Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thêm những xuân hồng yêu thương

Thanh Hải - Triệu Dương| 27/02/2014 06:59

(HNM) - Từ hạt giống đầu tiên với 13 sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội, đến nay phong trào hiến máu tình nguyện của thanh niên Hà Nội đã lớn mạnh không chỉ ở số lượng các trường đại học mà còn lan tỏa đến tất cả quận, huyện, xã, phường...


1. "Kiến trúc sư trưởng" của "Lễ hội Xuân hồng" cũng như hàng trăm công trình khoa học tiêu biểu, trong đó có công trình ghép tế bào máu - thành tựu y học nổi bật, một trong những niềm tự hào của y học Việt Nam - chính là GS.TS, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu TƯ (Viện Huyết học).

Hoạt động hiến máu nhân đạo được tổ chức như những ngày hội thu hút đông đảo thanh niên tham gia.


Dẫn chúng tôi đi thăm nơi tổ chức các hoạt động hiến máu cứu người bệnh, GS.TS Nguyễn Anh Trí cho biết: Trước kia, dù là đơn vị đầu ngành nhưng Viện Huyết học luôn trong tình trạng thiếu máu nghiêm trọng. Chứng kiến nhiều căn bệnh quái ác hành hạ bệnh nhân mà mình không cứu giúp được, không phải cá nhân tôi mà nhiều bác sĩ đều rất trăn trở. Phải tổ chức ngày hội hiến máu mang tên "Lễ hội Xuân hồng", xóa đi quan niệm không đúng khi cho máu ngày đầu năm là cho đi cái "đỏ", để có thêm nhiều đơn vị máu cứu người là điều thôi thúc, được ban lãnh đạo và toàn thể y, bác sĩ trong viện ủng hộ. Từ chủ trương, đến quyết tâm thực hiện, bệnh viện đã thành công. Đây thực sự là một lễ hội tạo được hiệu ứng lan tỏa trên cả nước. Đã qua 6 lần tổ chức thành công, phải nói rằng "Lễ hội Xuân hồng" đã đem đến những thành quả bất ngờ, cơ bản chấm dứt hiện tượng thiếu máu trong những tháng đầu năm và luôn duy trì khoảng 10.000 đơn vị máu dự phòng ở những tháng tiếp theo.

Theo lời giới thiệu của Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội, chúng tôi tìm gặp chị Hứa Hải Vân ở Sóc Sơn, Hà Nội. Chị Vân được coi là "khách ruột" của Viện Huyết học. Theo hồ sơ bệnh án, chị Vân bị bệnh tan máu bẩm sinh nên thời gian nằm viện còn nhiều hơn ở nhà. Tính đến nay, chị Vân đã nhận được hơn 1.000 đơn vị máu từ nghĩa cử cao đẹp của cộng đồng. Chúng tôi không thể hình dung được rằng đơn vị máu mà chị Vân nhận được, con số đó thực tế lớn gấp 800 lần lượng máu có trong cơ thể chị.

Trong cuốn sổ ghi cảm tưởng của "Lễ hội Xuân hồng", chúng tôi gặp nét chữ của Hoa hậu biển Nguyễn Thị Loan khi cô tham gia tới 7 lần hiến máu. Tại "Lễ hội Xuân hồng" năm nay, cô phấn khởi bày tỏ: "Lễ hội Xuân hồng vốn mang trong đó ý nghĩa của sự sẻ chia, của lòng nhân ái. Loan rất hạnh phúc được góp một phần nhỏ bé vào hoạt động thiện nguyện này, được chia sẻ một phần sự sống cho người bệnh là niềm hạnh phúc vô cùng…".

2. Ở Viện Huyết học không thiếu những tấm gương sáng về y đức. Đó là bác sĩ Nguyễn Đức Thuận, Ngô Mạnh Quân cùng thế hệ với các bác sĩ Trần Ngọc Quế, Trần Tuấn Anh, Vũ Đình Mạnh… đều trưởng thành từ phong trào hiến máu nhân đạo cứu người ra đời cách đây đúng 20 năm. Khởi đầu với 13 sinh viên của Trường Đại học Y Hà Nội, được sự dìu dắt của GS.TSKH Đỗ Trung Phấn, ngày 24-1-1994 được coi là ngày hiến máu nhân đạo đầu tiên được tổ chức tại Viện Huyết học cũng là ngày đánh dấu sự ra đời Câu lạc bộ Học sinh - sinh viên hoạt động nhân đạo trực thuộc Hội Sinh viên thành phố Hà Nội. Sứ mệnh của hội là gieo mầm, khởi động cho phong trào hiến máu tình nguyện của Thủ đô. Hoạt động hiến máu từng bước được phát triển, ngày 19-5-1995, câu lạc bộ được đổi tên thành CLB Vận động hiến máu nhân đạo trực thuộc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, hoạt động vận động hiến máu dần đi vào cuộc sống khi Bộ trưởng Bộ Y tế có quyết định lấy ngày 6-1 là ngày hiến máu nhân đạo toàn quốc. Một trong 13 sinh viên của ngày đó là bác sĩ Ngô Mạnh Quân, anh vẫn đang công tác tại Viện Huyết học.

Trò chuyện với chúng tôi, bác sĩ Ngô Mạnh Quân cho biết, trong những năm qua, các hoạt động hiến máu tình nguyện không ngừng được đổi mới, mở rộng địa bàn, nâng tầm uy tín. Từ 13 cá nhân, đến nay Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội - Ngôi nhà chung của những trái tim nhân ái đã có hơn 750 hội viên, gần 3.000 tình nguyện viên tổ chức tại 9 chi hội với 83 đội/CLB Tuyên truyền viên, tổ chức tuyên truyền trên 500 nghìn lượt người. Con số khá ấn tượng của phong trào hiến máu nhân đạo Thủ đô đã phối hợp với Viện Huyết học tiếp nhận được hơn 30 nghìn đơn vị máu, phối hợp với các bệnh viện, các cơ quan, trường học tổ chức tiếp nhận trên 25 nghìn đơn vị máu, duy trì 15 đến 18 buổi hiến máu trong tuần, đặc biệt những đơn vị máu của hội tập trung vào giai đoạn khan hiếm nguồn người hiến máu dịp hè và Tết. Việc tổ chức tốt 22 sự kiện hiến máu thể hiện từng bước sự chuyên nghiệp và chủ động. Cũng theo bác sĩ Quân, cán bộ, hội viên nhiều người tích cực tham gia nghiên cứu khoa học với đề tài về tình nguyện viên, nhiều hội viên đã được cử tham gia báo cáo tại các khóa tập huấn, hội nghị mang tầm quốc tế và khu vực. Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội là thành viên của Hiệp hội Tình nguyện quốc tế, Chủ tịch Mạng lưới các tổ chức tình nguyện Việt Nam khu vực phía Bắc.

3. Dù không nhận mình là một trong những tiến sĩ trẻ nhất, đặc biệt trong lĩnh vực y tế nhưng tên tuổi của PGS.TS Nguyễn Hà Thanh (sinh năm 1968), Trưởng khoa Điều trị hóa chất, Viện Huyết học đã được nhiều đồng nghiệp trong và ngoài nước biết đến. Năm 1999, luận án tiến sĩ liên quan đến điều trị chứng bệnh bạch cầu mãn (ung thư máu mãn tính) của bác sĩ trẻ Nguyễn Hà Thanh đã làm giới khoa học sửng sốt. Không sửng sốt sao được khi lĩnh vực y khoa đòi hỏi một quá trình công tác lâu năm, nhiều bác sĩ "lão làng" mới dám mơ đến những công trình khoa học vị nhân sinh. Càng khâm phục hơn khi công trình khoa học của bác sĩ trẻ này được coi là ứng dụng mới mẻ mang tính toàn cầu vào thời điểm bấy giờ.

Vượt qua tất cả những khó khăn, những e ngại của đồng nghiệp, Tiến sĩ Nguyễn Hà Thanh dần khẳng định được vị thế của công trình khoa học khi đưa những ứng dụng vào thực tế quá trình điều trị. Nhớ lại thời khắc đó, PGS.TS Nguyễn Hà Thanh cho biết, khi ấy máy móc và phương tiện không hiện đại như bây giờ. Để điều trị cho bệnh nhân máu trắng, tôi đã trực tiếp lấy máu từ người bệnh, trực tiếp sử dụng máy quay ly tâm để tách máu trắng và lại trực tiếp thủ công truyền vào người bệnh. Những ngày đó, khoa học về huyết học còn khá mới mẻ nhưng sự động viên của các thế hệ đi trước đã cho tôi điểm tựa để hoàn thành các công trình nghiên cứu mang tính ứng dụng cao sau này. Hiện tại, PGS.TS Nguyễn Hà Thanh được coi là một trong những nhà khoa học trẻ nhiều triển vọng. Công việc hằng ngày của anh vừa làm công tác nghiên cứu khoa học vừa trực tiếp tham gia điều trị những căn bệnh hiểm nghèo liên quan đến huyết học, vừa tham gia giảng dạy tại Trường ĐH Y Hà Nội. Biết bao lớp học trò của vị giáo sư trẻ này đang cùng người thầy của mình cống hiến nhiều hơn nữa cho ngành y học của Việt Nam ngày càng tỏa sáng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thêm những xuân hồng yêu thương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.