Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thi ca chính là đời sống

Đặng Huy Giang| 29/08/2021 05:05

(HNMCT) - Hẳn là từ thuở thiếu thời Nguyễn Hữu Vỹ đã yêu văn chương. Với ông, cội nguồn văn chương chính là cảm xúc thẩm mỹ, hướng con người ta đến cái đẹp. Với lợi thế về ngoại ngữ, đầu tiên Nguyễn Hữu Vỹ đã coi văn học dịch là chỗ để “giải thoát” những “ghìm nén” về tình yêu văn chương được nuôi nấng, gìn giữ một cách tự nguyện, lâu dài và bền bỉ của mình. Những áng văn chương nổi tiếng của nước ngoài đã “hớp” hồn ông, truyền cảm hứng và vô tình trở thành người dẫn đường đưa ông đến với văn chương.

Ông đã xuất bản nhiều tác phẩm trong vai trò của một dịch giả. Gần đây, khi đọc một chùm gồm 6 truyện ngắn đặc sắc: “Người cha”, “Báo thù”, “Tấm hình bị xé rách”, “Hoa cẩm chướng”, “Ly rượu đêm giao thừa”, “Ngôi nhà trên núi” của nhà văn nổi tiếng Roman Ivanytchouk do Nguyễn Hữu Vỹ chuyển ngữ, đăng trên tạp chí Nhà văn và Tác phẩm, thì nhiều người càng có dịp biết đến ông, hiểu thêm kiến văn của ông. Và cũng qua ông, cánh cửa của nền văn học Ukraine đầy hấp dẫn lại được mở ra thêm một lần nữa trước độc giả Việt Nam. Năm nay, Nguyễn Hữu Vỹ đã cho xuất bản liền một lúc 2 tác phẩm dịch, trong đó có tập truyện ngắn mang tên “Báo thù” của nhà văn Ukraine Roman Ivanytchouk qua NXB Hội Nhà văn. Đây là một bản dịch công phu, hấp dẫn, gây được ấn tượng trong lòng độc giả.

Song hành với văn học dịch, ông “lân” sang sáng tác văn học, mà cụ thể hơn là làm thơ. Một sự gặp gỡ, một sự phân thân như thế trong ông là điều dễ lý giải. Trong quá trình đến với văn chương, trong Nguyễn Hữu Vỹ có hai con người và cả hai con người này đều đáng quý, nhất quán như nhau và bổ sung cho nhau.

Thơ Nguyễn Hữu Vỹ bám sát và phản ánh sinh động đời sống. Với ông, thơ chính là đời sống hay đời sống vốn hàm chứa trong nó nhiều chất thơ. Ông quan niệm: “Thi ca chính là sự gắn bó hữu cơ giữa nghệ thuật và nhân sinh. Anh làm thơ cho ra thơ và phải là thơ đã - đó chính là nghệ thuật. Anh làm thơ để làm gì? - đó chính là nhân sinh”. Vì thế, con người và hiện thực đời sống đi vào thơ ông một cách trực tiếp và có phần trực cảm, sinh động. Vốn là người nặng lòng và đôi khi yếu lòng trước thời cuộc nên ông là người dễ “tức cảnh sinh tình” và dễ có những rung động thơ.

Thái độ sống của Nguyễn Hữu Vỹ luôn quyết liệt, dứt khoát. Và sự quyết liệt, dứt khoát góp phần khẳng định bản lĩnh nơi ông. Như trong “Chỉ là”, ông mới viết: "Giận trời giận cả bất thường hoàng hôn". Trong “Vu vơ mồng tám...”, ông viết: "Không kim chỉ nam vẫn không lạc đường về". Một khác người như thế và một sự xác quyết như thế, rất đáng được đánh giá cao.

Trong tập thơ “Tự cảm giữa dòng”, tôi coi “Bài thơ không đề” và “Chân giá trị cuộc đời” là hai điểm nhấn. “Bài thơ không đề” mang hiện thực tâm trạng. Nói chính xác hơn là những khoảnh khắc bừng rộ của tâm trạng với hai cặp lục bát: “Vu vơ hết đứng lại ngồi/ Ngước lên chỉ thấy một đôi lá vàng”, và “Giờ thì em đã đi xa/ Tôi ở lại với bao la nỗi buồn”.

Còn ở “Chân giá trị cuộc đời”, Nguyễn Hữu Vỹ biết khai thác những chi tiết đời thường để thơ hóa chúng. Chỉ từ việc gặp lại thầy giáo cũ, uống với nhau một ly rượu, ăn với nhau một bát cháo lươn, cùng nhau ôn lại kỷ niệm xưa... để rồi ông đúc rút ra cho mình hai câu thơ đọc lên thấy thấm thía: “Bát cháo lươn kéo tôi về thực tại/ Khoảnh khắc này đây: Chân giá trị cuộc đời!”.

Thì ra, chân giá trị cuộc đời không ở đâu xa, ở ngay trước mắt chúng ta. Vấn đề còn lại là chúng ta có phát hiện ra chúng theo cách trải nghiệm của từng cá nhân mà thôi! Người có được hai câu thơ thấm thía ấy, hẳn phải là một người giàu tình cảm, có tình yêu cuộc sống và trân quý cuộc sống đến nhường nào!

Thơ Nguyễn Hữu Vỹ là thơ tự lòng, không hẳn tự lời. Một sự chân thành theo lối bộc bạch, thiên về cảm xúc... đã tạo nên dòng chảy tự nhiên, một kết nối tự nhiên trong thơ ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thi ca chính là đời sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.