểm tra, chống nhập lậu cho biết thêm, có rất nhiều trường hợp mặc dù số gia súc, gia cầm bị bắt giữ không phải tất cả đều bị mắc bệnh nhưng hiện vẫn đang tiến hành việc tiêu hủy toàn bộ số lượng gia súc, gia cầm bắt giữ được.
Bởi vậy, Ban Chỉ đạo 127 Trung ương cũng đã từng đề nghị các Bộ chuyên ngành (Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài chính) có chủ trương cho phép áp dụng cơ chế xã hội hóa để xây khu cách ly nuôi nhốt gia súc, gia cầm nhập lậu bị bắt giữ, nếu không phát hiện mầm bệnh thì cho phép bán phát mại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.