(HNM) - Ngày 9-6, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức diễn đàn doanh nghiệp (DN) Việt Nam giữa kỳ 2015, với chủ đề
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Từ đầu năm đến nay, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ổn định. Ở thời điểm này, nhiều DN đã lấy lại được đà tăng trưởng bên cạnh việc lạm phát tiếp tục được kiềm chế... Đáng lưu ý, Việt Nam đã hoàn thành giai đoạn đàm phán, ký kết một số hiệp định thương mại tự do (FTA), mang lại cơ hội rất lớn cho DN Việt Nam nhằm gia tăng giá trị xuất khẩu, quảng bá sản phẩm kết hợp tìm đối tác hợp tác, kêu gọi đầu tư trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng: Hỗ trợ DN là mục tiêu xuyên suốt quá trình cải cách kinh tế, nhằm tạo ra môi trường thông thoáng, minh bạch, dễ dự báo và thực hiện. Bộ đã, đang rà soát hệ thống văn bản, quy định đối với DN theo tinh thần đơn giản hóa tối đa quy định, đồng thời phù hợp thông lệ quốc tế. Qua sàng lọc, hiện chỉ còn 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, giảm đáng kể so với con số 386 ngành cách đây vài tháng. Bên cạnh đó là những tiến bộ rõ nét trong cải cách thủ tục hải quan và thuế được cộng đồng DN ủng hộ. Tuy vậy, giới DN vẫn tỏ ra chưa an tâm, thậm chí lo ngại về khả năng cạnh tranh và ứng phó trong quá trình hội nhập quốc tế. Nhiều chuyên gia kinh tế tỏ ra lo ngại về một số tồn tại, mang tính cố hữu của DN trong nước như quy mô nhỏ, thiếu vốn và công nghệ hiện đại, yếu kém về năng lực quản trị...
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ, gồm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát dưới 5%, kim ngạch xuất khẩu tăng 10%, giữ vững an sinh xã hội, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP 6,2% trong năm nay và cố gắng tăng cao hơn bên cạnh việc áp dụng tỷ giá và lãi suất phù hợp với tín hiệu thị trường, tăng dự trữ ngoại tệ, giảm dần bội chi, khống chế nợ công. Các cơ quan chức năng tăng tốc độ cải cách hành chính, tìm và tận dụng những "dư địa" để thực hiện đơn giản hóa thủ tục, chủ động chia sẻ khó khăn với DN.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ thúc đẩy việc đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu, tập trung vào việc cổ phần hóa DN và thiết lập môi trường kinh doanh bình đẳng; đặc biệt là huy động vốn đầu tư thông qua phương thức hợp tác công - tư (PPP) để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tư nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền và tận dụng điều kiện tốt từ các hiệp định FTA, hỗ trợ và khuyến khích DN tăng cường xuất khẩu. Đồng thời, cải cách thể chế, tiến tới đưa nền kinh tế vận hành theo cơ chế và quy luật thị trường, có lộ trình và công khai về giá điện, vật tư đầu vào cho sản xuất, tạo lập sự bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh giữa các DN kết hợp giữ vững an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo. "Việt Nam đang và sẽ quyết tâm hiện đại hóa hạ tầng, bảo đảm nguồn cung cấp điện cho hoạt động sản xuất, tạo niềm tin và hấp dẫn vốn đầu tư vào lĩnh vực này để nâng cao chất lượng, tiến tới hoàn thiện hệ thống hạ tầng nói chung. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tập trung nguồn lực, khắc phục "nút thắt" là sự yếu kém, thiếu nhân lực kỹ năng cao để chủ động khắc phục, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nghề, phục vụ yêu cầu của DN" - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.
Theo đánh giá của người đứng đầu Chính phủ, kết quả phát triển kinh tế 5 tháng qua rất đáng ghi nhận. Chính phủ theo sát tình hình để tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng DN. Về phía mình, mỗi hiệp hội ngành nghề, từng DN cũng cần chủ động hợp tác vì sự phát triển để nâng cao sức cạnh tranh. Tất cả nhằm đưa nền kinh tế tăng trưởng mạnh trong quá trình hội nhập.
Tại diễn đàn, nhiều khuyến nghị đã được đưa ra như: Cần xây dựng một chương trình quốc gia về khởi nghiệp, hun đúc tinh thần kinh doanh đối với giới doanh nhân; trong đó tập trung vào việc phát triển các DN thuộc lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp hỗ trợ; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề; hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn vay và mặt bằng sản xuất; cung cấp thông tin liên quan đến các FTA và thiết lập sự liên kết giữa DN đầu tư nước ngoài với DN nội…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.