Việc Nhà nước Việt Nam công nhận 5 Di tích quốc gia đặc biệt của Hà Nội là dịp để công nhận những kho tàng di sản quý giá của dân tộc, để người dân Việt Nam thêm tự hào về truyền thống, về những di tích lịch sử và về những di sản mà cha ông để lại. Tôi đã học hỏi để yêu thành phố này và yêu tất cả những nét đẹp của thành phố. Qua đó, tôi cảm nhận được bề dày lịch sử ẩn giấu sau những viên gạch cổ kính, mái ngói rêu phong và những sắc màu rộng mở tầm mắt và trái tim tôi, để trân trọng nền văn hiến lâu đời của thành phố đã hơn 1000 năm tuổi.
Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama: 5 di tích của Hà Nội được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt là niềm vinh dự lớn đối với nhân dân Thủ đô. Đây là một bằng chứng thể hiện sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam đối với thành phố là trái tim của Tổ quốc. Điều này càng có ý nghĩa khi Hà Nội chuẩn bị kỷ niệm những ngày lễ trọng đại như 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10 và 15 năm được UNESCO tặng danh hiệu Thành phố vì hòa bình. Tôi nghĩ rằng hiếm có một địa danh nào tại Việt Nam sở hữu nhiều di tích đặc biệt như Hà Nội. Tuy nhiên, việc công nhận 5 di tích quốc gia cũng đòi hỏi phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục việc bảo vệ di sản cho các thế hệ mai sau. Tôi xin chúc mừng thành phố và người dân Hà Nội đã có thêm niềm tự hào về Thủ đô thân yêu của mình.
Ông Ahn Tae Sung, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn TJBrothers (TJB): Qua các phương tiện thông tin đại chúng tôi được biết Hà Nội vừa có 5 di tích được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Trong đó có hai địa danh không chỉ quen thuộc với người dân Việt Nam mà còn được nhiều người nước ngoài biết đến mỗi khi nói đến Hà Nội là hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn. Việc được công nhận danh hiệu này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn cũng như phát triển du lịch. Thông thường mỗi khi đến tham quan Hà Nội, du khách quốc tế thường tìm kiếm trên mạng xem điểm du lịch nào nổi tiếng và quan trọng để đến thăm. Các di tích này được công nhận danh hiệu đặc biệt của quốc gia, thì ngày càng có nhiều du khách biết đến hơn. Đây cũng là một cách quảng bá cho hình ảnh của Hà Nội.
Chị Hernandez- khách du lịch Pháp: Được đến thăm đền Ngọc Sơn và hồ Hoàn Kiếm đúng ngày hai di tích này nằm trong 5 di tích được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt thật có ý nghĩa với gia đình chúng tôi. Trước đó, tôi đã được biết hai địa danh nổi tiếng này qua sách báo và bạn bè từng đến Hà Nội. Vì thế, đây cũng là hai địa điểm đầu tiên mà chúng tôi thăm khi tới Thủ đô của các bạn. Khi trở thành di sản quốc gia, những thắng cảnh này chắc chắn sẽ nhận được sự quan tâm đặc biệt hơn nữa trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử của Việt Nam.
Ông David Devin, quốc tịch Mỹ, giáo viên dạy tiếng Anh của Trung tâm Đào tạo tiếng Anh New Star Hà Nội: Đã sống nhiều năm ở Việt Nam, tôi thấy Hà Nội có rất nhiều cảnh đẹp, di tích lịch sử, đặc biệt là những hồ nước rất tuyệt vời như hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm... Tôi xin chia vui với các bạn khi Hà Nội có 5 danh thắng được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Riêng với hồ Hoàn Kiếm, tôi cho rằng cần có những kế hoạch bảo vệ môi trường nước trước sự ô nhiễm nhằm giữ gìn vẻ đẹp của địa danh lịch sử này và để các “cụ rùa” tiếp tục được chứng kiến sự phát triển của thành phố.
Ông Nguyễn Việt Giao, Phó Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Ba Vì: Nét độc đáo ở đình Tây Đằng là những khung cảnh thiên nhiên và hoạt động của con người được thể hiện qua những bức chạm khắc ở xà, kèo, cốn, ván bưng, đầu dư, con sơn, bảy hiên... Đặc biệt là toàn bộ hơn 1.300 chi tiết chạm khắc gỗ trong đình không hề trùng nhau, được bố trí hài hòa. Tuy nhiên, đình Tây Đằng chưa được quảng bá nhiều nên du khách đến tham quan chưa nhiều. Sau khi được đón nhận danh hiệu Di tích quốc gia đặc biệt, hy vọng đình Tây Đằng sẽ được các cấp, các ngành và chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa trong công tác bảo vệ, tu bổ, tôn tạo, quảng bá di tích, nhằm bảo tồn giá trị nghệ thuật kiến trúc chạm khắc độc đáo của thế kỷ XVI.
Ông Vũ Dũng, 37 Lý Nam Đế, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm: Mỗi du khách trong và ngoài nước khi đến Thủ đô Hà Nội không thể không một lần đến thăm hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn - di tích lịch sử văn hóa, là tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam. Cụm di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt là niềm tự hào đối với người dân Thủ đô, cán bộ, đảng viên và nhân dân quận Hoàn Kiếm. Do vậy, để cụm di tích này phát huy hơn nữa những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, mong rằng thời gian tới, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng của thành phố, quận Hoàn Kiếm sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với di tích.
Anh Hoàng Bá Tâm, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm: Trước việc đền Phù Đổng trở thành Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, người dân xã Phù Đổng rất vui mừng, phấn khởi. Tuy nhiên, điều tôi trăn trở nhất vẫn là làm thế nào để huy động được toàn dân tham gia vào việc bảo tồn, giữ gìn di tích. Thực tế, việc đầu tư, nâng cấp các di tích trên địa bàn Hà Nội nói chung và huyện Gia Lâm nói riêng những năm qua chưa thực sự được quan tâm, ý thức bảo vệ di tích của người dân còn hạn chế. Sau khi đền được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác giáo dục, nâng cao nhận thức nhằm thay đổi nhận thức của người dân trong việc bảo tồn và phát huy di tích trong đời sống.
Bà Nguyễn Hòa Hiệp, xóm Chùa, thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh: Quê hương Mê Linh chúng tôi tự hào là vùng đất đế đô thời Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, là nơi ghi lại những chiến công hiển hách của Hai Bà Trưng chiến thắng giặc Hán đô hộ. Trong thời kỳ kháng chiến, đền Hai Bà Trưng ở Hạ Lôi còn là địa điểm liên lạc bí mật của Đảng với các cơ sở cách mạng… Giờ đây, chúng tôi thêm vui mừng, phấn khởi khi đền thờ Hai Bà Trưng được đón nhận Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt. Tôi thiết nghĩ, để biểu thị lòng tri ân, uống nước nhớ nguồn của các thế hệ đối với những người có công với nước, với dân, việc chúng ta cần làm là giữ gìn, bảo vệ, tu bổ và tôn tạo di sản vô giá của tổ tiên, góp phần giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền lại lịch sử hào hùng cho thế hệ con cháu mai sau…
Ông Nguyễn Đăng Mạc, Chủ tịch UBND xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ: Hát Môn là nơi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa và đền Hát Môn được dựng lên sau khi Hai Bà hóa sinh vào cõi bất diệt. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã biểu thị cho tinh thần yêu nước, dũng cảm, kiên cường của dân tộc Việt Nam đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại độc lập cho nước nhà. Để xứng đáng với danh hiệu Di tích quốc gia đặc biệt, chính quyền và nhân dân xã Hát Môn với tinh thần, trách nhiệm và niềm tự hào sẽ phấn đấu giữ gìn, phát huy, bảo tồn giá trị di tích lịch sử. Đồng thời, cán bộ và nhân dân xã Hát Môn, mong được Nhà nước quan tâm đầu tư, mở rộng khuôn viên di tích để xây dựng nơi thờ 14 vị tướng lĩnh của Hai Bà Trưng, nhà truyền thống và những công trình phụ trợ… nhằm thu hút, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và du khách tham quan đền.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.