(HNM) - Nhằm đáp ứng nguyện vọng của kiều bào sống xa Tổ quốc chưa kịp đăng ký quốc tịch khi thời hạn chót 1-7-2014 sắp đến gần, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý gia hạn thời gian đăng ký 5 năm nữa.
Bà con kiều bào tham quan di tích Đền Hùng. |
Luật Quốc tịch năm 2008 quy định, từ thời điểm luật có hiệu lực đến trước ngày 1-7-2014, kiều bào nếu không đăng ký thì sẽ mất quốc tịch Việt Nam. Như vậy, kiều bào có thời gian từ năm 2009 để hoàn thành thủ tục và ngày 1-7 tới là hạn chót. Theo Nghị định 78/2009/NĐ-CP về việc thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài mà hộ chiếu Việt Nam không còn giá trị sử dụng, nếu có nguyện vọng giữ quốc tịch Việt Nam thì phải đăng ký. Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn, thống kê sơ bộ cho thấy chỉ có khoảng 6.000 kiều bào đăng ký giữ quốc tịch. So với hơn 4,5 triệu người Việt ở nước ngoài, con số trên là rất ít. Lý giải nguyên nhân của thực trạng này, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn cho biết: Bà con người Việt sống rải rác trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với điều kiện làm việc, sinh sống khác nhau, nhiều người không có thông tin về thủ tục pháp lý liên quan việc đăng ký giữ quốc tịch. Cũng chính vì vậy, rất nhiều người quan niệm quốc tịch là thứ thiêng liêng của mỗi người và không thể bị mất.
Trong chuyến công tác mới đây tại Mỹ, Canada và Hàn Quốc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn đã nhận được nhiều ý kiến, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của kiều bào về vấn đề trên. Thực tế cho thấy, tuyệt đại đa số kiều bào mong muốn tiếp tục được giữ quốc tịch Việt Nam. Xuất phát từ mong muốn thiêng liêng và chính đáng này, mới đây Văn phòng Chính phủ có văn bản số 161/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008. Theo đó, Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ Tư pháp là trước mắt cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 với thủ tục rút gọn theo hướng gia hạn thời gian đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam 5 năm (đến ngày 1-7-2019) đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam. Thủ tướng giao Bộ Tư pháp có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quốc tịch Việt Nam vào chương trình của kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII, để xem xét, thông qua.
Để chính sách này thực sự phát huy hiệu quả, một số bà con kiều bào đưa ra ý kiến nên lập một website để đăng ký quốc tịch và thông báo rộng rãi cho kiều bào biết. Việc làm này sẽ thuận lợi cho bà con hơn là phải đến cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để đăng ký, bởi vì nhiều khi điều đó gây bất tiện do điều kiện địa lý và công việc. Chị Bạch Ngọc Trang, nghiên cứu sinh chuyên ngành Chính sách văn hóa - Trường Đại học Inha (Hàn Quốc) chia sẻ: "Quyết định gia hạn thời gian đăng ký giữ quốc tịch cho kiều bào có ý nghĩa quan trọng, như mở rộng cánh cửa để chào đón người Việt ở khắp năm châu. Việc gia hạn này không chỉ tôn trọng quyền lựa chọn của kiều bào ta mà còn tạo điều kiện cho những ai muốn giữ quốc tịch Việt Nam mà chưa có điều kiện đăng ký hoặc chưa được tiếp cận thông tin để có thêm thời gian thực hiện nguyện vọng cũng như thực hiện lựa chọn của mình".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.