Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thí điểm để nhân rộng

Minh Ngọc| 20/07/2011 06:56

(HNM) - Dự kiến trong tháng 7, UBND TP Hà Nội sẽ ban hành Quy ước thực hiện nếp sống văn minh (NSVM) trong việc cưới, việc tang và lễ hội nhằm đưa các hoạt động này vào nền nếp.

Ông Phùng Quang Trung, Chánh Văn phòng BCĐ toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐK XDĐSVH) TP Hà Nội trao đổi cùng Hànộimới về dự thảo các quy ước được xã hội quan tâm này.

- Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện phong trào TDĐK XDĐSVH, trong đó những quy định về cưới, tang, lễ hội đã được hướng dẫn thực thi, vậy tại sao bây giờ lại phải ban hành quy ước?

- Đúng là thành phố đã thực hiện phong trào TDĐK XDĐSVH gần 20 năm, đã nghiêm túc triển khai Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị, thông tư hướng dẫn của Bộ VH,TT&DL về việc thực hiện việc cưới, việc tang theo NSVM. Hơn thế, Chương trình 08 của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh cũng đã được phổ biến đến người dân ở 29/29 quận, huyện, thị xã. Tuy nhiên, quy định của TƯ mang tính chất vĩ mô, áp dụng chung cho tất cả các tỉnh, thành phố trong khi mỗi vùng, miền lại có nét sinh hoạt văn hóa khác nhau nên không phải nội dung nào cũng phù hợp, còn Chương trình 08 của Thành ủy thì bao gồm rất nhiều nội dung, nên cũng chưa có hướng dẫn cụ thể. Vì thế, Hà Nội cần có những hướng dẫn chi tiết hơn cho các hoạt động này.

Quy ước sẽ góp phần giữ gìn bản sắc của các lễ hội. Ảnh: Tiến Sính

Mặt khác, việc tổ chức cưới, tang, lễ hội trên phạm vi cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng những năm qua có quá nhiều vấn đề bất cập. Một số mô hình cưới, tang văn minh, tiến bộ đã xuất hiện và được nhiều người hưởng ứng như mô hình cưới không quá 40 mâm ở quận Hà Đông, hỏa táng ở huyện Đông Anh… Việc ban hành các quy ước thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang và lễ hội sẽ góp phần nhân rộng những mô hình này.

- Ông có thể cho biết điểm mới của các quy ước này so với những quy định trước đó?

- Về cơ bản, nội dung các quy ước vẫn dựa trên tinh thần chỉ đạo chung nhưng được cụ thể hóa cho phù hợp với nét văn hóa đặc thù của người Hà Nội. Ví dụ như đám cưới ngoài việc tuân thủ pháp luật còn phải tôn trọng thuần phong mỹ tục; không lợi dụng việc cưới để gây mất đoàn kết trong cộng đồng, dòng họ và gia đình; không chơi cờ bạc, không mời và dùng thuốc lá; không sử dụng thời gian làm việc và phương tiện của cơ quan đi đám cưới, không sử dụng quỹ của cơ quan làm quà mừng, quà cưới. Lễ cưới chỉ được tổ chức sau khi đã được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, gọn một nơi, một ngày; khuyến khích tổ chức cưới bằng tiệc ngọt, tiệc trà; khuyến khích cô dâu, chú rể đặt hoa tại nghĩa trang liệt sĩ, di tích lịch sử văn hóa, trồng cây lưu niệm tại địa phương trong ngày cưới…

Với việc tang, quy ước đưa ra những quy định như không được tổ chức cỗ bàn khi người qua đời chưa an táng, không dùng thuốc lá, chơi cờ bạc; không rải tiền, kể cả vàng mã; nghĩa trang phải được quy hoạch, xây mộ phải theo quy chuẩn. Đặc biệt, quy ước về việc tang có nội dung khuyến khích hình thức điện táng, hỏa táng, địa táng vĩnh viễn và xây dựng nghĩa trang thành công trình văn hóa tưởng niệm tại địa phương.

Riêng với lễ hội, quy ước nghiêm cấm tổ chức, truyền bá mê tín dị đoan, chơi cờ bạc, kinh doanh, tàng trữ, phát hành văn hóa phẩm cấm lưu hành dưới mọi hình thức; cấm tuyệt đối hoạt động kinh doanh dịch vụ trong khu vực bảo vệ I của di tích. Tất cả lễ hội đều phải xin phép hoặc báo cáo với các cấp có thẩm quyền, lễ hội ở cấp nào, UBND cấp đó chịu trách nhiệm chỉ đạo và thực hiện việc quản lý nhà nước. BTC lễ hội không được bán vé vào dự lễ hội, không được trông giữ xe cao hơn giá quy định của Nhà nước, không được đặt quá 3 hòm công đức, người dự lễ hội phải ăn mặc lịch sự, không được mang, đốt đồ mã trong khu vực lễ hội, có trách nhiệm bảo vệ di tích, giữ gìn vệ sinh môi trường…

- Trên thực tế, để biến những quy định mang tính chất văn bản, quy phạm pháp luật thành hành vi, ý thức tự giác của mỗi người dân là điều không đơn giản. Theo ông, chúng ta phải làm gì và làm như thế nào để Quy ước thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang và lễ hội sớm đi vào đời sống của nhân dân Thủ đô?

- Trước hết, phải tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để người dân nhận thức rõ ý nghĩa của việc thực hiện cưới, tang, lễ hội theo NSVM; đồng thời lồng ghép thực hiện những quy ước này với phong trào TDĐK XDĐSVH ở các địa phương. Bên cạnh đó, BCĐ phong trào TDĐK XDĐSVH thành phố sẽ thực hiện thí điểm các quy ước này, rút kinh nghiệm rồi mới nhân rộng. Dự kiến, việc cưới sẽ được thực hiện thí điểm ở các quận Ba Đình, Hà Đông, Tây Hồ và thị xã Sơn Tây. Việc tang sẽ được triển khai ở bốn huyện Đông Anh, Phúc Thọ, Thanh Oai và Thanh Trì. Những địa phương có lễ hội lớn như quận Đống Đa, huyện Mỹ Đức, Sóc Sơn và Thạch Thất sẽ được chọn để thí điểm quy ước về lễ hội…

- Khi triển khai, nếu các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm quy ước thì sẽ bị xử lý như thế nào, thưa ông?

- Những nội dung của quy ước chỉ mang tính chất định hướng, hướng dẫn nên không thể kèm theo các hình thức xử phạt. Mặc dù vậy, nếu các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm, cố tình làm sai, làm trái những điều cấm trong quy ước, tùy mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành tại các văn bản quy phạm khác có liên quan.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thí điểm để nhân rộng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.