(HNM) - Những chính sách mới, cơ chế ưu đãi đặc biệt sẽ trở thành cơ chế mang tính đại trà, áp dụng cho toàn bộ tổ chức KH&CN của Việt Nam đang được dư luận hết sức quan tâm...
- Thưa Bộ trưởng, với mô hình Viện KIST Hàn Quốc mà chúng ta đang muốn học hỏi, có thể nói 3 yếu tố cơ bản tạo nên thành công là: Có người đứng đầu quốc gia "đỡ đầu", có một đạo luật riêng, có đội ngũ cán bộ khoa học dày dạn kinh nghiệm. Vậy chúng ta có được các nhân tố đó hay không và còn gặp trở ngại gì?
- Đúng là Hàn Quốc có những yếu tố thuận lợi như vậy và chúng ta cũng nên học tập họ. Tuy nhiên, hoàn cảnh Việt Nam có những điểm khác biệt, rất đặc thù nên việc học tập không thể "copy" một cách máy móc và nguyên bản. Chúng tôi đã báo cáo, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc đỡ đầu cho Viện V-KIST thông qua chỉ đạo trực tiếp. Nếu như sau này có thành lập một Ban chỉ đạo thì Thủ tướng sẽ làm Trưởng ban Chỉ đạo.
Về sự cần thiết có một đạo luật riêng, chúng tôi cũng đã báo cáo Thủ tướng và Quốc hội, đến thời điểm này Quốc hội cũng đã đồng ý về mặt nguyên tắc là có một đạo luật dưới dạng Nghị quyết của Quốc hội nhưng với phạm vi mở rộng hơn, không chỉ cho Viện V-KIST mà áp dụng cho các viện nghiên cứu cần có cơ chế, chính sách đặc biệt. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm đó là cần một đạo luật, nếu không áp dụng riêng cho Viện V-KIST thì cũng áp dụng cho một số viện nghiên cứu theo mô hình tiên tiến của thế giới và cần những cơ chế, chính sách đặc biệt.
V-Kist được kỳ vọng sẽ tạo bước chuyển biến lớn đối với sự phát triển KH&CN nước ta. |
Yếu tố thứ ba là V-KIST phải có một đội ngũ khoa học có trình độ cao và chủ yếu từ các nước phát triển. Chúng tôi đã thông báo cho các cơ quan đại diện của Bộ KH&CN ở nước ngoài tìm kiếm và thiết lập một cơ sở dữ liệu về các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài có những vị trí quan trọng và có những đóng góp cho các nước sở tại, cũng như lập danh mục một số nhà khoa học ở nước ngoài sẵn sàng đóng góp cho Việt Nam. Khi Viện V-KIST được thành lập chính thức, chúng tôi sẽ có thư mời họ giúp trong thời gian đầu. Trong tương lai, có thể vai trò của các nhà khoa học trong nước sẽ được tăng cường và dần dần nhiều nhà khoa học giỏi trong nước sẽ tham gia hoạt động của Viện V-KIST. Hy vọng trong tương lai, tỷ lệ các nhà khoa học ở trong nước và các nhà khoa học ở nước ngoài làm việc ở V-KIST sẽ là 50-50.
- Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những điều kiện quan trọng bảo đảm cho thành công của V-KIST trong tương lai là trao quyền tự chủ cao nhất cho Viện trong hoạt động, quản lý tài chính - tài sản và bộ máy - nhân lực. Bộ trưởng nhận định như thế nào về ý kiến này?
- Chúng tôi rất cảm ơn những ý kiến quan tâm đó, bởi nếu không có cơ chế đặc biệt ưu đãi, giao quyền tự chủ cao nhất cho tổ chức KH&CN thì chắc chắn các tổ chức KH&CN không thể phát triển tốt và thành công. Đối với Viện V-KIST, việc giao quyền tự chủ cao nhất và những chính sách ưu đãi cao nhất là cần thiết nhưng không phải là vấn đề quá quan trọng. Theo quan điểm của Bộ KH&CN, Viện V-KIST chính là địa chỉ để thí điểm những chính sách mới, những cơ chế ưu đãi và khi phát huy tác dụng, chúng tôi sẽ đề xuất với Quốc hội và Chính phủ biến những cơ chế đặc thù, ưu đãi đặc biệt trở thành những cơ chế chung mang tính đại trà. Như vậy, không chỉ Viện V-KIST được hưởng mà toàn bộ tổ chức KH&CN của Việt Nam có thể phát huy tối đa hiệu quả hoạt động KH&CN cũng như đóng góp những thành tựu cho phát triển kinh tế, xã hội. Nếu thực sự thành công, cơ chế này sẽ được nhân rộng trở thành chính sách chung của Chính phủ, còn nếu như thất bại chúng ta cũng không thiệt hại nhiều bởi đó chỉ là thất bại của một viện nghiên cứu riêng lẻ cần rút kinh nghiệm; những chính sách đã thất bại không áp dụng cho những tổ chức khác.
- Bộ trưởng có thể dự báo sự ra đời của V-KIST sẽ có tác động tích cực như thế nào đối với KH&CN Việt Nam nói riêng và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung?
- Dự báo tương lai của một tổ chức KH&CN chưa được hình thành quả thực là một điều khó. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn vào Viện KIST Hàn Quốc có thể thấy: Chỉ sau 35 năm thành lập, năm 2001, Viện đã trở thành một trong 10 viện nghiên cứu hàng đầu thế giới. Những sản phẩm của Viện KIST đã đóng góp to lớn cho nền kinh tế Hàn Quốc với tốc độ tăng trưởng GDP trong vòng 50 năm tăng lên hơn 300 lần. Đây là một kỷ lục mà không phải quốc gia nào cũng đạt được và một số cơ quan của Hàn Quốc nói rằng Viện KIST Hàn Quốc thực sự đã đóng góp khoảng 30% giá trị gia tăng của công nghiệp Hàn Quốc trong nhiều thập kỷ.
Nếu chúng ta có được một viện nghiên cứu như Viện KIST Hàn Quốc thì quả thực tác động của nó đối với nền kinh tế Việt Nam sẽ rất to lớn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng lường trước được bối cảnh kinh tế, xã hội của nước ta hiện nay cũng như với những đặc thù của xã hội Việt Nam thì một viện nghiên cứu rất khó đạt được tầm như Viện KIST Hàn Quốc. Nhưng có thể khẳng định, nếu mô hình V-KIST thành công với những cơ chế đặc biệt được Chính phủ và Quốc hội cho phép, chắc chắn nó sẽ có những đóng góp rất quan trọng không chỉ cho phát triển KH&CN mà còn cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thập kỷ tới. Và nếu nước ta muốn trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại sau năm 2020, chúng ta phải có hệ thống tổ chức KH&CN mạnh, trong đó phải có những viện nghiên cứu khoa học tầm cỡ quốc tế, có những sản phẩm khoa học mang tính đột phá, đóng góp lớn cho nền kinh tế và trở thành sản phẩm chủ lực của Việt Nam. Viện V-KIST của Việt Nam sẽ phải đóng vai trò này.
- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.