Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thí điểm mô hình trường học mới bậc THCS: “Muốn nhanh phải từ từ”

Bảo Hân - Bùi Hinh| 18/08/2014 17:23

(HNMO)- Bộ cho phép các trường sắp xếp triển khai trong cả một năm học, do đó, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển yêu cầu các trường phải bình tĩnh, chuẩn bị chu đáo thì mới tiến hành.

Ngày 18-8, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã tổng kết khoá tập huấn kéo dài 5 ngày về triển khai mô hình trường học mới (VNEN) dành cho trường THCS. Tham gia buổi tập huấn có đại diện các Sở, phòng GD-ĐT và các trường THCS thuộc một số tỉnh phía Bắc.

Việc triển khai VNEN cấp THCS sẽ phải học tập kinh nghiệm ở cấp tiểu học


Thí điểm triển khai VNEN: Khó trăm bề

Kết thúc tập huấn, một giáo viên trường THCS Nguyễn Siêu, thay mặt bộ môn toán băn khoăn về việc chia nhóm khi phòng học nhỏ, HS đông và cách thức kiểm tra đánh giá đối với HS. Với những em chưa tiếp cận mô hình này ở cấp tiểu học thì sẽ khó thực hiện. Hơn nữa, tại thời điểm khi các thầy cô được tập huấn thì cũng sát với ngày tựu trường nên để triển khai ngay sẽ rất gấp gáp.

Giáo viên này kiến nghị để HS được trải nghiệm, cần nhiều thời gian để đọc, viết, làm bài… nên mỗi tiết học có thể kéo dài ra thành 2 tiết. Do đó, lớp học sẽ phải kéo dài 2 buổi/ngày. Ngoài ra, Bộ cũng phải sớm có văn bản hướng dẫn việc dạy cho giáo viên, việc học cho HS và tập huấn về cách kiểm tra, đánh giá trình độ, năng lực của HS trước khi bắt tay vào thực hiện thí điểm.

Đại diện của bộ môn Khoa học tự nhiên cũng cho rằng, trước đợt tập huấn, nhiều giáo viên bỡ ngỡ, còn nghi ngờ về tính khả thi của mô hình tại cơ sở của mình. Tuy nhiên, sau tập huấn, được thực hành các hoạt động, được soạn giáo án, dạy thử một số tiết, một số chủ đề, các học viên… đều đã nắm được toàn bộ quy trình, cách thức tổ chức theo mô hình VNEN. Do đó, học viên sau tập huấn đều khẳng định sẽ có thể thực hiện tốt tại đơn vị.

Tuy nhiên, nhiều học viên còn thấy những khó khăn khi triển khai tại địa phương như liên quan đến sự đồng thuận của phụ huynh HS khi cho con em tham gia VNEN; thiếu thốn cơ sở vạt chất, kinh phí thực hiện…

“VNEN có nhiều ưu điểm so với phương pháp dạy học truyền thống, giúp HS có thể trải nghiệm, thực hành, vận dụng kỹ năng vào trong cuộc sống hàng ngày. Bộ nên sớm có văn bản chỉ đạo thực hiện tới địa phương để triển khai ngay tới các cơ sở giáo dục, đồng thời cung cấp tài liệu để triển khai đúng tiến độ và có sự hỗ trợ về kinh phí với các trường tham gia thí điểm” – bà Đoàn Thị Thu Hà, chuyên viên phụ trách bộ môn ngữ văn Sở GD-ĐT Hà Giang phát biểu.

Bên lề buổi tập huấn, một giáo viên dạy toán tại Hoà Bình cũng chia sẻ những khó khăn tại địa phương như lớp học có diện tích nhỏ, “chỉ kê 18 cái bàn hai chỗ ngồi là giáo viên không có lối đi”. Tại tỉnh cũng chỉ có một vài trường vùng sâu được học 2 buổi/ngày. Ngoài cơ sở vật chất không đủ, trình độ của giáo viên cũng khó đáp ứng. Ngoài ra, nhiều phụ huynh không đồng lòng khi xin cho con ra khỏi lớp áp dụng VNEN.

Đúng hướng thì phải chọn, không tránh

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, ngay sau khoá tập huấn này, các đơn vị giáo dục không nên sốt sắng triển khai thí điểm ngay. Bộ cho phép các trường sắp xếp triển khai trong cả một năm học. Do đó, các trường phải bình tĩnh, “muốn nhanh phải từ từ” và phải chuẩn bị chu đáo thì mới tiến hành.

“Đổi mới toàn diện nền GD-ĐT là phải đổi mới tất cả những gì liên quan đến giáo dục, nhưng đổi mới có lộ trình cụ thể. Giáo dục toàn diện nhưng không phát triển toàn diện mà phải là phát triển hài hòa. Trên cơ sở nền chung thì mọi người đều được phát triển yếu tố cá nhân của mình. Mô hình trường học mới VNEN chấp nhận sự khác nhau của mỗi HS nhưng là để phát huy cao nhất khả năng của mỗi HS.

Từ trước đến nay chúng ta vẫn nói “trăm sự nhờ thầy”, trong khi thầy không biết hết hoàn cảnh, gia đình học sinh. Những nhà trường như thế sẽ không có đất sống. Chúng ta phải rèn cho HS phương pháp tự học, học suốt đời - Thứ trưởng phân tích.

Một đột phá nữa mà Bộ GD-ĐT triển khai thực hiện là về đổi mới kiểm tra đánh giá. Theo thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, về mặc kiến thức, chắc chắn HS theo học mô hình VNEN sẽ bằng HS đại trà và hơn ở các kỹ năng mềm nếu nói mô hình này không thích hợp với những HS yếu là sai mục đích thiết kế của mô hình.

Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học cũng đưa ra gợi ý với các trường về “Có những việc vừa chạy vừa xếp hàng. Các Sở GD-ĐT phải có kế hoạch, lộ trình triển khai. Về các tài liệu liên quan đến thí điểm triển khai mô hình này hiện đã hoàn tất, sẽ sớm chuyển tới các địa phương. Riêng với tài liệu hướng dẫn dạy phải chờ lấy ý kiến của các thầy cô qua lớp tập huấn mới hoàn thành.

Kết luận tại buổi làm việc, thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng việc triển khai thí điểm mô hình VNEN ở bậc THCS có thuận lợi là ở bậc tiểu học đã thực hiện nên có thể học tập kinh nghiệm từ đây. “Chúng ta xác định được khó khăn, nhưng khi đã đúng hướng thì phải chọn chứ không phải tránh”

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thí điểm mô hình trường học mới bậc THCS: “Muốn nhanh phải từ từ”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.