(HNM) - Trong một diễn biến mới, ngày 3-3, Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) cùng đưa ra tuyên bố đòi áp dụng biện pháp trừng phạt mới với Iran nếu những hoạt động ngoại giao quốc tế nhằm thuyết phục quốc gia Hồi giáo này ngừng chương trình phát triển hạt nhân. Tuy nhiên, động thái này có vẻ vẫn không làm thay đổi được lập trường của Têhêran.
Nhà máy hạt nhân Ixphahan, gần thủ đô Têhêran.
Phát biểu tại cuộc họp kín Ban Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), tại trụ sở ở Viên (Áo), các đại diện của Mỹ và EU cáo buộc Iran phá vỡ những nguyên tắc hạt nhân khi tiếp tục gia tăng hoạt động làm giàu urani mà không có sự giám sát của thanh sát viên IAEA. EU khẳng định sẽ ủng hộ vòng đàm phán thứ tư thảo luận về các biện pháp trừng phạt Iran của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. 24 giờ sau, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Sudan Raixơ đã lên tiếng rằng "không có lựa chọn gì khác hơn" về một lệnh trừng phạt mới với Têhêran; đồng thời phát tín hiệu về các biện pháp trừng phạt mới…
Trong khi đó, đại diện Iran tại IAEA, ông Ali Átxha Xôtanien cho biết, Têhêran đã đưa trở lại lòng đất số urani đã được làm giàu và dự định sẽ tinh luyện số nguyên liệu này lên độ tinh khiết 20%. Ông Xôtanien cũng bác bỏ những suy đoán nói Iran đã để một lượng lớn nguyên liệu hạt nhân ở địa điểm có thể phát hiện trên mặt đất nhằm khiêu khích Ixraen không kích để có cớ trục xuất các thanh sát viên Liên hợp quốc. Iran cũng bác bỏ việc phát triển bom nguyên tử vì lý do an ninh. Ngoại trưởng Iran M.Mốttaki cũng vừa lên tiếng bác bỏ lời của Tổng Giám đốc IAEA Y.Amanô cáo buộc Iran không hợp tác đầy đủ với IAEA. Nhà ngoại giao hàng đầu của Iran còn nêu rõ, Têhêran hoan nghênh các cuộc thương lượng và đang xúc tiến thảo luận với nhiều bên về trao đổi nhiên liệu hạt nhân.
Rõ ràng, khi các cường quốc phương Tây, đứng đầu là Mỹ đang hướng tới lệnh trừng phạt mới thì Têhêran đang chủ động hợp tác, tránh đối đầu nhưng vẫn giữ nguyên lập trường về phát triển hạt nhân vì mục đích hòa bình khiến "án phạt" mới của phương Tây không dễ thực hiện. Thêm vào đó, trên phương diện quốc tế, Têhêran đã thiết lập được mạng lưới đồng minh mới. Chuyến công du hồi đầu năm nay tới Trung Á của Tổng thống M.Amađinêgiát không chỉ thúc đẩy trao đổi thương mại mà còn thiết lập thêm được mối quan hệ đồng minh chính trị quan trọng. Trên một bình diện khác, chuyến công du Mỹ Latinh của Ngoại trưởng Mỹ Hilari Clintơn, vừa kết thúc hôm 4-3, đã không gặt hái được kết quả như mong đợi. Trong cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng H.Clitơn với Tổng thống Braxin Lula Đa Xinva, quốc gia đang giữ ghế Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, Oasinhtơn đã không có được cam kết của Braxin về lập trường cứng rắn đối với Iran trong vấn đề hạt nhân. Thêm vào đó, ông Đa Xinva còn nêu rõ, "không nên dồn Iran vào chân tường" và nhấn mạnh cần phải duy trì các cuộc đàm phán với Têhêran. Trung Quốc, một trong 5 nước thường trực HĐBA, vẫn khẳng định lập trường theo đuổi biện pháp ngoại giao để giải quyết bế tắc xung quanh chương trình hạt nhân của Iran...
Cùng với đó, chính quyền của Tổng thống M.Amađinêgiát đã đưa ra nhiều "bài" răn đe mới trước áp lực ngày một tăng của phương Tây. Hồi đầu tháng 2 vừa qua, một quan chức trong lực lượng vũ trang nước này cho biết, Iran có thể "vô hiệu hóa" hệ thống đánh chặn tên lửa Patriốt của Mỹ bằng những chiến thuật đơn giản; đồng thời Têhêran phóng thử thành công tên lửa đẩy Kavoshgar 3 do nước này tự chế tạo, mang theo một thiết bị thí nghiệm dạng khoang chứa một số sinh vật sống, gồm chuột, rùa và côn trùng…
Cuộc khủng hoảng hạt nhân giữa Iran và các nước phương Tây đang có thêm những khoảng cách nguy hiểm mới. Dẫu khó có thể có ngay một lệnh trừng phạt mới với Iran, nhưng nếu xảy ra, nó sẽ đưa cuộc khủng hoảng tới một diễn biến khôn lường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.