(HNM) - Tính đến đầu tháng 4-2023, nhiều địa phương, doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được bước tiến mới trong việc phát triển hệ thống nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn. Hiện thành phố tiếp tục vận động thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho hệ thống này, qua đó góp phần cho thành phố thêm sạch đẹp, thân thiện, văn minh.
Những chuyển biến mới
Hiện Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích quận 1 thành phố Hồ Chí Minh đang khẩn trương cải tạo, nâng cấp 18 nhà vệ sinh công cộng hiện có tại một số công viên, bến xe, xây dựng dấu hiệu nhận biết riêng độc đáo và nổi bật.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận 1 Vũ Nguyễn Quang Vinh, quận còn vận động được 100 chủ sở hữu hoặc đơn vị quản lý cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn cùng tham gia mô hình cho người dân và du khách được sử dụng miễn phí nhà vệ sinh.
Anh Vũ Văn Giang đến từ thành phố Hải Phòng vừa có dịp trải nghiệm hệ thống nhà vệ sinh công cộng khu vực Công viên 23-9 (quận 1, thành phố Hồ Chí Minh). Là một người làm trong lĩnh vực dịch vụ, anh Giang chia sẻ: “Tôi thấy nhà vệ sinh công cộng tại bến xe buýt và trong một quán cà phê trên đường Nguyễn Trãi đều sạch sẽ, thân thiện, tạo sự thoải mái cho du khách”.
Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong (đơn vị chủ quản hệ thống 46 nhà vệ sinh công cộng hiện còn hoạt động ở thành phố Hồ Chí Minh) đang phối hợp với quận 1 xây mới nhà vệ sinh công cộng. Các nhà vệ sinh xây mới theo tiêu chuẩn hiện đại, sạch sẽ, rộng 13-20m2, hoạt động 24/24 giờ… Nhà đầu tư đề xuất quanh nhà vệ sinh còn có điểm giữ xe, ki ốt kinh doanh, quảng cáo… tạo nguồn thu vận hành cụm dịch vụ này.
Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong Lê Thành Khoa cho biết, kinh phí xây dựng khoảng 550 triệu đồng/khối nhà vệ sinh; kinh phí quản lý, vận hành khoảng 35 triệu đồng/tháng, dự kiến huy động từ các nguồn xã hội và qua việc khai thác mặt bằng của chính nhà vệ sinh công cộng. Các bên liên quan đã cùng đề xuất UBND thành phố Hồ Chí Minh tạo cơ chế cấp quỹ đất để công ty bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà vệ sinh công cộng.
Ngoài ra, vừa qua, nhóm liên danh của Công ty cổ phần Công nghệ môi trường Tiên Phong đã báo cáo với UBND thành phố Hồ Chí Minh về đề án phát triển hệ thống 100 nhà vệ sinh công cộng hiện đại, sử dụng năng lượng mặt trời và cảm biến tự động. Đó là các cụm dịch vụ tiện ích chế tạo nguyên khối rộng khoảng 12m2/cụm, gồm phòng vệ sinh đầy đủ chức năng và ki ốt trưng bày, bán hàng… Công nghệ chế tạo mới giúp cho khối nhà này có thể hoạt động độc lập, không cần đào hầm chứa nước thải ngầm dưới đất.
Chú trọng huy động nhiều nguồn lực
Với tư cách là chuyên gia nghiên cứu về hạ tầng dịch vụ dân sinh đô thị, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Công nghệ môi trường Tiên Phong Nguyễn Xuân Sáng cho hay, hệ thống nhà vệ sinh công cộng là một phần tất yếu của đô thị hiện đại và các khu du lịch. Khu vực ASEAN cũng có tiêu chuẩn APTS (ASEAN Public Toilet Standard) cho hệ thống này.
Theo ông Nguyễn Xuân Sáng, doanh nghiệp sẵn lòng bỏ vốn đầu tư nhưng rất cần sự phối hợp quản lý của chính quyền địa phương, bởi công tác trông coi, duy trì hoạt động của nhà vệ sinh công cộng không dễ dàng. Theo đó, phần nhà vệ sinh, doanh nghiệp đầu tư có trách nhiệm duy trì hoạt động. Phần ki ốt gắn cùng, doanh nghiệp sẵn sàng giao lại cho địa phương làm điểm giới thiệu dịch vụ, hướng dẫn du lịch hay chốt giữ gìn an ninh trật tự…
“Có người ở đó khai thác 24/24 giờ sẽ vừa bảo vệ được tài sản, vừa tận dụng mặt bằng. Nhiều nhà vệ sinh công cộng trong đợt thử nghiệm năm 2018-2019 của chúng tôi đã bị mất những thiết bị hiện đại vì không có ai trông coi. Chúng tôi đề xuất có cơ chế khai thác quảng cáo bằng bảng điện tử trên nóc khối nhà để vừa quảng bá doanh nghiệp, vừa có nguồn thu duy trì hoạt động cho nhà vệ sinh”, ông Nguyễn Xuân Sáng đề xuất.
Về việc các cơ sở kinh doanh tạo điều kiện để du khách, người dân dùng nhà vệ sinh của mình như nhà vệ sinh công cộng đã được triển khai nhiều năm trước tại thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, anh Trương Hữu Trung, chủ một cửa hàng trên đường Trần Phú (Đà Nẵng) đã chia sẻ một số vướng mắc khi tham gia chương trình. Cụ thể, cửa hàng của nhà anh Trung có kiến trúc nhà ống, khu vệ sinh bố trí phía sau. Khi có người lạ đi vệ sinh, nhân viên bán hàng phải lưu ý, đề phòng kẻ gian lợi dụng. “Mô hình này chỉ phù hợp với quán cà phê, nhà hàng có thiết kế không gian mở, không phù hợp nhà phố”, anh Trung nói.
Trở lại với thành phố Hồ Chí Minh, định hướng phát triển hệ thống nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bùi Xuân Cường cho biết, thành phố hướng đến xây dựng nhà vệ sinh công cộng đa năng, vừa đáp ứng nhu cầu vệ sinh, vừa khai thác quảng cáo và các dịch vụ tiện ích khác. Thành phố cũng sẽ chú trọng huy động nguồn lực, tăng cường xã hội hóa trong vận hành, quản lý, khai thác hệ thống này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.