Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thí điểm dịch vụ cung cấp xe đạp công cộng tại phố cổ: Có là bài toán khó?

Tuấn Khải| 15/02/2014 07:34

(HNM) - Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu 5 thành phố trực thuộc TƯ (chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT xây dựng, phê duyệt và triển khai đề án tăng cường vận tải công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn...


Cơ hội phát triển dịch vụ xe đạp công cộng

Nhiều quốc gia trên thế giới đã phát triển loại hình này từ lâu. Ở Việt Nam, khu vực phố cổ Hội An (Quảng Nam) đã hình thành dịch vụ cho du khách thuê xe đạp tính giờ. Hà Nội cũng có một số khu vực có thể triển khai mô hình này như ở phố cổ, quanh khu Hồ Tây…

Du khách đi xe đạp trên phố cổ. Ảnh: Gia Hiếu



Theo TS Khuất Việt Hùng - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), nhận thức của người dân trong việc sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường, đặc biệt là xe đạp ngày càng cao. Hai năm trở lại đây, số người đi xe đạp tại Hà Nội nói riêng, các thành phố lớn nói chung tăng lên nhiều. Chi phí đi lại bằng xe đạp thấp nên bất cứ ai có nhu cầu cũng đều có thể sử dụng. Điều đó có nghĩa là cơ hội phát triển dịch vụ xe đạp công cộng tại các đô thị lớn, nhất là Hà Nội là rất khả thi.

Các chuyên gia cũng cho rằng, không chỉ có khu vực phố cổ, phố cũ, mà ngay cả các khu vực nội thị, khu vực tập trung nhiều du khách mà các phương tiện công cộng, nhất là xe buýt không thể tiếp cận được thì XĐCC cho các tuyến đường ngắn sẽ rất phù hợp. Trong cơ cấu phát triển giao thông công cộng ở mỗi thành phố, đô thị phát triển thì đi bộ và đi xe đạp là mắt xích không thể thiếu. Để phát triển dịch vụ XĐCC, nhất thiết phải có nhà đầu tư là doanh nghiệp tư nhân. Nhà nước không thể đứng ra cho thuê mà chỉ cung cấp địa điểm, bến bãi đỗ xe; còn phương thức kinh doanh, quản lý thì doanh nghiệp tự tính toán.

Khó triển khai

Ngay sau khi có chủ trương này của Chính phủ, Công ty CP Đồng Xuân (đơn vị đang sở hữu loại hình ô tô điện du lịch phố cổ được đánh giá là khá thành công) đã dự tính sẽ đầu tư khoảng 250 xe đạp để thí điểm cho thuê tại quận Hoàn Kiếm với giá 4.000-5.000 đồng/giờ. Đại diện Công ty CP Đồng Xuân cho biết, mô hình này không mới mà chỉ là học tập kinh nghiệm của các nước đang phát triển. Nếu được thành phố cho phép triển khai, hệ thống xe đạp này sẽ được quản lý theo công nghệ mới thông qua thẻ điện tử. Phương tiện lựa chọn sẽ đẹp, chắc chắn và bảo đảm cho người sử dụng tham gia giao thông an toàn. Các điểm đặt xe sẽ được bố trí gần hệ thống giao thông công cộng như tại các điểm trung chuyển xe buýt, các khu vực có hoạt động du lịch phát triển, đặc biệt là khu phố cổ Hà Nội.

Chủ trương là vậy, song đại diện Công ty CP Đồng Xuân và các chuyên gia đều khẳng định không dễ để triển khai, khó nhất chính là điểm tập kết XĐCC. Quỹ đất cho phát triển giao thông tĩnh của Hà Nội hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và trong quy hoạch phát triển GTVT Thủ đô đến nay vẫn chưa có quỹ đất để bố trí XĐCC. Bên cạnh đó, việc đi lại bằng xe đạp nói chung và XĐCC nói riêng cũng không dễ dàng. Theo TS Nguyễn Ngọc Long - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam, trong giao thông đô thị, điều tối kỵ là pha trộn các loại phương tiện có vận tốc khác nhau. Nếu ô tô, xe máy và xe đạp cùng đi chung một đường sẽ gây ùn tắc, tai nạn giao thông. Bởi vậy, phải có đường riêng cho xe đạp nhưng việc dành một đường riêng cho xe đạp trong điều kiện giao thông của các đô thị Việt Nam hiện nay là điều rất khó.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, để phát triển được XĐCC, phải làm cho người dân và du khách thấy được họ được lợi gì khi lựa chọn loại hình này. Ngoài lợi ích kinh tế (chi phí thuê xe thấp) thì quan trọng nhất là phải an toàn, tức là thành phố phải có các cơ chế để bảo vệ người đi xe đạp bằng các làn đường riêng. Nếu không bảo đảm được tiêu chí này thì chỉ qua vài vụ tai nạn, người dân và du khách sẽ e dè ngay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thí điểm dịch vụ cung cấp xe đạp công cộng tại phố cổ: Có là bài toán khó?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.